Phát huy vai trò, giá trị Di sản Tràng An trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ

NGUYỄN LINH

VHO - Hội thảo khoa học quốc tế "Phát huy vai trò, giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới", nhằm tôn vinh các giá trị của Di sản, đánh giá những thành tựu nổi bật trong 10 năm qua, đồng thời xác định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Di sản đối với các định hướng chiến lược của tỉnh Ninh Bình trong thời gian tới.

Phát huy vai trò, giá trị Di sản Tràng An trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ - ảnh 1

Quang cảnh Hội thảo

Sáng 27.4, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ VHTTDL, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Phát huy vai trò, giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới". Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (2014-2024).

Dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình; Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Thị Hồng Vân; Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc; Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) Hà Văn Siêu…

Phát huy vai trò, giá trị Di sản Tràng An trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ - ảnh 2

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương và các đại biểu dự Hội thảo

Ninh Bình - vùng đất được ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh, kỳ quan thiên nhiên đặc sắc. Nơi đây, từng ghi dấu ấn từ hàng vạn năm trước, tổ tiên xa xưa chọn là nơi cư trú, thích ứng linh hoạt với biến động môi trường sống tạo nên một dạng thức văn hóa độc đáo thời tiền - sơ sử, làm tiền đề để Cố đô Hoa Lư được chọn làm Kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt.

Trải qua 42 năm (968-1010) tồn tại và gắn bó với ba vương triều: Đinh, Tiền Lê, Lý đã thực sự là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Đại Cồ Việt thống nhất, độc lập, tự chủ…

Những giá trị nổi bật của vùng đất Hoa Lư - Ninh Bình với trữ lượng tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn đặc sắc, phong phú là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nhân văn của tỉnh nhà. Khu danh thắng Tràng An cũng được xác định là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch quốc gia, tầm cỡ quốc tế… trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tại Việt Nam.

Phát huy vai trò, giá trị Di sản Tràng An trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ - ảnh 3
Tỉnh Ninh Bình luôn nỗ lực tôn vinh, khẳng định vai trò, tầm quan trọng, đồng thời, nâng cao hiệu quả trong quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; tiếp tục thực hiện những cam kết với UNESCO trong công tác quản lý, phát huy giá trị để gìn giữ và bảo tồn di sản cho thế hệ mai sau.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc

Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Trưởng Ban Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Phạm Quang Ngọc, nhấn mạnh, sau 10 năm được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, khu danh thắng Tràng An đã trở thành một minh chứng rõ nét cho một xu hướng tất yếu: Đó là, kết nối du lịch di sản liên tỉnh, liên vùng, xa hơn nữa là liên quốc gia, nhằm tạo dựng giá trị và thương hiệu độc đáo của khu di sản.

Điều đặc biệt là, Tràng An đã tạo dựng thêm những giá trị mới để kết nối tính bản địa và tính hiện đại, của đô thị quá khứ với đô thị tương lai trên nền tảng bảo tồn hiệu quả, hài hòa, bền vững các giá trị di sản; trở thành sự lựa chọn, một điểm đến, một nơi chốn thân quen đáp ứng nhiều đối tượng du khách, cũng như đã bắt kịp với những nhu cầu phát triển chung của tình hình xã hội, kinh tế thị trường và đặc biệt hơn cả luôn gắn liền với chủ trương phát triển tổng hòa các yếu tố văn hóa của Đảng và Chính phủ, cùng định hướng phát triển của tỉnh Ninh Bình.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước đã tập trung thảo luận một số nội dung chính như: Tôn vinh, quảng bá và lan tỏa các giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch bền vững, là tiền đề hướng tới xây dựng thành phố Hoa Lư trở thành Đô thị Di sản thiên niên kỷ.

Nhìn lại những thành tựu nổi bật trong 10 năm, và đề xuất định hướng quy hoạch bảo tồn tổng thể khu di sản với tiếp cận liên ngành, đa ngành - như một mẫu hình đô thị di sản.

Xác định vai trò, vị trí của Di sản trong phát triển kinh tế du lịch, phát triển kinh tế - xã hội; bảo tồn, nghiên cứu khoa học; kêu gọi, thu hút đầu tư, thu hút khách tham quan du lịch và hợp tác, kết nối các thành phố Di sản thế giới.

Nghiên cứu, đề xuất những giải pháp để chia sẻ, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa ở trong nước và trên thế giới những kinh nghiệm thực tiễn bảo tồn và phát triển từ Quần thể danh thắng Tràng An, từ đó đề xuất những chính sách phù hợp với Chính phủ và UNESCO...

Phát huy vai trò, giá trị Di sản Tràng An trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ - ảnh 4

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình phát biểu 

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình, để phát huy toàn vẹn giá trị khoa học, văn hóa, lịch sử của di sản, phục vụ phát triển bền vững, xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ,Ninh Bình cần tiếp tục tăng cường gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới theo quy chuẩn của UNESCO.

Tăng cường giáo dục và nhận thức cộng đồng, nâng cao nhận thức về giá trị của Di sản thế giới Tràng An đối với cộng đồng và du khách; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đối tác địa phương khác để chia sẻ kinh nghiệm quản lý di sản và học hỏi từ thành công của các điểm đến khác...

Thời gian tới, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng Ninh Bình để Quần thể danh thắng Tràng An tiếp tục là điển hình mẫu mực về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo của UNESCO, đưa Ninh Bình trở thành miền đất giàu về văn hóa, mạnh về kinh tế, xanh - sạch về môi trường, hội tụ đủ tiêu chí cho sự phát triển bền vững.

Phát huy vai trò, giá trị Di sản Tràng An trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ - ảnh 5

Ông Jonathan Baker, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phát biểu 

Ghi nhận và hoan nghênh tầm nhìn xa và tinh thần hợp tác mở đường cho những thành tựu của Tràng An, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Jonathan Baker cho biết, UNESCO vẫn kiên định với cam kết hỗ trợ Tràng An vượt qua những thách thức. Văn phòng UNESCO sẵn sàng cung cấp các lĩnh vực chuyên môn bảo đảm Tràng An tiếp tục là ngọn hải đăng cho các hoạt động du lịch có trách nhiệm và bền vững.

Tầm nhìn hiện tại của Tràng An hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh cốt lõi của UNESCO đó là thúc đẩy sự hiểu biết văn hóa hòa bình và phát triển bền vững thông qua bảo tồn di sản, do đó, ông Jonathan Baker tin tưởng, Tràng An sẽ tiếp tục đóng vai trò hình mẫu phát triển ổn định, có trách nhiệm cho thế hệ mai sau.