Xây dựng thuong hiệu để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

VHO- Ở Việt Nam, vì nhiều lý do, các ngành công nghiệp văn hóa của ta chưa thực sự phát triển hay chưa thực sự chuyên nghiệp. Sự chưa phát triển và tính không chuyên nghiệp thể hiện ở việc rất nhiều các công trình nghệ thuật được sản xuất ra và rơi vào quên lãng, lãng phí tiền của của Nhà nước và xã hội. Những ví dụ như một số bộ phim nhiều tỷ nhưng không thể chiếu ở rạp còn tồn tại ở rất nhiều các lĩnh vực khác nhau: từ âm nhạc, phim ảnh đến thủ công mỹ nghệ…. Nhiều nghệ sỹ, nghệ nhân, những người sáng tạo không sống được bằng nghề. Thị trường nghệ thuật méo mó, không phát triển theo đúng qui luật cung cầu của nó.

Tuy vậy, có những tín hiệu khởi sắc đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Những thử nghiệm thành công và không thành công của Nhà Sàn Collective, Zone 9, của các triển lãm của Viện Goethe, Trung tâm Văn hóa Pháp L’espace hay của các cá nhân nghệ sĩ đã cho thấy sự quan tâm và áp dụng thực tiễn ở những mức độ nhất định, trong đó sự sáng tạo được xem là hạt nhân kích thích các yếu tố khác.

