Những người lính đón Tết ngoài biển xa
VHO- Trên chuyến tàu Trường Sa 08 do Vùng 2 Hải quân tổ chức đoàn đi trao quà, chúc mừng năm mới cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DKI và các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, tôi đã gặp những người lính mà Tết này họ sẽ xa nhà để canh giữ biển trời Tổ quốc.
Thiếu tá Nguyễn Tiến Long (giữa) và giây phút chia tay đồng nghiệp, gia đình chuẩn bị ra nhà giàn làm nhiệm vụ. Ảnh: Đăng Huỳnh
Xuân kết nối từ những nhà giàn
Nhà giàn đầu tiên mà chúng tôi được đặt chân lên trong hành trình dài trên biển là DKI/19 thuộc cụm Quế Đường. Đó cũng là nhà giàn duy nhất trong số 10 nhà giàn toàn bộ phóng viên trên tàu Trường Sa 08 được trực tiếp ghi nhận đời sống vật chất, tinh thần của các cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển. Chuyến đi diễn ra vào mùa biển động nên không phải nhà giàn nào cũng có thể tiếp cận. Đó là nơi những người lính sẽ đón Tết Kỷ Hợi xa gia đình cùng với nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc.
Đoàn công tác đã vận chuyển đầy đủ hàng và quà Tết cho 10 nhà giàn và hai tàu trực làm nhiệm vụ trong dịp Xuân Kỷ Hợi sắp tới, trong đó nhiều món quà như cây quất, lá dong, đậu xanh, bánh kẹo… mang đậm không khí Tết.
Theo đại tá Nguyễn Quốc Văn – Phó chính uỷ Vùng 2 Hải quân, đó là sự động viên to lớn đối với anh em cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ xa nhà, tiếp thêm niềm tin vào Đảng và Nhà nước, vinh dự là người chiến sĩ canh giữ biển trời Tổ quốc.
Đại tá Nguyễn Quốc Văn cũng nói rằng, bên cạnh nhiệm vụ, tinh thần trách nhiệm, cảnh giác cao trong dịp Tết, đơn vị cũng cần tổ chức Tết cho các chiến sĩ làm sao đầy đủ và có cảm giác giống như ở nhà. Và mong muốn lớn nhất của nhiều chiến sĩ đó là sóng điện thoại luôn ổn định để có thể kết nối với người thân.
Hoàng Anh Tổng và chiếc bánh chưng được gói trên nhà giàn DKI/19. Ảnh: Đăng Huỳnh
Hoàng Anh Tổng, quê Nghệ An, là một chiến sĩ mới lên nhà giàn DKI/19 được hơn 2 tháng. Anh sẽ đón cái Tết đầu tiên xa nhà giữa biển khơi mênh mông. Trong lúc gói bánh chưng,Tổng rút từ trong túi ra chiếc điện thoại “cục gạch” nói với tôi rằng bên cạnh nhiệm vụ được giao, anh sẽ gọi về cho bố mẹ vào dịp Tết, hy vọng sóng ổn định.
Theo kinh nghiệm của những chiến sĩ làm nhiệm vụ ngoài biển đảo, để giữ tín hiệu tốt với đất liền khi gọi điện thì sử dụng điện thoại càng “cùi bắp” càng khoẻ, smartphone ở đây cũng không hơn được khi ở biển khơi chỉ có mạng 2G.
Và cái Tết ở những “ngôi nhà trên biển”
Trong hành trình trên chiếc tàu Trường Sa 08, tôi đã gặp nhiều cán bộ, chiến sĩ là người gốc miền Bắc từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hoá…. Tết này, họ sẽ xa nhà để làm nhiệm vụ ngoài biển xa, trên những nhà giàn.
Trong giây phút tiễn đoàn đi chúc Tết tại cảng 171 TP Vũng Tàu, tôi đặc biệt nhớ đến hình ảnh chia tay bịn rịn của thiếu tá Nguyễn Tiến Long với vợ và con nhỏ. Đây là một trong nhiều cái Tết anh Long phải xa nhà. Trong suốt quá trình công tác hơn chục năm tại Vùng 2 Hải quân, anh mới chỉ 2 lần đón được đón Tết trên đất liền.
Con anh sinh ra cũng vào mùng 4 Tết năm 2018. Đó là thời điểm mà anh và các đồng đội đang làm nhiệm vụ trên nhà giàn.
Anh Long quê gốc Nam Định lấy vợ quê ở Thanh Hoá, nhưng sau hơn 10 năm vào công tác tại Vùng 2 Hải Quân, gia đình nhỏ của anh đã định cư tại Vũng Tàu để tiện công tác.
Cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DKI/19 chuẩn bị ban thờ Tết. Ảnh: Đăng Huỳnh
Thiếu tá Vũ Văn Hậu là người ở chung phòng với chúng tôi trên tàu Trường Sa 08. Anh Hậu lên chuyến tàu này để trở lại với nhà giàn DKI/19. Anh sẽ đón Tết cùng với các đồng đội tại đây. Dù đã có kinh nghiệm tham gia hành trình trên biển nhưng anh vẫn phải chống chọi với những cơn say sóng giống như những phóng viên lần đầu lên tàu ra biển lớn.
Anh Hậu quê gốc Thái Bình, lấy vợ cùng quê và có một con đã học lớp 2. Gia đình anh đã chuyển vào định cư tại TPHCM để phù hợp với địa bàn công tác của anh tại Vùng 2 Hải quân. Anh Hậu cũng cho biết, sau này khi về nghỉ chế độ, anh cũng không có định trở lại quê nhà. Đó là chuyện của tương lai, còn trước mắt anh Hậu sẽ là cái Tết trên nhà giàn cùng các đồng đội với nhiệm vụ mới được bàn giao.
Không chỉ anh Long, anh Hậu, nhiều cán bộ, chiến sĩ cũng sẽ đón Tết trên những nhà giàn thay vì bên cạnh người thân. Có những người cũng đã gắn cả thanh xuân trên những nhà giàn vì nhiệm vụ thiêng liêng.
Với chúng tôi, đặc biệt là những người trẻ, hành trình trên biển kết thúc với đủ dư vị khác nhau. Nhưng đấy là chuyến đi của tuổi thanh xuân mà phần nào thấm thía được những hy sinh thầm lặng của những người lính đang ngày đêm canh giữ biển trời tổ quốc.
Sau khi chuyến đi đã hoàn thành, Đại tá Nguyễn Quốc Văn cũng nhấn mạnh chuyến công tác đã tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng biển phía Nam, đồng thời phát huy tốt công tác tuyên truyền về biển đảo quê hương. |
Theo ĐĂNG HUỲNH/Laodong.vn