Sắt son với biển đảo quê hương
VHO- Mặc cho vô vàn khó khăn như giá cả, chi phí đầu vào tăng cao, ngư trường khan hiếm, thời tiết diễn biến phức tạp, giá hải sản bấp bênh... những ngư dân Quảng Ngãi trên khuôn mặt sạm nắng gió vẫn nở tươi nụ cười, kiên trì bám biển mưu sinh.
Cảnh nhộn nhịp ở cảng cá
Chủ động đánh bắt để giảm chi phí
Dẫu thời gian qua, có nhiều ngày, không ít tàu phải nằm bờ do giá nhiên liệu lẫn nhân công đi biển tăng cao.Vậy nhưng tình yêu tha thiết với biển cả đã thôi thúc ngư dân vượt qua gian khó, vươn khơi xa. Những chuyến tàu với cá đầy ắp khoang vẫn cập cảng đều đều. Không khí hoạt động, thu mua, vận chuyển nhộn nhịp xua tan bớt những lo lắng. Hai ngư dân Võ Xuân Cẩm và Nguyễn Thành Phim chủ tàu cá QNg-48957TS (xã Phổ Quang, thị xã Đức Phổ) cho biết, tàu có công suất hơn 100 CV, mỗi chuyến đánh bắt gần bờ tiêu tốn khoảng 100 lít dầu. Giá dầu tăng cao kéo theo phí tổn cũng vượt trội so với trước khiến có đêm đánh bắt bị thua lỗ. Dẫu vậy, hai ông vẫn động viên 10 bạn chài kiên trì bám biển, cùng mưu sinh với hy vọng những bữa sau trúng đậm cá tôm.
“Mỗi bạn chài đều có phần góp vốn mua lưới cùng chủ tàu nên họ được chia khoản lãi khá cao sau mỗi chuyến biển nhọc nhằn. Sau khi trừ chi phí, họ dành 30% tiền lãi cho việc khấu hao và sửa chữa tàu cá, 70% còn lại chia đều cho chủ tàu và bạn chài. Do vậy, thấy rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình khi tham gia đánh bắt, sẵn sàng sẻ chia cơ cực khi hành nghề lưới vây rút trên biển. Dẫu chuyến biển đêm trước chỉ đủ vốn hay lỗ phí tổn, hôm sau họ vẫn cùng nhau vươn khơi với hy vọng trúng đậm cá tôm”, ngư dân Phim chia sẻ.
Ngư dân phấn khởi sau mỗi chuyến biển bội thu
Xã Phổ Quang, thị xã Đức Phổ hiện có 321 tàu cá, tổng công suất trên 138.000 CV cùng hơn 2.400 ngư dân tham gia đánh bắt trên biển. Trong đó, có hơn 220 tàu với chiều dài trên 15 m được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Từ đầu năm đến nay, ngư dân địa phương khai thác gần 9 nghìn tấn hải sản, doanh thu hơn 447 tỷ đồng, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế ở địa phương. Sau chuyến ra khơi, tàu cá trở về neo trú và bán hải sản tại cảng cá Mỹ Á, tạo điều kiện cho nhiều lao động địa phương có thêm việc làm cùng nguồn thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Phổ Quang có 146 lượt tàu cá tham gia đánh bắt trên các vùng biển xa được hỗ trợ kinh phí theo quyết định số 8 của Chính phủ với tổng số tiền gần 22 tỷ đồng. Đó là nguồn hỗ trợ quý báu giúp ngư dân vượt qua khó khăn, động viên họ tiếp tục vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thân yêu.
“Để tránh bị lỗ phí tổn khi vật giá tăng cao, chúng tôi làm việc cật lực cả đêm lẫn ngày. Nhiều ngư dân không trở về bờ neo đậu và bán hải sản như trước đó. Họ bám biển, mua dầu cùng thực phẩm và bán hải sản đánh bắt cho các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Qua đó, giảm lượng chi phí nhiên liệu và tăng khoản thời gia đánh bắt hơn trước”, ngư dân Nguyễn Thành Lin bộc bạch.
Nhiều lao động ở cảng cá có việc làm đem lại nguồn thu nhập ổn định
Sắt son với biển đảo
Sáng sớm tại khu vực cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), hàng chục tàu cá vào - ra tấp nập, tiếng nói cười rạng ngời của bà con ngư dân làm huyên náo cả một góc trời. Ngư dân Huỳnh Thế Mỹ thuyền trưởng tàu QNg-90569TS, công suất 705CV, hành nghề lặn biển đang chuẩn bị tiếp nhiên liệu cho chuyến biển ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ông Mỹ chia sẻ: “Nguồn tài nguyên vơi dần, có thời điểm giá xăng dầu lên, nghề biển đang phải đối diện với nhiều khó khăn. Tàu tôi vẫn kiên trì ra khơi, được đến đâu hay đến đấy. Bão biển chúng tôi còn chẳng sợ, huống hồ bão giá. Trời sinh voi ắt sinh cỏ, đâu sẽ vào đấy hết. Mình sinh ra từ biển thì chỉ biết gửi tình yêu vào biển thôi, không bao giờ bỏ biển được”.
