Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

EU tìm sự đồng thuận trong chiến dịch Vắcxin

Thứ Hai 29/03/2021 | 10:44 GMT+7

VHO- Trong bối cảnh nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba, câu chuyện phân phối và xuất khẩu vắcxin trở thành đề tài gay gắt nhất tại Hội nghị thượng đỉnh mùa Xuân vừa được EU tổ chức.

 EU đang tìm sự đồng thuận trong phân phối và xuất khẩu vắcxin Ảnh: AFP

Hầu hết các quốc gia EU đều muốn đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắcxin Covid-19 ngay trong năm 2021.

Tiến độ tiêm chủng chậm chạp

Năm 2020, EU là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, EU đã lên kế hoạch tiêm chủng từ rất sớm. Ngay từ năm 2020, EU đã đặt hàng 2 tỉ liều vắcxin ngừa Covid-19 của 6 nhà sản xuất và hiện con số này được tăng lên gần 3 tỉ liều. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng, tiến độ thực hiện của các nước EU đang có dấu hiệu chậm lại do thiếu hụt nguồn cung vắcxin, phần lớn do hãng dược phẩm AstraZeneca bàn giao chậm trễ. Trong khi đó, từ tháng 12.2020, EU đã xuất khẩu 77 triệu liều vắcxin được sản xuất tại các quốc gia thành viên sang 33 nước trên thế giới, bao gồm 21 triệu liều vắcxin của AstraZeneca, sản xuất tại nhà máy của hãng ở Hà Lan sang Anh. Và hiện nay, tỉ lệ tiêm chủng ở các nước EU mới chỉ đạt 10,4 liều/100 người, còn ở Anh tỉ lệ này là 42,7.

Trước thực tế này, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cảnh báo việc phân phối không công bằng vắcxin ngừa Covid-19 giữa các nước thành viên sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho EU. Đồng thời, sự “thiên vị” của một số quốc gia đối với vắcxin AstraZeneca vì giá thành rẻ cũng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến các loại vắcxin khác. Theo tài liệu của Uỷ ban châu Âu (EC) được Financial Times đăng tải, Áo được nhận số lượng vắcxin cao hơn mức trung bình của EU tính trên 100 dân, còn Bulgaria, Latvia, Croatia và CH Séc là những quốc gia được phân phối ít và Bỉ, Italia, Bồ Đào Nha nhận số lượng dưới mức trung bình. Bởi vậy, EU phải mau chóng bàn đến việc phân chia lại 10 triệu liều vắcxin của Pfizer/BioNTech, thay vì vào tháng 11 tới theo kế hoạch, sẽ được thực hiện ngay từ tháng 4, để có thể cân bằng lại tốc độ của chiến dịch tiêm chủng tại các nước EU.

Tìm thỏa thuận cung ứng thích hợp

Hiện làn sóng lây nhiễm thứ ba đã khiến một số quốc gia thuộc EU như Pháp, Bỉ, Đức phải áp đặt những biện pháp phong toả mới trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh vào tháng 4. Các quốc gia EU dường như đang cảm thấy bối rối trong cuộc chiến Covid-19, khi mà nguồn cung vắcxin không đủ, cũng như sự phân chia cũng không đồng đều giữa các thành viên. Trong khi nhiều lãnh đạo các nước EU thảo luận về cơ chế cấp phép xuất khẩu vắcxin cho các nước ngoài khối theo hướng thắt chặt hơn với Vương quốc Anh và AstraZeneca, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo lại cho rằng: “Chúng tôi là một trong những nhà sản xuất vắcxin hàng đầu thế giới, vì vậy chúng tôi muốn đảm bảo rằng chuỗi giá trị toàn cầu được bảo toàn càng nhiều càng tốt”. Bên cạnh đó, các quốc gia có ngành công nghiệp dược phẩm phát triển như Bỉ, Hà Lan và Thuỵ Điển cũng cảnh báo, bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng đều có thể gây phản tác dụng đối với EU.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, 13 triệu liều vắcxin được dành cho sáng kiến phân phối vắcxin COVAX, phần còn lại dành cho EU. Chủ tịch EC cũng nhấn mạnh, AstraZeneca sẽ phải đáp ứng các cam kết giao hàng trước khi có thể xuất khẩu ra ngoài EU. Đồng thời, EU và Anh cũng có thể sẽ đạt được một thoả thuận cung ứng vắcxin phù hợp với nhu cầu và lợi ích hai bên. Được biết, trước sức ép từ phía EU, hãng dược phẩm AstraZeneca cam kết cung cấp 18 triệu liều trong số 30 triệu liều đã cam kết với EU trong thời gian còn lại của tháng 3. Thêm vào đó, EU dự kiến sẽ nhận được khoảng 88 triệu liều trong thời gian gần của các nhà cung cấp khác nhau và khoảng 360 triệu liều trong quý II/2021.

Theo thống kê, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, toàn EU đã có hơn 26 triệu người mắc bệnh, trong đó hơn 607.500 người tử vong. Đời sống kinh tế- xã hội của 27 quốc gia trong khối EU bị tác động nghiêm trọng. Bởi thế, các nước đặc biệt quan tâm đến vấn đề vắcxin, vốn được xem là lối thoát duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng lịch sử này. Và sự đồng lòng của 27 quốc gia thuộc EU trong chiến dịch vắcxin sẽ là nền tảng quan trọng để có thể sớm đưa EU hoàn thành mục tiêu đạt được miễn dịch tập thể. 

 HẢI MINH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top