Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Hà Nội sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33: Hài hòa mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế

Thứ Tư 17/07/2019 | 10:03 GMT+7

VHO- Chiều qua 16.7, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn thành phố.

 Các bạn trẻ hưởng ứng kỷ niệm 20 năm Hà Nội - thành phố vì hòa bình Ảnh: TR HUẤN

Những kết quả đạt được cũng như nhiều vấn đề đang đặt ra sau nửa thập kỷ triển khai thực hiện Nghị quyết, gắn với một nội dung trọng tâm là xây dựng Người Hà Nội văn minh, thanh lịch đã được nhiều ý kiến nhìn nhận và bàn thảo.

Giải pháp phát triển thị trường văn hóa

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc về vai trò của các nhân tố văn hóa, con người trong quá trình phát triển. Văn hóa Hà Nội vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài, trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội. Trưởng Ban Tuyên giáo đặc biệt nhấn mạnh quan điểm đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa… Đây là một trong những định hướng để Hà Nội có những bước đi vững chắc trong thời gian qua.

Đề cập đến một nội dung cụ thể, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động khẳng định vai trò quan trọng của thị trường văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay. Theo ông Động, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 33, một trong các giải pháp được đưa ra để phát triển văn hóa, hoàn thiện nhân cách con người là phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa. Qua đó, góp phần giải quyết mối quan hệ “văn hóa trong kinh tế” và “kinh tế trong văn hóa”. Ông Tô Văn Động nhấn mạnh: “Công nghiệp văn hóa làm cho thị trường văn hóa, trong đó có thị trường văn hóa Thủ đô ngày càng có nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa lưu thông. Trong bối cảnh nền cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế hiện nay, cần nhận diện đầy đủ, sâu sắc thị trường văn hóa, từ đó tăng cường vai trò của cơ quan quản lý các cấp nhằm khơi nguồn các dòng chảy văn hóa; xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa Thủ đô…”.

Gắn với phát triển công nghiệp văn hóa, Thủ đô cũng đang hình thành rõ nét diện mạo một thị trường văn hóa. Có thể kể đến một số loại hình sản phẩm văn hóa và dịch vụ văn hóa như nghệ thuật biểu diễn, thiết kế sáng tạo, nghệ thuật thủ công và nghệ thuật dân gian, văn hóa ẩm thực, truyền thông đại chúng, phim ảnh, âm nhạc, văn học, du lịch văn hóa… Những hãng phim tư nhân, các công ty giải trí, tổ chức sự kiện, các gallery nghệ thuật… càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn và tham gia đĩnh đạc vào thị trường văn hóa.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin, lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội cũng lưu ý những mặt trái của kinh tế thị trường. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế dễ dẫn đến việc chạy theo thương mại hóa thuần túy các sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa trái với đời sống văn hóa lành mạnh. Thậm chí, chạy theo lợi nhuận thuần túy và có thể đưa ra các sản phẩm xấu, độc hại, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhất là qua các phương tiện truyền thông, Internet, mạng xã hội...

Nhìn nhận ở một góc độ khác trong mối quan hệ văn hóa- kinh tế, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức các không gian văn hóa sáng tạo mới gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, góp phần phát triển kinh tế- xã hội. Phó Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm nhấn mạnh, để phát huy tiềm năng, thế mạnh với lợi thế các không gian kiến trúc, giá trị văn hóa khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực Hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, những năm qua, quận Hoàn Kiếm đã chủ động xây dựng nhiều chương trình, đề án, kế hoạch để triển khai và tổ chức thực hiện; tập trung đầu tư cho các dự án cải tạo, chỉnh trang hạ tầng đô thị; xây dựng các không gian văn hóa; tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; xây dựng người Hoàn Kiếm thanh lịch, văn minh nhằm tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội theo hướng thương mại- du lịch- dịch vụ.

Trong quá trình đó, Hoàn Kiếm đã đầu tư xây dựng nhiều không gian văn hóa, không gian cộng đồng, không gian sáng tạo có thương hiệu, điển hình là không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, không gian văn hóa đọc Phố sách Hà Nội, Không gian Bích họa phố Phùng Hưng…

Phát huy sức mạnh mềm văn hóa người Hà Nội

Với những lợi thế và đặc thù riêng có, những năm qua, chương trình số 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa- xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020” đã được Hà Nội tập trung đẩy mạnh. Thành phố có nhiều chính sách, giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong, trong bối cảnh nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, phát triển văn hóa, con người Hà Nội tiếp tục được xác định là mục tiêu trọng tâm, với mục tiêu tạo đột phá. Đặc biệt, trong sự bùng nổ công nghệ thông tin, con người đang hướng đến những giá trị toàn cầu bên cạnh những giá trị mang tính đặc thù của mỗi quốc gia. Hà Nội là nơi hội tụ, giao thoa, lan tỏa, chắt lọc những giá trị văn hóa của dân tộc, việc xây dựng và hoàn thiện những giá trị chuẩn mực của người Hà Nội luôn có vai trò đặc biệt quan trọng.

Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Tây Hồ cho biết, tập trung xây dựng nếp sống văn hóa, văn hóa ứng xử người Hà Nội là một trong những giải pháp quan trọng mà quận đã thực hiện trong nhiều năm qua. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33 được Quận ủy Tây Hồ gắn với triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy và Chương trình 03-CTr/ QUTH của Quận ủy Tây Hồ về Phát triển Văn hóa- xã hội và xây dựng nếp sống văn hóa người Hà Nội, xây dựng phường văn hóa giai đoạn 2015-2020.

Đặc biệt, ngay sau khi thành phố ban hành 02 quy tắc ứng xử nơi công cộng và quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Quận Tây Hồ đã xác định việc triển khai 02 bộ quy tắc này là giải pháp trọng tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, từng bước góp phần hình thành những chuẩn mực văn hóa trong nhân dân.

Tại Hội nghị, nhiều tham luận quan trọng khác cũng đã được các đại biểu chia sẻ như: Phát triển công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực du lịch văn hóa: Thời cơ và thách thức với Thủ đô; Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang; Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn… 

 HÀ PHƯƠNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top