Nhiều quy định mới tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn: chủ yếu được phân cấp cho địa phương

VHO- Với nhiều quy định rất mới và được đánh giá là tiến bộ, cởi mở với tình hình thực tế phát triển văn hóa nghệ thuật, giải trí của đất nước, Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn (NTBD) có hiệu lực từ ngày 1.2.2021 đã tháo gỡ nhiều vướng mắc cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Nhiều quy định mới tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn: chủ yếu được phân cấp cho địa phương - Anh 1

 Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì Hội nghị Ảnh: V.MỪNG

 Sáng qua 25.3 tại Hà Nội, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 144 với sự tham gia của các nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì Hội nghị.

Không quy định điều kiện thí sinh dự thi người đẹp là nữ...

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, thông qua diễn đàn này các đơn vị được trang bị những nội dung cốt lõi, quan trọng của Nghị định số 144 và những quy định mới so với các Nghị định trước nhằm bảo đảm sự thống nhất trong công tác quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện trong thời gian tới. Nghị định số 144/2020/NĐ-CP gồm 5 chương, 31 điều kế thừa, hoàn thiện các quy định còn phù hợp tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, Nghị định số 15/2016 NĐ-CP; đồng thời tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để thể chế các chính sách đã được Chính phủ thông qua cho phù hợp với tình hình thực tế, thông nhất với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

NSND Nguyễn Quang Vinh, nguyên Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, Nghị định số 144 về cơ bản không thay đổi phạm vi quản lý nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn so với Nghị định số 79 và Nghị định số 15 để tránh xáo trộn công vụ đang thực hiện và bộ máy quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương và địa phương. Nghị định số 144 chỉ có một số điều chỉnh trong biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật biểu điễn. Theo đó, Nghị định có một số điểm mới cần được quan tâm như cắt giảm, đơn giản hoá nhiều thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước. Nghị định này đã cắt giảm 6/10 thủ tục hành chính. Đối với nội dung phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở địa phương, Nghị định đã phân cấp quản lý theo hướng hoạt động biểu diễn nghệ thuật; tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài cư trú ở đâu phải thực hiện thủ tục hành chính với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương đó. Nội dung phân cấp bảo đảm tính thống nhất có sự phối hợp quản lý giữa Trung ương và địa phương đối với hoạt động biểu diễn, kịp thời ngăn chặn, xử lý theo cấp, địa bàn quản lý.

Một trong những nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua đó là khắc phục vấn đề tác động giới và quy định điều kiện bao quát hơn đối với thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu, ông Nguyễn Quang Vinh cho biết tại Nghị định này không quy định điều kiện thí sinh dự thi người đẹp là nữ, có vẻ đẹp tự nhiên chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ và phải đạt danh hiệu chính để dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế. Các nội dung này sẽ do đơn vị tổ chức quy định trong điều lệ, quy chế và chịu trách nhiệm kiểm soát, xử lý. Xung quanh việc quản lý hậu kiểm đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Nghị định quy định nội dung bị cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn tại Điều 3 để làm cơ sở quản lý chặt chẽ hơn theo hình thức hậu kiểm. Theo đó, tất cả các sản phẩm nghệ thuật biểu diễn có nội dung vi phạm Điều 3 sẽ không được lưu hành, biểu diễn trước công chúng tại những nơi công cộng và dưới tất cả các hình thức khác nhau.

Phân cấp mạnh cho địa phương

Đề cập đến những điểm mới nhất cần phải được lưu tâm tại Nghị định 144, NSND Nguyễn Quang Vinh cho biết, có rất nhiều điểm mới vì thế cơ quan có thẩm quyền ở địa phương cần nghiên cứu, nắm rõ trong đó đáng lưu ý là quy định phân cấp quản lý theo địa bàn, hoạt động nghệ thuật biểu diễn ở đâu sẽ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương đó quản lý. Đơn cử, Nghị định 144 quy định Bộ VHTTDL chỉ thực hiện thủ tục hành chính hoặc tiếp nhận lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật trong các trường hợp cụ thể, do tổ chức có chức năng biểu diễn nghệ thuật ở trung ương thực hiện. Vì vậy, hoạt động nghệ thuật biểu diễn chủ yếu được phân cấp quản lý cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương.

