Trung Quốc: Cấm vàng mã nhận được sự ủng hộ của người dân

THÁI AN

VHO - Một số địa phương ở Trung Quốc cấm vàng mã trước tiết Thanh minh, coi tín ngưỡng này là “mê tín từ thời phong kiến”. Điều đáng nói là những quyết định này được nhiều người dân ủng hộ.

Trung Quốc: Cấm vàng mã nhận được sự ủng hộ của người dân - ảnh 1

 Một cửa hàng bán vàng mã ở Trung Quốc. Ảnh: GETTY

 Giới chức thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) vừa thông báo cấm sản xuất, buôn bán các loại tiền âm phủ, vàng mã bị coi là “mê tín từ thời phong kiến” trên toàn thành phố.

Mục đích của việc này là cải cách tín ngưỡng cúng bái văn minh, phù hợp với mục tiêu phòng chống ô nhiễm không khí của quốc gia. Theo thông báo này, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt tiền hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Kèm lệnh cấm, giới chức thành phố Nam Thông cũng công bố Đề xuất Tảo mộ văn minh, nhấn mạnh điều quan trọng nhất trong tiết Thanh minh là “chân thành”.

Lệnh cấm ở thành phố Nam Thông trở thành tâm điểm tin tức ở Trung Quốc, làm dấy lên phản ứng từ công chúng. Nhiều người chỉ trích cách tiếp cận của các quan chức thành phố Nam Thông “áp đặt” khi coi phong tục đốt vàng mã để tưởng nhớ tổ tiên là “mê tín”.

Tờ Global Times không gọi đốt vàng mã là phong tục “mê tín”, nhưng chỉ ra việc này tiềm ẩn nguy cơ gây hỏa hoạn, đặc biệt ở vùng nông thôn có nhiều cây cối. Người dân một số vùng Trung Quốc còn đốt pháo khi tảo mộ để “báo cho tổ tiên, xua đuổi tà ma”.

Trong khi ở thành phố, nhiều người dân đốt vàng mã ngay trên đường phố, để lại tàn tro, khói bụi và rác thải. Những vụ hỏa hoạn do đốt vàng mã dịp tiết Thanh minh không phải điều hiếm. Tờ này cho rằng, nên thúc đẩy cải cách các nghi lễ tín ngưỡng an toàn, đơn giản, “xanh” hơn cũng như tiết kiệm hơn. Nhiều địa phương khuyến khích người dân hải táng người đã khuất theo hình thức rải tro xuống biển. Một số nghĩa trang ở Bắc Kinh cung cấp miễn phí đồ cúng có thể hòa tan trong nước.

Không chỉ riêng thành phố Nam Thông, nhiều địa phương khác ở Trung Quốc cũng đưa ra những lệnh cấm tương tự, trong đó có thành phố Lăng Nguyên, tỉnh Liêu Ninh, hay thành phố Nộn Giang, tỉnh Hắc Long Giang, cấm đốt vàng mã ở nơi công cộng, cấm sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển vàng mã và các đồ tế lễ mang tính mê tín; khuyến khích các hình thức tế lễ văn minh như sử dụng hoa tươi, tế lễ qua nhà tang lễ “ảo” trên các trang web; xử phạt nghiêm những người vi phạm...

Với những việc làm quyết liệt trên, đốt vàng mã không chỉ vắng bóng ở những địa điểm thờ tự, mà còn ngày càng hiếm gặp tại nhiều khu dân cư ở các tỉnh, thành phố lớn của Trung Quốc.

Tại Bắc Kinh, chính quyền thành phố không cấm, nhưng ban hành những quy định hạn chế đốt vàng mã. Tại các khu chung cư ở thành phố này, từ lâu đã không có bóng dáng của những chiếc lò hóa vàng.

Anh Thượng Phong, người dân khu chung cư Tam Phong Lý cho biết, gia đình anh cũng như các gia đình khác trong khu đều không còn giữ tập tục đốt vàng mã để tưởng nhớ người thân đã khuất. Theo anh, các quy định hạn chế đốt vàng mã của chính quyền thành phố là rất có lợi bởi có thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế khói, tro ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và phòng ngừa hỏa hoạn.

Một số ngôi chùa ở Trung Quốc cũng cũng khuyến khích du khách thập phương từ bỏ thói quen đốt vàng mã khi đến chùa lễ Phật. Bà Viên Quân, người dân Bắc Kinh cho rằng, đốt vàng mã là mê tín dị đoan. Bà nói: “Phật ở trong tâm của mỗi chúng ta. Chỉ cần đừng làm trái những điều Phật dạy”.

Ông Trương Gia Thành, một người dân Bắc Kinh đi lễ chùa tâm sự rằng, gia đình ông đi lễ chùa để bày tỏ lòng thành kính với đức Phật và cầu bình an, may mắn cho bản thân và gia đình mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Ông cho rằng việc dâng và đốt vàng mã là một tập tục rất lạc hậu, vì vậy bản thân ông và những người trong gia đình đã bỏ thói quen này từ rất lâu.

Nhìn chung, bằng nhiều biện pháp tuyên truyền vận động và ban hành những quy định bắt buộc để hạn chế việc đốt vàng mã, Chính phủ Trung Quốc đã thành công trong việc khuyến khích người dân từ bỏ tập tục lâu đời này và hướng tới một cuộc sống văn minh nhưng vẫn duy trì bản sắc truyền thống và giữ gìn vệ sinh môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Một nén hương thơm với lòng thành kính hướng về trời, Phật và những người đã khuất mà không cần đốt vàng hay hóa mã đã trở thành thói quen văn minh của nhiều người Trung Quốc hiện nay. 

Ý kiến bạn đọc