Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: Bộ VHTTDL đã chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành

VHO - Chiều 22.10, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đã chủ trì phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Uỷ ban. Cùng dự còn có các Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục: Tạ Văn Hạ, Phan Viết Lượng, Đinh Công Sỹ, Nguyễn Thị Mai Hoa; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý; đại diện các Uỷ ban, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đại diện các Bộ, ngành, địa phương, Đoàn TNCS HCM. Đại diện cho Bộ VHTTDL là Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ.

Tiếp tục đổi mới, chủ động, quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: Bộ VHTTDL đã chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành - Anh 1

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về kết quả hoạt động năm 2023 và dự kiến công tác năm 2024 của Uỷ ban, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, sự đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tập thể Uỷ ban đã nỗ lực triển khai, hoàn thành tốt chương trình, kế hoạch công tác năm 2023 với nhiều kết quả nổi bật trong công tác lập pháp, giám sát và tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Phan Viết Lượng, những tháng đầu năm 2023, Ủy ban, Thường trực Ủy ban đã tích cực, quyết liệt, có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ, hoàn thành khối lượng lớn công việc đảm bảo chất lượng, tiến độ theo chương trình đề ra, trong đó có lĩnh vực VHTTDL, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo. Về công tác giám sát, khảo sát, Thường trực Ủy ban đã lựa chọn, tổ chức triển khai khảo sát 4 chuyên đề quan trọng, phù hợp yêu cầu xây dựng pháp luật, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được nhân dân, cử tri quan tâm.

Thường trực Ủy ban đã xây dựng kế hoạch; tổ chức làm việc với Bộ VHTTDL, Bộ TT&TT; khảo sát thực tế tại một số địa phương, đơn vị; tổ chức hội nghị chuyên đề, tọa đàm xin ý kiến các thành viên Ủy ban, các chuyên gia; xây dựng các báo cáo đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật trong 4 lĩnh vực: Di sản văn hóa, du lịch, báo chí và thiết chế văn hóa, thể thao. Về kế hoạch công tác 3 tháng cuối năm 2023, năm 2024, Thường trực Ủy ban sẽ tiếp tục đổi mới, chủ động, quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ đề ra, trong đó tập trung thực hiện tốt việc chủ trì thẩm tra Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Tờ trình của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Luật Quảng cáo”; Khảo sát chuyên đề “Việc thực hiện Luật Xuất bản”; tổ chức Phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao giai đoạn 2013-2023”.

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: Bộ VHTTDL đã chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành - Anh 2

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Phan Viết Lượng báo cáo tại phiên họp

Trong năm 2024, Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục đề nghị Bộ VHTTDL và các Bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa; ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao; bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá. Tập trung thực hiện công tác xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật; thực hiện các chương trình, kế hoạch, chiến lược, đề án đã được phê duyệt và các dự án thành phần thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 bảo đảm chất lượng, khả thi.

Tập trung phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp, phát triển kinh tế thể thao. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác đào tạo, huấn luyện; đảm bảo chế độ cho vận động viên, huấn luyện viên. Tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ đẩy nhanh phục hồi phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo, có lợi thế. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến, liên kết, chuyển đổi số, thống kê hoạt động du lịch. Tham mưu ban hành Chiến lược phát triển thể dục, thể thao, Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch… giai đoạn 2021 – 2030…

Bộ VHTTDL chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: Bộ VHTTDL đã chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành - Anh 3

Toàn cảnh phiên họp

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cũng đánh giá, qua theo dõi, giám sát, khảo sát, thường trực Ủy ban nhận thấy, hơn 9 tháng đầu năm 2023, Bộ VHTTDL, Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Về văn hoá, công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; việc xếp hạng, tu bổ, phục hồi di tích, di sản đạt nhiều kết quả. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Công tác đối ngoại, hoạt động ngoại giao văn hóa được tăng cường.

“Tuy nhiên, ngân sách đầu tư cho sự nghiệp văn hoá còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc quản lý kinh doanh dịch vụ văn hóa, quản lý hoạt động văn hóa trên không gian mạng, triển khai các dự án thành phần thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia còn khó khăn. Việc sắp xếp các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp ở nhiều địa phương chưa phù hợp tính đặc thù, yêu cầu nhiệm vụ”, Phó Chủ nhiệm Phan Viết Lượng đánh giá.

Về thể thao, các hoạt động thể thao quần chúng tiếp tục được quan tâm, thu hút đông đảo đối tượng tham gia. Việc bảo tồn, phát huy các môn thể thao truyền thống đạt nhiều kết quả. Thể thao Việt Nam tiếp tục đạt được một số thành tích cao ở các giải đấu khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, cơ chế quản lý, hiệu quả sử dụng các thiết chế thể thao của Nhà nước còn bất cập. Chế độ đãi ngộ đối với vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích cao trong thi đấu chưa phù hợp, chưa tạo động lực để vận động viên yên tâm thi đấu và cống hiến. Thành tích thi đấu của một số môn tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 chưa đạt như kỳ vọng.

