Bộ Tùng thư Hán Nôm về văn hóa làng xã Thừa Thiên Huế

TS PHAN THANH HẢI

VHO - Huế là một trong những đô thị quan trọng của Việt Nam với bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa đặc biệt, phản ánh quá trình phát triển đỉnh cao của đất nước qua gần 4 thế kỷ.

Bộ Tùng thư Hán Nôm về văn hóa làng xã Thừa Thiên Huế - ảnh 1

 Vùng đất Cố đô đã có sự giao thoa, hội tụ và lan tỏa nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng độc đáo, trong đó di sản tư liệu Hán Nôm được xem là một trong những di sản đặc trưng (ảnh: Cổng Ngọ Môn ở Kinh thành Huế)

Kể từ năm 1636, Huế được lựa chọn là thủ phủ của Đàng Trong, đặc biệt giai đoạn từ cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XX là Kinh đô của đất nước Việt Nam thống nhất qua các triều đại Tây Sơn (1788-1801) và triều Nguyễn (1802-1945). Bởi vậy, xứ sở này đã có sự giao thoa, hội tụ và lan tỏa nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng độc đáo, trong đó di sản tư liệu Hán Nôm được xem là một trong những di sản đặc trưng của vùng đất Cố đô.

Di sản Hán Nôm là thông điệp quan trọng bằng ngôn ngữ viết để kết nối giữa quá khứ với hiện tại; là tư liệu quan trọng giúp thế hệ hôm nay và mai sau có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về cội nguồn lịch sử - văn hóa của dân tộc. Đó có thể là hệ thống văn bản về hành trạng nhân vật, sự phát tích dòng họ, lịch sử thiết lập xã hiệu, biến động về địa danh, địa giới hành chính qua các thời kỳ hay những sắc phong, chế phong, sắc chỉ..., ghi nhận, phản ánh đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa nghệ thuật của vùng đất. Chúng chính là những mảnh ghép đa sắc màu, sống động, tạo nên bức tranh lịch sử, văn hóa của vùng đất sông Hương núi Ngự. Tiếc rằng, trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc và thời tiết khắc nghiệt, di sản Hán Nôm tại Thừa Thiên Huế, nhất là các nguồn tư liệu giấy, đã và đang bị thất thoát, mất mát, hư hỏng nghiêm trọng. Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản quý giá này là việc làm hết sức cần thiết, góp phần thiết thực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm văn hóa đặc sắc, một đô thị di sản đặc thù của Việt Nam.

Trong khuôn khổ Chương trình sưu tầm, số hóa tài liệu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế do Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM triển khai từ năm 2009-2020; thực hiện Kế hoạch sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tài liệu Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2024, dưới sự chỉ đạo của Sở VH&TT Thừa Thiên Huế, các nhóm nghiên cứu đã điền dã khảo sát và số hóa khoảng hơn 500.000 trang tư liệu Hán Nôm, gồm: Sắc phong, chế phong, chiếu chỉ, bằng cấp, gia phả, văn thư - đơn từ, địa bạ, hương ước, văn cúng... Từ việc khai thác kết quả của công tác sưu tầm số hóa di sản Hán Nôm này, trong 5 năm qua, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế đã chủ trì tiến hành nghiên cứu biên soạn, dịch thuật và in ấn một số công trình tiêu biểu sau:

1. Thư mục đề yếu sắc phong triều Nguyễn ở Thừa Thiên Huế phát hành vào năm 2018, do Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế phối hợp cùng với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế biên soạn. Ấn phẩm giới thiệu 2.171 sắc phong triều Nguyễn, nội dung trích yếu của mỗi sắc phong gồm các yếu tố hoàn cảnh phong tặng, thời gian, địa chỉ hay nhân vật, các mỹ tự cũ và mới được ban phong. Đó là các vị thần linh được triều đình thừa nhận, ban sắc phong cho dân làng phụng thờ, các mỹ hiệu, mỹ tự qua thời gian hoặc lịch trình sắc phong cho quan chức từ khi bổ nhiệm, thăng thưởng cho đến khi hồi hưu hay qua đời.

2. Sắc phong, chế phong, chiếu thời Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế phát hành vào năm 2020, do Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM biên soạn. Ấn phẩm giới thiệu 180 sắc phong, 100 chế phong và 19 chiếu, với nội dung ghi lại tên tuổi và công lao của một số nhân vật lịch sử kèm theo quê quán, công tích và xếp hạng; đồng thời phản ánh hệ thống hành chính với những địa danh và đơn vị hành chính mang niên đại cụ thể. Nhận diện trực quan sinh động các tín ngưỡng và đời sống tâm linh, có quan hệ mật thiết với các lễ hội dân gian và sinh hoạt văn hóa làng xã. Mặt khác, cung cấp nhiều thông tin về địa lý, lịch sử, văn hóa dân gian và cũng thể hiện đặc trưng của ngôn ngữ, thư pháp Hán Nôm cùng sự biến đổi qua các thời kỳ lịch sử.

Bộ Tùng thư Hán Nôm về văn hóa làng xã Thừa Thiên Huế - ảnh 2

Một số công trình tiêu biểu do Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế chủ trì tiến hành nghiên cứu biên soạn, dịch thuật và in ấn

3. Bằng cấp quan chức triều Nguyễn tại tỉnh Thừa Thiên Huế phát hành vào năm 2021, do Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM biên soạn. Ấn phẩm giới thiệu 270 văn bản công vụ chủ yếu của Bộ Binh, Bộ Lại và của các quan Tổng đốc, Tuần phủ… trải qua các triều đại nhà Nguyễn về việc bổ nhiệm, điều động, sắp xếp công việc, thăng giáng chức vụ các quan chức triều Nguyễn. Qua đó góp phần làm sáng rõ thêm hành trạng, sự nghiệp, nhân cách của một số nhân vật lịch sử, mà trong các bộ chính sử đã từng ghi chép, nhưng chưa đầy đủ.

4. Văn thư - Đơn từ Hán Nôm các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế phát hành vào năm 2022, do Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế biên soạn. Ấn phẩm giới thiệu 205 văn thư, đơn từ của các cấp chính quyền, từ chiếu chỉ, thị phó của triều đình, công đồng, các bộ và phủ Thừa Thiên cũng như của các huyện tống đạt xuống các cá nhân, các làng. Cùng với đó là đơn từ của các cá nhân, họ tộc, làng xã gửi lên triều đình hay các huyện, phủ Thừa Thiên hoặc các bộ để trần tình, kêu oan, trông chờ cứu xét. Trong đó bao gồm các giai đoạn lịch sử thời chúa Nguyễn, Tây Sơn, triều Nguyễn và cả giai đoạn Pháp bảo hộ.

5. Hương ước các làng tại tỉnh Thừa Thiên Huế phát hành cuối năm 2023, do Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế biên soạn. Công trình giới thiệu 67 bản hương ước tiêu biểu và có giá trị cao, phục vụ việc tham khảo nghiên cứu về làng xã. Kết cấu cuốn sách được sắp xếp theo hai phần chính: Hình ảnh, dịch nghĩa và bảng tra; bố cục hợp lý, rất thuận tiện cho việc tìm hiểu và tra cứu. Nội dung chính của cuốn sách có thể khái quát: Quy định về trách nhiệm của người dân đối với chính quyền, làng xã; quy định việc sử dụng đất đai, khuyến nông, phát triển sản xuất, đặc biệt là phát triển sản xuất nông nghiệp; quy định về việc giữ gìn trật tự an ninh làng xã; động viên, khuyến khích con em trong làng tích cực phấn đấu học tập để đỗ đạt làm quan; quy định về trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ tài sản công, nhất là những di sản văn hóa truyền thống như đình, chùa, đền, miếu, những danh lam thắng cảnh, bảo vệ môi trường; quy định việc thực hiện, gìn giữ thuần phong mỹ tục, phong tục, tập quán như các nghi thức về quan, hôn, tang, tế, thực hiện các mối quan hệ với người thân trong gia đình, dòng họ, với cộng đồng làng xã. Điều này cho thấy, bản hương ước phản ánh hầu hết các mặt hoạt động và sự phát triển của làng xã, thông qua hương ước đã phác họa nên bức tranh toàn cảnh vô cùng đa dạng của làng xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. 

 Sau khi ra mắt bạn đọc, những công trình trên đã được độc giả chào đón nồng nhiệt, được các nhà khoa học đánh giá cao về mặt học thuật cũng như chất lượng nội dung. Ban biên soạn kỳ vọng, bộ 5 cuốn sách nêu trên và những ấn phẩm được biên soạn, xuất bản trong tương lai sẽ thực sự trở thành bộ “Tùng thư Văn hóa Hán Nôm Huế” nhằm cung cấp nguồn tư liệu gốc và phong phú, giúp độc giả có thể mở rộng và tìm hiểu sâu về lịch sử văn hóa, kinh tế - xã hội truyền thống của Thừa Thiên Huế, một trong những trung tâm văn hóa lớn của đất nước.

Ý kiến bạn đọc