Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa: Cần những bước đột phá

Thứ Hai 08/07/2019 | 09:56 GMT+7

VHO- Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã và đang được ngành VHTTDL tập trung đẩy mạnh.

Bên cạnh những mặt được, thực tế cũng đặt ra yêu cầu cần tạo nên những bước đột phá tương xứng với tiềm năng, để các ngành công nghiệp văn hóa thực sự có những bước phát triển đĩnh đạc, góp phần tích cực trong việc hiện thực hóa quan điểm xương sống được đặt ra tại Nghị quyết 33: Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Tạo nhiều sản phẩm văn hóa hấp dẫn

Báo cáo của Bộ VHTTDL cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 33, ở nội dung phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, Bộ tập trung chỉ đạo phát triển 5 ngành công nghiệp văn hóa: điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; quảng cáo và du lịch văn hóa. Đẩy mạnh triển khai Chiến lược, Bộ đang tích cực tham mưu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, các quy định pháp luật chuyên ngành nhằm tạo hành lang pháp lý khuyến khích phát triển sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa.

Cụ thể, thực hiện Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” và Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030”, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo, tổ chức đào tạo tài năng ở nước ngoài các ngành, chuyên ngành nghệ thuật thuộc lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, múa, xiếc, văn hóa bằng ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, tuyển chọn tài năng ở các ngành, chuyên ngành nghệ thuật thuộc lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, múa, xiếc, văn hóa nhằm đào tạo chất lượng cao, tạo nguồn nhân lực nghệ sĩ biểu diễn phục vụ xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa.

Báo cáo của Bộ nhấn mạnh vai trò của phát triển du lịch văn hóa trong cơ cấu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam. Việc kết hợp khai thác giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đã góp phần tạo nên giá trị gia tăng, tăng tính hấp dẫn, đặc sắc cho các dòng sản phẩm du lịch khác. Một số địa phương ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhiều sản phẩm và loại hình du lịch mới, đặc trưng của địa phương được hình thành; tăng cường giới thiệu các sản phẩm văn hóa đặc thù để thu hút khách du lịch và đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng. Một số địa phương có số du khách tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái như Hà Nội tăng 17,9 %, Quảng Ninh tăng 25%, Ninh Bình tăng 4,7%...

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch văn hóa, với nhiều loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc. Ngoài những di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện hay di sản tư liệu của nhân loại, còn có hàng chục loại hình khác như ẩm thực, ca Huế, trang phục, nếp sống, ngành nghề thủ công truyền thống... là những giá trị vô cùng đặc sắc, không chỉ thể hiện bản sắc vùng đất cố đô mà còn góp phần thể hiện những đặc trưng văn hóa Việt Nam. Các ngành nghề thủ công truyền thống của Huế đã hình thành lâu đời, nguồn nguyên liệu và kỹ thuật nghề nghiệp đã đóng góp vào xây dựng kinh đô và sản xuất các hàng hóa phục vụ vương triều, đây chính là những tiền đề để phát triển sản xuất, cung ứng hàng lưu niệm trình diễn nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu du lịch.

“Với nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, phong phú, Huế đã và đang là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của Việt Nam, đặc biệt du lịch văn hóa- di sản là loại hình du lịch phát triển mạnh mẽ nhất, thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của du khách khi đến Huế...”, theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa cũng đạt được nhiều kết quả ở các lĩnh vực khác, với các LHP, các triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, hoạt động biểu diễn nghệ thuật tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa thu hút, tạo điểm đến hấp dẫn và kéo dài lưu trú của khách du lịch...

Phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa

Theo Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch Đầu tư) tổ chức thu thập số liệu thống kê ngành điện ảnh; thu thập bước đầu số liệu thống kê các ngành nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa và quảng cáo. Theo đó, về điện ảnh, năm 2018, doanh thu ngành điện ảnh đạt 3.353 tỉ đồng (tương đương 145 triệu USD), dự báo đến năm 2020 có thể đạt mức 150 triệu USD như mục tiêu đề ra tại Chiến lược.

Bên cạnh những thuận lợi, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng cũng nêu rõ một số khó khăn, hạn chế như công tác triển khai, thực hiện Chiến lược đang trong giai đoạn truyền thông, nâng cao nhận thức của các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân về công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế- xã hội. Sự quan tâm của các Bộ, ngành và địa phương còn hạn chế, chưa tạo được bước đột phá.

Công tác cụ thể hóa chính sách, pháp luật gắn với phát triển công nghiệp văn hóa chưa tạo ra được cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư, huy động xã hội hóa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Việc xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê đánh giá sự đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa đối với nền kinh tế quốc dân chưa được luật hóa, nên khi tổ chức điều tra thống kê gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, còn thiếu chính sách và các quy định về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa.

Từ tình hình thực tế này, một số giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới được nêu gồm: tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển kinh tế- xã hội. Tuyên truyền, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng.

Tập trung rà soát, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút đầu tư. Xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê cho các ngành công nghiệp văn hóa, tiến tới luật hóa công tác điều tra thống kê quốc dân hằng năm.

Được lưu ý là giải pháp phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa. Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa. Phát triển thị trường, từng bước hình thành cộng đồng người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa trong nước thông qua hoạt động quảng bá, nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của công chúng.

Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế tại Việt Nam, khu vực và thế giới, thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật, được đông đảo công chúng quan tâm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, mở rộng giao lưu trao đổi văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới; xây dựng và phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài.

 PHƯƠNG HÀ

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top