Ở một khía cạnh bao quát nhất, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa bao gồm nhiều khâu, từ hoàn thiện thể chế, phát triển thị trường, sản phẩm, công chúng tới vấn đề bản quyền và các quyền liên quan. Tuy nhiên, phát triển thương hiệu là một trong những yếu tố then chốt khác để giúp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Thương hiệu quan trọng ở chỗ nó là một đảm bảo về chất lượng và uy tín đối với sản phẩm nói riêng, cả nền kinh tế - văn hóa nói chung. Đối với lĩnh vực sáng tạo, xây dựng thương hiệu cần tập trung vào một số yếu tố cụ thể sau: Thứ nhất đó là xây dựng thương hiệu cho các cá nhân nghệ sĩ, người sáng tạo. Cá nhân nghệ sĩ hay người sáng tạo có sức thu hút, tầm ảnh hưởng nhất định đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Những ví dụ trên thế giới cho thấy, nhiều khi, những cá nhân cụ thể có thể vực dậy, làm phát triển cả một lĩnh vực sáng tạo như trường hợp Trương Nghệ Mưu đối với điện ảnh ở Trung Quốc, Kim Ki-Duk với điện ảnh Hàn Quốc, hay thể hiện dấu ấn cá nhân đối với một xu hướng phát triển trong lĩnh vực sáng tạo như Alfred Hitchcock với dòng phim kinh dị, Steve Jobs với dòng sản phẩm Iphone… Các cá nhân có tác dụng lan tỏa, làm phát triển cả một lĩnh vực công nghiệp văn hóa, hay trở thành một trong những khâu của chuỗi giá trị gia tăng liên quan đến các lĩnh vực khác nhau trong đời sống kinh tế - xã hội của một khu vực hay một quốc gia; Thứ hai là tập trung xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, tổ chức sáng tạo. Không chỉ các cá nhân, các doanh nghiệp, tổ chức sáng tạo có vai trò quan trọng trong việc định vị thương hiệu cho các sản phẩm văn hóa của Việt Nam. Chúng ta đều biết rằng, thương hiệu của của các công ty như Google, Apple, Luis Vuiton, Hermes,… luôn tạo ra sự khao khát cho rất nhiều người tiêu dùng các sản phẩm của họ. Đây cũng là mong muốn của bất kỳ một doanh nghiệp hay tổ chức sáng tạo nào. Điều quan trọng nhất để làm nên thành công của các thương hiệu nổi tiếng thế giới, bên cạnh chất lượng tốt, là nỗ lực sáng tạo không ngừng của họ. Như vậy chúng ta thấy được mối quan hệ tương hỗ giữa sáng tạo và thành công của doanh nghiệp. Vì thế, xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp, tổ chức sáng tạo Việt Nam sẽ giúp kích thích, nuôi dưỡng khả năng sáng tạo của toàn bộ xã hội, từ đó tạo ra các hoạt động thành công trong kinh doanh nói chung(1); Thứ ba là xây dựng thương hiệu quốc gia về sáng tạo. Trong bối cảnh các quốc gia đều có xu hướng xây dựng thương hiệu cho mình như gần đây nhất là Ấn Độ với khẩu hiệu Make in India để phát triển sản xuất nói chung, với Thái Lan là Creative Thailand, với Hàn Quốc là Dynamics Korea cho các sản phẩm văn hóa, sáng tạo,… thì Việt Nam cũng cần có những chiến lược để xây dựng một thương hiệu chung cho tất cả các sản phẩm văn háo của mình. Việt Nam có rất nhiều lợi thế về văn hóa với sự đa dạng các biểu đạt văn hóa của 54 tộc người cùng sinh sống trong một quá trình lịch sử lâu dài, thiên nhiên tươi đẹp, con người mến khách, cởi mở… Tất cả đều có thể trở thành tài sản văn hóa và thương hiệu của một đất nước. Khi đất nước có được một thương hiệu hay một thông điệp rõ ràng gửi tới thế giới, tới tất cả khách hàng, chúng ta sẽ có lợi thế trong việc thu hút sự quan tâm của thị trường, từ đó, tạo động lực cho các cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào thị trường văn hóa. Để làm được điều đó, Việt Nam sẽ có rất nhiều việc phải làm: Một chương trình, kế hoạch cụ thể, khả thi; tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế ở Việt Nam; thiết lập một nhóm cộng tác/đối tác và tư vấn quốc tế để đảm bảo Việt Nam học tập được các kinh nghiệm quốc tế thành công nhất trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa và quảng bá đến các nước về sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu cần tập trung vào việc tạo ra các sự kiện ở Việt Nam hay tham gia vào các sự kiện quốc tế có liên quan đến từng lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Ví dụ, xây dựng thương hiệu cho các nhà thiết kế thời trang hay sản phẩm thời trang, Việt Nam cần tập trung vào việc xây dựng một sự kiện thời trang có tầm khu vực tại Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh hoặc chủ động, tích cực tham gia vào các tuần lễ thời trang quốc tế có uy tín ở khu vực và trên thế giới như ở Tokyo, Paris, Milan, London, New York…

Như vậy, khi nhiều ngành kinh tế gặp vấn đề trong việc duy trì tăng trưởng và các sản phẩm công nghiệp được sản xuất hàng loạt với giá rẻ gặp khó khăn vì bão hòa, nhàm chán trên thị trường thì việc kết hợp các yếu tố văn hóa, sáng tạo trong các sản phẩm (cả văn hóa và các sản phẩm hàng hóa thông thường) trở thành một hướng đi mới cho nhiều quốc gia. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và dịch vụ văn hóa giúp các ngành công nghiệp văn hóa trở thành động lực phát triển mới cho đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

 

(1). Như trường hợp của Trương Nghệ Mưu trong việc xây dựng một chương trình múa cho nhiều địa điểm ở Trung Quốc, trong đó có một địa điểm ở Ngọc Long Tuyết Sơn. Chính tên tuổi của Trương Nghệ Mưu khiến cho vở múa trở nên hấp dẫn và thu hút được nhiều du khách hơn. Với những trường hợp khác, dù đã qua đời như John Lenon ở Liverpool, thì những hình ảnh cá nhân của nghệ sỹ cùng với những sáng tạo của họ cũng trở thành nguồn cảm hứng cho các sáng tạo không ngừng của thời kỳ hiện tại.

 

Bùi Hoài Sơn

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Ý kiến bạn đọc