Theo đó, UBND cấp tỉnh trực tiếp hoặc phân định thẩm quyền cho cơ quan chuyên môn trực thuộc thực hiện thủ tục hành chính đối với hoạt động biểu diễn nghệ thuật, hoạt động tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn và hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; tiếp nhận lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình có nội dung biểu diễn nghệ thuật. Cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có thẩm quyền thực hiện thủ tục xác nhận cho cá nhân Việt Nam ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài... Trước câu hỏi về các trường hợp dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thu hồi danh hiệu, giải thưởng, huỷ kết quả của cuộc thi, liên hoan được tổ chức tại Việt Nam sẽ được giải quyết như thế nào, ông Nguyễn Quang Vinh lý giải, việc dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật được thực hiện trong các trường hợp sau: Vi phạm quy định tại Điều 3 của Nghị định này; Không thông báo hoặc chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận theo quy định tại Nghị định này; Vì lý do quốc phòng, an ninh, thiên tai, dịch bệnh hoặc tình trạng khẩn cấp. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật là cơ quan tiếp nhận thông báo hoặc cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Việc thu hồi danh hiệu, giải thưởng trong các cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn và cuộc thi người đẹp, người mẫu do đơn vị tổ chức cuộc thi, liên hoan thực hiện trong các trường hợp: Cá nhân đạt danh hiệu, giải thưởng vi phạm quy định tại Điều 3 của Nghị định; Danh hiệu, giải thưởng được trao tại cuộc thi, liên hoan không đúng với nội dung đề án theo hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận hoặc nội dung thông báo. Trường hợp đơn vị tổ chức cuộc thi, liên hoan không thực hiện thu hồi danh hiệu, giải thưởng thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận tổ chức cuộc thi, liên hoan thực hiện huỷ kết quả.

Về quy định biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn trên hệ thống phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, ông Vinh cho hay Nghị định đã quy định bao quát hơn phạm vi điều chỉnh, tạo cơ sở để cơ quan có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn trong bối cảnh phát triển khoa học công nghệ. Tuy nhiên, để nội dung này được triển khai có hiệu quả cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý văn hoá và cơ quan quản lý về TT&TT.

Tại Hội nghị nhiều đại biểu quan tâm đến việc cấp phép biểu diễn, quy định phân cấp quản lý theo địa bàn, hoạt động nghệ thuật biểu diễn ở đâu sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương đó quản lý. Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang Triệu Thị Tình đưa ra một thực tế mà Sở này đang gặp vướng mắc. Đó là đã có nhiều chương trình nghệ thuật của các tổ chức, cá nhân khi đã được thẩm định và thu phí nội dung ở một tỉnh A và tiếp tục muốn đến Hà Giang biểu diễn thì có phải đóng phí, thẩm định tiếp nữa không? Đối với những đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, chương trình biểu diễn đúng với nội dung đã được cấp phép nhưng có không ít đơn vị, tổ chức ngoài công lập cũng đưa ra chương trình đã được cấp phép nhưng khi biểu diễn lại “treo đầu dê bán thịt chó” khiến người dân rất bức xúc, cần phải xử lý thế nào?

TS Hoàng Minh Thái, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) cho biết, quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật là phải thực hiện đúng với nội dung đã thông báo, nội dung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận theo quy định tại Nghị định số 144 và nếu làm sai sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 158 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, nặng hơn sẽ bị xử lý hình sự. 

 Tại Nghị định này không quy định điều kiện thí sinh dự thi người đẹp là nữ, có vẻ đẹp tự nhiên chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ và phải đạt danh hiệu chính để dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế. Các nội dung này sẽ do đơn vị tổ chức quy định trong điều lệ, quy chế và chịu trách nhiệm kiểm soát, xử lý...

(Ông NGUYN QUANG VINH, nguyên Quyn Cc trưng Cc Ngh thut biu din)

 THANH NGỌC

Ý kiến bạn đọc