Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Kỷ niệm 410 năm thành lập, Phú Yên đón Bằng Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa

Thứ Năm 01/04/2021 | 19:44 GMT+7

VHO - Sáng 1.4, tỉnh Phú Yên tổ chức Lễ kỷ niệm 410 năm Phú Yên hình thành và phát triển (1611-2021) và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Gành Đá Đĩa. Đến dự có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương trao Bằng Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa cho tỉnh Phú Yên

Tại buổi lễ, ông Phạm Đại Dương - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đọc diễn văn ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Phú Yên qua 410 năm. Theo các cứ liệu lịch sử, hơn 400 năm trước, ngay sau Tết Nguyên đán năm 1597, những lưu dân người Việt đầu tiên từ vùng Thanh - Nghệ - Thuận - Quảng… theo Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh vào khai khẩn, mở mang vùng đất trấn biên từ đèo Cù Mông đến đèo Cả, để sinh cơ lập nghiệp. Ngay từ buổi đầu, họ đã nhanh chóng hòa nhập với các cư dân bản địa, giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống và đối phó với thiên tai, thú dữ, quy dân lập ấp. Những tụ điểm dân cư được hình thành theo các thung lũng, triền núi thấp, vùng châu thổ sông Cái, sông Đà Rằng, sông Bàn Thạch… cho đến vùng cao nguyên phía Tây gần với dãy Trường Sơn.

Từ những tụ điểm dân cư ban đầu này dần dần phát triển thành các làng, xã thuận hòa, đoàn kết. Đến đầu thế kỷ XVII, vùng đất trấn biên này đã trở nên trù phú, xóm làng đông đúc trải dài từ đèo Cù Mông đến núi Đá Bia, là cơ sở để triều đình thành lập phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa vào năm 1611. Địa danh Phú Yên và địa giới hành chính cấp tỉnh kéo dài cho đến nay.

Công cuộc khai khẩn, mở mang vùng đất Phú Yên thuở ban đầu gắn liền với tên tuổi danh nhân Lương Văn Chánh. Nhờ tiếp thu được những kinh nghiệm và bài học từ lịch sử của dân tộc nên tiền nhân Lương Văn Chánh đã lấy việc ổn định và phát triển đời sống nhân dân làm cơ sở chủ yếu cho sự phát triển của vùng đất trấn biên thời bấy giờ. Đó là tư tưởng "Dân an, quốc thái", một tư tưởng tiến bộ và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thành quả to lớn trong công cuộc chiêu mộ, di dân, lập ấp, khẩn hoang cho thấy Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh là một con người gắn bó với đất nước, gắn bó với nhân dân, một người văn võ song toàn, một vị "Thành hoàng" trong trái tim của bao thế hệ người Phú Yên. Nhân dân Phú Yên mãi mãi tôn kính, hết lòng biết ơn và tưởng nhớ đến Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh.

Gành Đá Đĩa trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước

​Trải qua nhiều biến cố và thăng trầm của lịch sử, đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã kiên cường bám trụ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ và hy sinh, viết tiếp trang sử vàng chói lọi bằng những chiến công hiển hách, lập nên biết bao kỳ tích anh hùng. Đó là phong trào Đồng khởi Hòa Thịnh tháng 12-1960, mở đầu phong trào đồng khởi ở đồng bằng Khu 5; giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tháng 10-1961; tiếp nhận vũ khí từ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa chi viện chiến trường miền Nam bằng những con tàu không số tại Vũng Rô (1964 - 1965); chiến thắng Gò Thì Thùng năm 1966; Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; từ khởi nghĩa từng phần phát triển thành chiến tranh cách mạng, làm nên Chiến thắng Đường 5 lịch sử, giải phóng tỉnh Phú Yên vào ngày 1-4-1975, cùng với quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Đã 46 năm kể từ sau ngày giải phóng, nhất là sau hơn 30 năm tái lập tỉnh (1989), Đảng bộ và nhân dân Phú Yên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng ổn định và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân.

Phú Yên hôm nay đang từng ngày đổi mới và phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm 7%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp-xây dựng và dịch vụ.

Phú Yên đã hình thành Khu kinh tế Nam Phú Yên là cửa ngõ hướng biển của vùng Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào cũng như Đông Bắc Campuchia và Thái Lan, trung tâm giao thương quốc tế lớn, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh. Kết cấu hạ tầng trong tỉnh được đầu tư tương đối hoàn chỉnh và phân bố rộng khắp.

Kết cấu độc đáo của Danh thắng quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa

Du lịch Phú Yên đã và đang trên đà phát triển, dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh. Các di tích, danh thắng như Tháp Nhạn, Gành Đá Đĩa, Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn, Hòn Yến, Vịnh Xuân Đài, Vũng Rô… đang là điểm đến mới thu hút du khách trong hành trình du lịch qua dải đất miền Trung.

Đến nay, Phú Yên có 58/83 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 huyện nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của tỉnh đạt 52,9 triệu đồng, gấp 1,6 lần năm 2015, hộ nghèo giảm xuống còn 2,5%.

Tại Lễ kỷ niệm, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh vinh dự đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Gành Đá Đĩa.

Tọa lạc tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, danh thắng Gành Đá Đĩa là kiệt tác của thiên nhiên "độc nhất vô nhị" ở nước ta. Gành Đá Đĩa là khu vực có điều kiện địa chất mang tính đặc thù với loại đá bazan được hình thành do quá trình phun trào núi lửa gặp các điều kiện thích hợp đã tạo thành đá dạng cột có mặt cắt hình ngũ giác, lục giác, phân bố trên bên bờ biển, rộng 50m, dài 200m.

Theo một số chuyên gia về địa chất, tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Ngãi cũng xuất lộ bazan dạng cột do quá trình hoạt động núi lửa. Tuy nhiên, bazan dạng cột ở những địa phương trên không có được vẻ đẹp độc đáo như ở Gành Đá Đĩa.

Bên cạnh giá trị về mặt địa chất, cảnh quan thiên nhiên độc đáo, danh thắng Gành Đá Đĩa còn có giá trị về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa đặc trưng của cư dân vùng ven biển. Đó chính là những điều kiện quan trọng để du lịch Phú Yên phát triển một cách bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, theo Quyết định số 2280/QĐ - TTg ngày 31-12-2020.

NAM PHONG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top