Theo ông Mỹ, trước đây, trung bình mỗi chuyến ra khơi đánh bắt kéo dài 1 tháng, tàu tiêu thụ hơn 5.000 lít dầu, khi giá dầu tăng cao vào hồi tháng 6, khiến tàu cá rất khó khăn, giá xăng dầu tăng, giá hải sản không tăng, nên nhiều tàu đi cùng đã nằm bờ. Hiện nay, giá xăng dầu giảm tàu cá rất phấn khởi. Với giá dầu hiện nay, mỗi chuyến đi biển tiết kiệm được khoảng 20 triệu đồng so với trước đó.
Giá xăng dầu giảm tàu cá phấn khởi vươn khơi đánh bắt
Người dân miền biển muôn đời nay vẫn vậy, chất phác, thật thà, quen “ăn sóng nói gió” nhưng lại có tấm lòng son sắt với biển. Dù phải trải qua muôn vàn khó khăn, hoạn nạn thì họ vẫn hăm hở trong chuyến vươn khơi. Đây không đơn thuần chỉ để hái “lộc” cho gia đình, mà còn góp sức giữ bình yên cho vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Ngư dân Châu Hùng Minh cập cảng tại cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu) thuyền trưởng tàu QNg-98818 TS, đang tiếp dầu chuẩn bị ra khơi cho biết: “Tàu hành nghề lưới, mỗi chuyến đi biển tốn 2.000-2.500 lít dầu, thời điểm giá dầu tăng, không có người đi biển nên rất khó khăn, bây giờ giá giảm, mỗi chuyến tiết kiệm gần 10 triệu đồng nên cả chủ tàu và thuyền viên đều phấn khởi”.
Những chuyến vươn khơi trên vùng biển Tổ quốc, ngư dân Minh cảm nhận rõ tình yêu với biển, đó là niềm cảm hứng không bao giờ vơi cạn. Đôi mắt sáng bừng khi nói về biển, ngư dân Minh tâm sự: “Đối với mỗi ngư dân, “tàu là nhà, biển là quê hương”. Thế nên, chúng tôi vươn khơi không chỉ để mưu sinh, mà còn để thể hiện trách nhiệm đối với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cũng là giữ ngư trường truyền thống bao đời của cha ông mình”.
Lộc từ biển cả
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết: “Toàn xã có khoảng 480 tàu cá, khi giá nhiên liệu tăng cao vừa qua khiến cho hơn 1/3 số tàu cá nằm bờ. Bây giờ giá đã giảm, các tàu cá phấn khởi vươn khơi trở lại”.
Theo ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải (huyện Lý Sơn) cho hay, toàn huyện có trên 550 tàu cá, hơn 3 nghìn ngư dân. Trong số đó, có trên 80 tàu cá với gần 1 nghìn ngư dân là đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá An Vĩnh, An Hải. “Chúng tôi tự ý thức rằng, mỗi ngư dân là một dân quân trên biển, mỗi con thuyền là một cột mốc sống. Ngư dân Lý Sơn phải làm tròn trách nhiệm, bổn phận đối với những bậc tiền bối đã ra đi cắm mốc xác lập chủ quyền. Ngư dân quyết đồng hành cùng lực lượng chấp pháp để bảo vệ chủ quyền, vừa ra khơi khai thác, vừa góp phần cùng ngư dân cả nước để khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc mà bao đời cha ông đã gìn giữ”, ông Chinh xúc động nói.
Tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân ở huyện đảo Lý Sơn
Toàn tỉnh Quảng Ngãi hiện có 4.590 tàu cá, tổng công suất trên1,8 triệu CV, với 38.000 lao động nghề cá. Trong đó, có 2.227 tàu cá đã được đăng kiểm, 2.790 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ngư dân ngày càng nhận thức rõ hơn về tác hại của việc vi phạm vùng biển nước ngoài và hoạt động khai thác bất hợp pháp. Các địa phương cũng yêu cầu 100% chủ tàu cá ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài và nộp nhật ký khai thác để quản lý hiệu quả các hoạt động khai thác đánh bắt hải sản trên biển.
NHƯ ĐỒNG