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cũng đánh giá, du lịch Việt Nam tiếp tục phục hồi; lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tăng trưởng tích cực, vượt chỉ tiêu đề ra. Chính sách thị thực mới được ban hành tạo thuận lợi cho phát triển du dịch. Nhiều sản phẩm du lịch được xây dựng, đáp ứng nhu cầu thị trường, phù hợp với xu thế mới. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết vùng, liên kết địa phương được đẩy mạnh. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi của khách du lịch quốc tế còn chậm; một số thị trường truyền thống đạt tỷ lệ phục hồi chưa cao. Tình trạng thiếu nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao vẫn chưa được khắc phục. Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 chưa được ban hành.

Tích cực triển khai các nhiệm vụ

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ cho biết, Bộ VHTTDL thống nhất cao với các nội dung báo cáo toàn diện, khoa học và được chuẩn bị nghiêm túc, sát thực của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục. Uỷ ban cũng vừa có cuộc làm việc đầy đủ và toàn diện với Bộ VHTTDL và các kiến nghị, đề xuất từ cuộc làm việc này, Bộ đã giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề ra giải pháp và đề xuất vào nhiệm vụ công tác năm 2024. Với các nhiệm vụ mang tính chất lâu dài, Bộ đang phối hợp triển khai thực hiện theo kế hoạch công tác năm 2023 và năm 2024.

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: Bộ VHTTDL đã chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành - Anh 4

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ phát biểu tại phiên họp

Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, từ nay đến cuối năm 2024, Bộ VHTTDL tập trung vào việc chỉ đạo hoàn thiện xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chủ trì tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Với một số lĩnh vực chưa có Luật, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết, Bộ đang tích cực xây dựng các Nghị định như Nghị định về công tác văn học; đánh giá việc triển khai thực hiện để nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung Nghị định quy định hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Bộ cũng khẩn trương xây dựng Thông tư để đưa các quy định của Luật vào cuộc sống như với Luật Điện ảnh hay Luật phòng chống bạo lực gia đình. Về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá, Bộ đang tích cực nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý để hoàn thiện, trong đó xác định mục tiêu, phạm vi, nội dung có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải.

Về lĩnh vực Thể thao, Bộ đang tích cực tham mưu trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các vấn đề để phát triển toàn diện nền thể thao nước nhà từ thể thao quần chúng đến thể thao thành tích cao sẽ được đề cập trong dự thảo Chiến lược. Bộ cũng sẽ nghiên cứu rà soát cơ chế, chính sách ưu đãi cho các VĐV, HLV; đề xuất tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế thể thao, thể thao chuyên nghiệp…

Về lĩnh vực Du lịch, Bộ nỗ lực để có chính sách quảng bá, giới thiệu, xúc tiến, cả về du lịch nội địa, lẫn du lịch quốc tế. Xuất phát từ những nghiên cứu từ bối cảnh, tình hình thực tiễn để đề ra các chỉ tiêu hợp lý trong phát triển du lịch, để ngành này thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội: Bộ VHTTDL đã chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành - Anh 5

Các đại biểu dự phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị cần có sự quan tâm đầu tư các nguồn lực cho lĩnh vực văn hoá, trong đó có việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể đã được UNESCO ghi danh. Với lĩnh vực Thể thao, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đề nghị cần có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn cho đấu trường châu Á để Thể thao Việt Nam đạt được nhiều huy chương, có thành tích cao hơn. Trong khi đó đại biểu Việt Nga (Hải Dương) cũng đề nghị các địa phương cần bố trí quy hoạch cho các thiết chế văn hoá, thể thao, tránh việc chuyển đổi mục đích sử dụng khiến quỹ đất dành cho thể thao bị mất trắng; đề nghị tháo gỡ khó khăn trong các quy định để đội ngũ y tế tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia có thêm thu nhập, yên tâm cống hiến. Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) đề nghị cần có chế độ chính sách nâng cao về dinh dưỡng cho các VĐV để cải thiện về thể lực, thể trạng cho mục tiêu vươn tới đấu trường châu Á; cần quan tâm đầu tư hơn cho lĩnh vực văn hoá từ việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống đến đội ngũ nhân lực ngành văn hoá, nhất là ở các địa phương…

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, từ sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, lĩnh vực Văn hoá đã nhận được sự quan tâm lớn từ các cấp, ngành, địa phương và người dân trong đó nổi bật như Hà Tĩnh và Bắc Ninh tổ chức Hội nghị văn hoá cấp tỉnh. Bộ VHTTDL cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ. Về Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho biết, Uỷ ban đồng ý với việc xây dựng Chương trình vì tính cấp thiết, cần thiết và sẽ đồng hành cùng Bộ VHTTDL cùng các cơ quan liên quan xây dựng Chương trình phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc