Nguyên Cục trưởng Cục ATTP và đồng phạm bị bắt:

Người dân chỉ biết “ngậm đắng nuốt cay”

KIM THƯ - THU SÂM (thực hiện)

VHO - Bốn trong năm cán bộ của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong đó có nguyên Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong đã bị Cơ quan CSĐT, Bộ Công an khởi tố, bắt giam (một người được tại ngoại) vì tội nhận hối lộ, đã gây chấn động và phẫn nộ trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, “đây không chỉ là hành vi trục lợi phi đạo đức, vô nhân tính mà là tội ác”.

Người dân chỉ biết “ngậm đắng nuốt cay” - ảnh 1
Nguyên Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong (đầu tiên bên trái) và 4 đồng phạm bị khởi tố

 Sai phạm này liên quan đến việc thẩm định, hậu kiểm, cấp 4 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (Giấy chứng nhận GMP) cho nhà máy MediPhar và Nhà máy MediUSA; cấp 207 Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm (Giấy phép công bố sản phẩm) cho nhóm 9 Công ty do Nguyễn Năng Mạnh, Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty MediUSA cầm đầu, đã bị khởi tố và bắt giam.

Vụ việc không chỉ gây sốc trong ngành Y tế mà còn gây chấn động xã hội, bởi một cơ quan được giao nhiệm vụ “canh gác” các loại thực phẩm chức năng kém chất lượng ra thị trường, một trong những đơn vị thuộc Bộ Y tế làm nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân lại nhận hối lộ, tiếp tay cho việc sản xuất hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng.

Theo Cơ quan CSĐT, trong suốt 10 năm kể từ năm 2016, Nguyễn Năng Mạnh cùng đồng phạm thành lập, tổ chức, điều hành 9 Công ty, nhà máy MediPhar và nhà máy MediUSA sản xuất, tiêu thụ thực phẩm chức năng giả với số lượng đặc biệt lớn, chủng loại đa dạng đã hối lộ hơn 1 tỉ đồng cho Đoàn kiểm tra thẩm định (Cục An toàn thực phẩm) để giảm số lỗi khi thẩm định, hướng dẫn cách khắc phục, cho thời gian để khắc phục lỗi.

Đồng thời, hối lộ 2,07 tỉ đồng cho chuyên viên của Cục này trong việc xin cấp Giấy chứng nhận công bố sản phẩm cho 207 loại thuộc 9 nhóm của các công ty do Nguyễn Năng Mạnh điều hành: MediPhar, MediUSA, MegaLife, Việt Đức, Mega Pharco, Việt Pháp, Liên doanh USA, PharmaCist và Vita Phar.

 Cái giá phải trả là phẩm giá, là lòng tin của người dân

Người dân chỉ biết “ngậm đắng nuốt cay” - ảnh 2

Tôi cho rằng vụ việc tại Cục An toàn thực phẩm là lời cảnh tỉnh sâu sắc đối với hệ thống quản lý nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe, niềm tin và nhân phẩm con người.

Vụ việc không đơn thuần là hành vi sai trái của một vài cán bộ biến chất, mà là biểu hiện rõ nét của một lỗ hổng lớn trong cơ chế giám sát, hậu kiểm và văn hóa công vụ.

Khi chính cơ quan có trách nhiệm bảo vệ người dân lại tiếp tay cho sai phạm thì niềm tin xã hội sẽ bị bào mòn nghiêm trọng. Không thể nói đến một nền quản trị quốc gia liêm chính, hiệu quả nếu những người cầm cân nảy mực lại là người tiếp tay cho tội phạm .

Những cán bộ lẽ ra phải là “hàng rào cuối cùng” bảo vệ sức khỏe cộng đồng lại trở thành mắt xích trong chuỗi lợi ích nhóm, dung túng cho sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là hàng giả, nhắm vào những nhóm yếu thế nhất như người già, phụ nữ mang thai và trẻ em.

Đây không chỉ là vi phạm pháp luật, mà còn là tội ác đối với lương tri và đạo lý con người. Đã đến lúc cần nhìn nhận rằng văn hóa liêm chính không thể chỉ là khẩu hiệu, mà phải trở thành nguyên tắc sống còn đối với đội ngũ cán bộ, đặc biệt trong những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực.

Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả từ bên ngoài hệ thống, thông qua vai trò của truyền thông, xã hội dân sự và các tổ chức thanh tra độc lập.

Vụ án này không đơn thuần là một hồ sơ hình sự. Nó là lời cảnh báo sâu sắc rằng nếu chúng ta không xây dựng được một nền văn hóa liêm chính trong hệ thống công quyền, thì mọi chính sách tốt cũng sẽ bị bóp méo, thậm chí bị phản bội ngay trong quá trình thực thi. Và cái giá phải trả, không chỉ là tiền bạc mà là sinh mạng, là phẩm giá, là lòng tin của người dân.

(Đại biểu Quốc hội BÙI HOÀI SƠN)

 Tránh tình trạng “đổ lỗi tập thể”

Người dân chỉ biết “ngậm đắng nuốt cay” - ảnh 3

Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, cho thấy công tác quản lý hiện nay còn quá yếu kém. Chúng ta có đầy đủ công cụ pháp luật, vậy tại sao lại để xảy ra tình trạng nhận hối lộ, vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức bị khởi tố, bắt giam?

Cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ trực tiếp, những người giữ vai trò then chốt trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Chúng ta đã từng chứng kiến những vụ việc liên quan đến sữa giả, lòng se điếu và nhiều sản phẩm khác có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể để xử lý dứt điểm...

Trong bối cảnh Quốc hội đang thảo luận về phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm, điều cần thiết là phải hoàn thiện cơ chế giám sát để làm rõ trách nhiệm từng khâu, từng cấp, từng ngành, tránh tình trạng “đổ lỗi tập thể” dẫn đến không ai chịu trách nhiệm cụ thể.

(Đại biểu Quốc hội TRỊNH XUÂN AN)

 Lỗ hổng lớn trong quản lý, giám sát và kiểm tra an toàn thực phẩm

Người dân chỉ biết “ngậm đắng nuốt cay” - ảnh 4

Việc một cán bộ cấp cao trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe cộng đồng bị khởi tố vì nhận hối lộ là điều không thể chấp nhận. Vụ việc cho thấy lỗ hổng lớn trong công tác quản lý, giám sát và kiểm tra an toàn thực phẩm. Thực tế cho thấy quy trình cấp giấy chứng nhận GMP và công bố sản phẩm đã bị lợi dụng để hợp thức hóa hàng giả, hàng kém chất lượng. Do đó, cần phải rà soát toàn diện các quy trình cấp phép, tăng cường minh bạch hóa, trách nhiệm giải trình và xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm để lấy lại niềm tin xã hội.

Trước hết, cần hoàn thiện khung pháp lý, siết chặt quy trình cấp phép và hậu kiểm sản phẩm thực phẩm chức năng. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra độc lập và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để giảm thiểu tiêu cực. Quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, có đạo đức nghề nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

(Đại biểu Quốc hội NGUYỄN HẢI NAM)

Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến số lượng lớn các loại thực phẩm chức năng kém chất lượng, giả được tung hoành khắp thị trường trong nước và được nâng tầm bằng những lời quảng cáo thổi phồng, thiếu thực tế mà không hề bị “tuýt còi”, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn tổn hại cho sức khỏe của người dân.

10 năm là một khoảng thời gian quá dài để số người dân bị thiệt hại tăng dần hằng năm và chỉ biết “ngậm đắng nuốt cay” khi vụ việc vỡ lở. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, ẩn sau hành vi sai phạm cá nhân này lại nằm trong một cơ chế giám sát, kiểm soát không hiệu quả. Đó là tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Cục An toàn thực phẩm là đơn vị cấp Giấy phép công bố sản phẩm cho doanh nghiệp và cũng là đơn vị kiểm soát chất lượng các sản phẩm đó. Liên quan đến vấn đề này, luật sư Mai Thị Thảo, Phó Giám đốc TAT Law Firm, chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng và pháp lý hàng hóa thực phẩm cho rằng: “Những văn bản hành chính được ký ra không thông qua cơ chế phản biện nội bộ rõ ràng, không có quy trình kiểm định độc lập, không có đánh giá hậu kiểm một cách thực chất. Rất dễ để đặt vấn đề trách nhiệm cá nhân”.

Có lẽ đã đến lúc việc cấp phép thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe cần có cơ chế phản biện, quy trình kiểm định độc lập tương tự như việc cấp phép sản xuất vắc xin.

Còn nhớ, vào cuối năm 2021, khi dịch Covid-19 còn trong giai đoạn diễn biến phức tạp, nhu cầu vắc xin để tiêm cho người dân cao, Chính phủ, Bộ Y tế đã tạo mọi điều kiện để Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen được nghiên cứu, thử nghiệm và cấp phép sản xuất vắc xin Nanocovax. Tuy nhiên qua nhiều lần họp, cung cấp hồ sơ nhưng Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học

Quốc gia mặc dù công nhận vắc xin Nanocovax đạt yêu cầu về tính an toàn dựa trên dữ liệu báo cáo, nhưng vẫn biểu quyết không thông qua việc cấp giấy phép sản xuất vì doanh nghiệp này chưa đáp ứng được các dữ liệu cần thiết chứng minh hiệu quả, sự an toàn của vắc xin.

Và cuối cùng kỳ vọng về loại vắc xin Covid-19 made-in-Vietnam không thành sự thật. Điều này cho thấy, nếu có một đơn vị độc lập, làm việc nghiêm túc vì sức khỏe người dân sẽ trở thành “khắc tinh” của các loại thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng.

Theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã trao quyền cho doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, chỉ cần phiếu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm (gồm các chỉ tiêu an toàn) được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp ISO- 17025 thì doanh nghiệp được quyền nộp trong hồ sơ công bố sản phẩm.

Đồng thời, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm tự công bố và sản xuất. Nghĩa là một sản phẩm bảo vệ sức khỏe nếu hồ sơ đầy đủ sẽ được sản xuất và lưu thông trên thị trường mà không cần tiền kiểm.

Qua thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, sản phẩm không đạt chất lượng mới bị xử lý. Thực tế cho thấy, với hàng nghìn loại thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe được lưu hành trên thị trường thì không một cơ quan nào có thể hậu kiểm xuể.

Chính việc hậu kiểm đã tạo kẽ hở cho sản phẩm giả, kém chất lượng được bung ra thị trường, thậm chí đội lốt hàng “hàng xách tay”, “hàng Nhật”, “hàng Úc”...

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định pháp luật cần được thiết kế mang tính ngăn chặn, dự phòng, đi trước nhằm bảo vệ người dân chứ không phải để xảy ra rồi mới bảo vệ. Hiện nay Bộ Y tế đang lấy ý kiến góp ý để đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 15 nhằm siết chặt đăng ký bản công bố sản phẩm đối với các nhóm thực phẩm nguy cơ cao (tiền kiểm) chứ không cho tự công bố như hiện nay.

Khi đó, hy vọng thị trường thực phẩm chức năng sẽ đi vào trật tự, không thể bát nháo thật - giả lẫn lộn như hiện nay; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn tử tế, đầu tư bài bản, tuân thủ đầy đủ các quy định, tiêu chuẩn... được cạnh tranh lành mạnh.

“Chúng ta cần hệ sinh thái pháp lý đủ mạnh để loại bỏ tư duy “xin - cho”, đủ linh hoạt để kiểm soát các mô hình quảng bá sản phẩm mới (qua mạng xã hội, livestream…) và đủ thông minh để không bắt tất cả doanh nghiệp tử tế “chịu vạ lây” vì sai phạm của một vài cá nhân hay doanh nghiệp trục lợi”, luật sư Mai Thị Thảo nhấn mạnh.