Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

“Đánh thức người đẹp” Tây Hồ

Thứ Năm 21/01/2021 | 19:25 GMT+7

VHO- Là quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội, Tây Hồ có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nhưng thời gian qua, điểm đến Tây Hồ vẫn chưa được nhiều du khách biết tới, thậm chí lãnh đạo nhiều công ty du lịch còn ngạc nhiên vì không ngờ mảnh đất này nhiều điều thú vị đến thế.

Hơn 100 đại diện công ty lữ hành, cơ quan báo chí khảo sát tiềm năng du lịch Tây Hồ tại chùa Vạn Niên

Nằm ở phía Tây Bắc của Hà Nội, Tây Hồ được xác định là trung tâm dịch vụ - du lịch, trung tâm văn hoá, là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của Thủ đô. Quận Tây Hồ có Hồ Tây với diện tích khoảng 526 ha, nằm trọn trong địa giới quận, là một cảnh quan thiên nhiên đẹp của Hà Nội và cả nước; phía bắc và phía đông là sông Hồng chảy từ phía bắc xuống phía nam. Khu vực xung quanh Hồ Tây có nhiều làng xóm tồn tại từ lâu đời với nhiều nghề thủ công truyền thống. Với các công trình di tích lịch sử có giá trị, tập trung xung quanh Hồ Tây, tạo cho Tây Hồ  trở thành một danh thắng nổi bật nhất của Thủ đô.

Ngày 20.1, Quận Tây Hồ (Hà Nội) đã xúc tiến quảng bá lợi thế tiềm năng du lịch từ các vùng trồng hoa, các vườn hoa sinh thái, các điểm di tích đặc trưng và ẩm thực độc đáo trên địa bàn quận tới các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội nhằm phát triển du lịch, thu hút khách tham quan đến với Tây Hồ.

Các điểm du lịch quận Tây Hồ thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19

Nổi tiếng cả nước với các vùng trồng hoa: đào Nhật Tân, quất Quảng Bá, Tứ Liên, Tây Hồ còn có hệ thống 71 di tích, với 43 di tích đã được xếp hạng; nhiều di tích, danh thắng đang nằm trong các tour du lịch của Hà Nội như: hồ Tây, chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ, chùa Vạn Niên, phố đi bộ Trịnh Công Sơn…

Mảnh đất thơ mộng này của Hà Nội cũng nổi tiếng với những nền ẩm thực độc đáo: trà sen Quảng An, xôi chè Phú Thượng, bánh tôm, bún ốc Hồ Tây… Mỗi mùa sen nở, Hồ Tây lại nô nức bước chân của các chị em váy áo rực rỡ, yếm thắm má hồng, chụp ảnh ở hồ sen và thưởng lãm trà ướp trong bông sen ở ngay giữa hồ.

Tây Hồ có nhiều điểm du lịch mới hấp dẫn du khách

Cứ mỗi độ giáp Tết nguyên đán, những vườn đào Nhật Tân, quất Tứ Liên lại rộn ràng bước chân du khách. Chợ hoa Quảng Bá, chợ bán buôn hoa nổi tiếng khắp Hà Nội và cả tuyến đê Yên Phụ cũng nhộn nhịp suốt những mùa hoa trong năm. Chị Lê Thị Nhạn, Phó tổng giám đốc, Giám đốc dịch vụ CTCP Dịch vụ Giải trí Hà Nội (Haseco) kể: “Mùa hoa cúc hoạ mi vừa qua chúng tôi đón rất nhiều đoàn khách ở miền Nam, Tây Nguyên ra Hà Nội chụp ảnh hoa ở Vườn hoa bãi đá sông Hồng và Thung lũng hoa Hồ Tây. Trong đó có cả những đoàn khách tới từ Đà Lạt (Lâm Đồng). Tôi rất ngạc nhiên hỏi sao: Tại sao từ thành phố hoa ra đây mà vẫn thích hoa thế?” Khách nói: Đà Lạt là thành phố hoa thật nhưng kiểu khí hậu của Đà Lạt khác hẳn Hà Nội. Hà Nội mùa thu với nắng vàng và gió heo may là thứ mà Đà Lạt không có. Hơn nữa, cúc hoạ mi, sen Hồ Tây, bằng lăng, hoa sưa của Hà Nội cũng khác dã quỳ, mai anh đào Đà Lạt”

Thung lũng hoa Hồ Tây thu hút nhiều khách nội địa

Để tiếp tục kích cầu du lịch nội địa trong năm 2021 và nhằm đưa Tây Hồ trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, trung tâm văn hoá của thành phố, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quận, ngày 20.1, UBND quận Tây Hồ tổ chức khảo sát, giới thiệu tiềm năng du lịch quận Tây Hồ tới hơn 100 đại diện các công ty lữ hành và cơ quan báo chí, các chuyên gia du lịch. Đoàn doanh nghiệp du lịch và báo chí đã tới khảo sát chùa Vạn Niên, Vườn hoa bãi đá Sông Hồng, Thung lũng hoa Hồ Tây và các dịch vụ ẩm thực tiêu biểu của Tây Hồ.

Ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: “Chương trình này nhằm quảng bá sâu rộng hơn tiềm năng du lịch của Quận tới các công ty lữ hành. Việc thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn Quận không chỉ phát huy tiềm năng thế mạnh tài nguyên du lịch thiên nhiên, văn hóa, lịch sử mà còn hỗ trợ bảo tồn, phát triển nghề thủ công truyền thống, gia tăng giá trị, hiệu quả kinh tế từ nghề trồng đào, quất đã nổi tiếng. Chúng tôi mong rằng thời gian tới các công ty lữ hành tiếp tục đồng hành với Quận, xây dựng sản phẩm tour du lịch Tây Hồ, thu hút khách du lịch từ khắp cả nước tới Tây Hồ và giữ chân khách du lịch lưu trú trên địa bàn Quận, chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ du lịch ở Quận”.

Vườn hoa bãi đá sông Hồng cũng là điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội phục vụ khách check in "sống ảo"

Sau chuyến khảo sát, đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành rất bất ngờ vì những điểm đến của Tây Hồ hiện nay rất phù hợp với khách du lịch nội địa vì có cảnh quan đẹp, nhiều di tích, đặc sản nổi tiếng. Đặc biệt là những làng hoa truyền thống, các điểm du lịch mới chuyên về hoa là điểm đến yêu thích của các nữ du khách. Hệ thống nhà hàng ẩm thực, lưu trú và các dịch vụ trên địa bàn Quận cũng rất phong phú, đáp ứng việc tổ chức tour trọn gói một cách đồng bộ.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch): “Với không gian thoáng đãng, cảnh quan đẹp, nhiều điểm tham quan của quận Tây Hồ hiện nay hoàn toàn có thể khai thác ngay, đưa vào tour khám phá Hà Nội và có thể trở thành sản phẩm mới của du lịch Thủ đô, thu hút khách nội địa. Tuy nhiên, muốn khai thác du lịch xứng với tiềm năng, “đánh thức người đẹp” Tây Hồ và đưa Tây Hồ trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn của Hà Nội, Quận cần có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, tạo cơ chế để thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư vào các dự án du lịch lớn”.

Khách du lịch vào vườn thu hoạch dâu tây và thưởng thức sản phẩm ngay tại vườn ở khu vực Vườn hoa bãi đá sông Hồng

Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Hà Nội, Giám đốc công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng Tây Hồ có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng cần định hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hoá địa phương và đạt hiệu quả kinh tế cao. Thiếu nhất của Tây Hồ hiện nay là quy hoạch, sản phẩm du lịch và kết nối các dịch vụ du lịch. Vì thế, cái gì cũng manh mún, nhỏ lẻ và chưa có các tour du lịch hấp dẫn”.

Mùa cúc hoạ mi các vườn hoa thuộc quận Tây Hồ thu hút rất nhiều khách nội địa

Ông Thắng gợi ý, sau chuyến khảo sát, giới thiệu du lịch lần này, quận Tây Hồ cần sớm có những kết nối với các doanh nghiệp lữ hành, hoàn thiện việc xây dựng tour, tuyến để đưa vào phục vụ du khách. Trong đó, rà soát lại trong số 71 di tích và các danh lam thắng cảnh, khu vui chơi giải trí, điểm du lịch nào có thể đưa vào chương trình tour ngay. Đồng thời, đầu tư hệ thống giao thông, hệ thống bảng chỉ dẫn tới các khu, điểm du lịch để thuận tiện cho việc đi lại, tham quan của du khách. Kết nối các điểm tham quan, dịch vụ, đầu tư xây dựng các tour du lịch cụ thể. Hiện nay, tài nguyên lớn nhất của quận Tây Hồ là Hồ Tây nhưng chưa khai thác được, rất lãng phí. Trong khi đó, nơi này hoàn toàn có thể đưa vào khai thác những du thuyền sang trọng để kết nối các điểm đến, dịch vụ dưới nước và trên bờ khu vực quanh hồ Tây. Không cần nhiều tàu nhưng cần phải đầu tư ra tấm ra món.

Đoàn khảo sát tại vườn hoa bãi đá sông Hồng

Phù hợp nhất ở Tây Hồ là loại hình du lịch lịch sử văn hoá, du lịch tâm linh, du lịch học đường, du lịch ẩm thực… Những tour du lịch đủ độ về thiên nhiên, đủ độ về văn hoá nhưng không được nhân tạo. Với không gian đẹp, rộng lớn, lãng mạn như Tây Hồ, hoàn toàn có thể đầu tư khu làng ẩm thực của Hà Nội và Việt Nam. Bên cạnh đó, để thực sự có những sản phẩm hấp dẫn, Tây Hồ cần có những câu chuyện hay về các điểm đến; có đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm là người địa phương hoặc những người có những hiểu biết sâu sắc về điểm đến, về di tích, có khả năng truyền cảm hứng cho khách.

Về lâu dài, việc đầu tư cho không gian du lịch thiên nhiên gắn với sông Hồng, tạo ra một công viên rộng lớn, đậm chất văn hoá, gắn với những giá trị địa chất, địa mạo độc đáo; những bến thuyền kết nối các địa phương, những bến đỗ có đầy đủ dịch vụ, những du thuyền cao cấp hoặc những loại tàu chở khách tham quan trong ngày… có thể sẽ tạo ra sự phát triển đột phá của du lịch Tây Hồ nói riêng và Hà Nội nói chung.

THUÝ HÀ; ảnh: QUẢNG HÀ, THANH PHONG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top