Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Phải làm cho người dân thấy di sản chính là “chén cơm, manh áo” của mình

Thứ Hai 10/06/2019 | 19:44 GMT+7

VHO-Phá bỏ di sản kiến trúc đô thị chính là tự đập vào chén cơm của cư dân địa phương, tự đánh mất giá trị sinh lợi hiếm có của nhà tư, doanh nghiệp. Bởi di sản chính là nguồn lực nội sinh mang đến giá trị kinh tế cho nhiều lĩnh vực, trong đó có cả giá trị của bất động sản. Nhận định trên được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại hội thảo “Bảo tồn và phát triển di sản kiến trúc trong đô thị hiện đại” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 10.6 tại TP.HCM.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu về di sản, đô thị… cùng phân tích về thực trạng di sản kiến trúc đô thị và đề xuất giải pháp cho bài toán hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Theo TS Nguyễn Thị Hậu, giá trị của di sản không phải đến trực tiếp bằng “tiền tươi, thóc thật”, mà đi đường vòng qua nhiều lĩnh vực. Vì thế, khi đánh giá và lựa chọn đầu tư dự án, nhà đầu tư nên hướng đến giá di sản của công trình, bởi chính giá trị kiến trúc của công trình mới làm nên giá trị của khu đất đó. Bảo tồn giá trị của di sản đô thị chính là để nhận diện bản sắc của một đô thị.
TS Nguyên Hạnh Nguyên, Trường Đại học Kiến trúc TP. HCM cho rằng, giá trị của một khu đất có công trình di sản bao giờ cũng luôn cao hơn giá trị của những khu đất bên cạnh không có công trình di sản. Vì thế, di sản không bao giờ là nhân tố cản trở sự phát triển, mà luôn là nguồn lực cho sự sáng tạo và phát triển của đô thị giàu bản sắc. Thế nhưng, một khi người ta không muốn bảo vệ công trình di sản thì đi tìm nhiều lý do để phá bỏ, nhưng nếu muốn gìn giữ thì kiểu gì cũng sẽ tìm ra được giải pháp bảo tồn. Đáng buồn hơn, quyết định của chính quyền có nơi phụ thuộc vào chủ đầu tư của dự án. Vì thế mà có quá nhiều di sản kiến trúc bị phá hủy, bản sắc đô thị cũng dần phai nhạt. TS Nguyên khẳng định, ngành nào cũng được hưởng lợi từ di sản, vì thế khi quy hoạch đô thị phải có tư duy đa ngành, nhưng thực tế chưa bao giờ có quy hoạch riêng về di sản đô thị.

Các đại biểu chia sẻ tại hội thảo

Cùng quan điểm, kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp nhìn nhận, đối với TP. HCM, nếu bảo tồn tốt khu trung tâm thành phố thì giá trị và sức hút bất động sản sẽ rất lớn. Bởi di sản mang lại giá trị còn to lớn hơn cả bất động sản, và với một khu đất có công trình di sản, nếu chủ đầu tư muốn bảo tồn và phát triển thì giới kiến trúc sư hiện nay vẫn “binh” được giải pháp bảo vệ, gìn giữ và phát huy. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng coi trọng điều này, khiến không ít công trình kiến trúc cổ trên địa bàn thành phố bị phá bỏ, thay vào đó là những công trình cao tầng hộp kính. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chưa có quy hoạch cụ thể bảo tồn di sản đô thị, công trình kiến trúc chưa được nhìn nhận sâu ở góc độ văn hóa và lịch sử…
Chia sẻ tại hội thảo, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phuc Khang Corporation cho biết, hiểu được giá trị kinh tế mà di sản mang đến cho các dự án bất động sản, Phuc Khang Corporation đã lựa chọn ứng dụng mô hình “công trình xanh” để phát triển các dự án bất động sản hài hòa với những công trình di sản trong khu vực. Đây cũng là giải pháp hướng đến gìn giữ bản sắc đô thị, biến bất động sản thành di sản, tích hợp giữa quá khứ và hiện đại vào công trình mới để gìn giữ các giá trị lịch sử và văn hóa. Bà Mẫu khẳng định, phát triển dự án theo mô hình “công trình xanh” dù chi phí tăng cao nhưng nhà đầu tư không hề bị thua lỗ, ngược lại tỉ suất lợi nhuận rất tốt. Theo bà Mẫu, phát triển công trình xanh là xu hướng toàn cầu, được đánh giá là giải pháp để giải bài toán hài hòa giữa phát triển và bảo tồn trong đô thị hiện đại.

Gìn giữ công trình di sản làm tăng thêm giá trị của bất động sản

PGS.TS, kiến trúc sư Trần Văn Khải – giảng viên bộ môn Bảo tồn di sản tại TP. HCM nhấn mạnh, thật sai lầm khi có quan điểm cho rằng bảo tồn công trình di sản gây cản trở sự phát triển. Đây là quan điểm không biết tận dụng và phát huy giá trị của công trình di sản. Vì mục tiêu cuối cùng của bảo tồn là mang đến những lợi ích kinh tế bền vững. “Nhìn du khách ùn ùn kéo đến những đô thị di sản trên thế giới, thấy mà ham”, kiến trúc sư Khải nói. Theo đó, công trình di sản phải được bảo tồn như một vật thể “sống”, để tạo ra khả năng tự duy trì sự tồn tại của di sản đó. Không nhất thiết phải khôi phục nguyên công năng cũ, hết sức tránh bảo tồn công trình theo kiểu “mặt tiền giả” kém sức sống. Cũng theo kiến trúc sư Trần Văn Khải, để giải bài toán biến bảo tồn thành nguồn lực cho sự phát triển, trong quy hoạch sử dụng đất phải tính đến khu vực bảo tồn, đồng thời có chính sách về thuế và đầu tư hạ tầng cơ sở phù hợp với khu vực được quy hoạch bảo tồn. Bảo vệ di sản thực chất là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân sinh sống trong vùng di sản đó. Do vậy, phải làm cho cộng đồng địa phương nhìn thấy được di sản chính là “chén cơm, manh áo” của mình.

HOÀNG HẢI

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top