Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Ấn Độ: Lễ hội Kumbh Mela gây nhiều tranh cãi

Thứ Sáu 15/02/2019 | 10:10 GMT+7

VHO- Cứ sáu năm một lần, hàng chục triệu người Ấn Độ lại đổ về thành phố Prayagraj thuộc khu vực phía bắc nước này để cùng ngâm mình trong dòng sông Hằng tại lễ hội Kumbh Mela, lễ hội truyền thống với mức ngân sách gây tranh cãi.

 Những tấm biển quảng cáo mang hình ảnh Thủ tướng Nerendra Modi tại lễ hội Kumbh Mela Ảnh: Bryan Denton / The New York Times

Một lễ hội hoành tráng

Năm nay lễ hội bắt đầu từ ngày 12.2, thời gian diễn ra lễ hội Kumbh Mela cũng trùng với thời điểm diễn ra cuộc bầu cử quốc gia. The New York Times coi đây là một cơ hội để Thủ tướng Nerendra Modi sử dụng nhân rộng tầm ảnh hưởng của mình. Theo truyền thông quốc tế, thay vì được tổ chức 12 năm một lần như truyền thống từ nhiều năm trước, người Ấn Độ bắt đầu cho tổ chức Kumbh Mela theo chu kỳ 6 năm một lần. Chính quyền của Thủ tướng Modi cũng biến đây trở thành lễ hội lớn, xa hoa và tốn kém bậc nhất trong lịch sử Ấn Độ. Theo The New York Times, Kumbh Mela đã bị các chính trị gia sử dụng như một công cụ để làm bàn đạp chính trị cũng như hướng sự chú ý của dư luận nước này ra khỏi những rắc rối ngày càng tăng.

Điều này trước hết thể hiện ở số lượng biển quảng cáo với hình ảnh của Thủ tướng Nerendra Modi cùng giới chức dưới quyền là Yogi Adityanath. Ông Nerendra Modi cũng đầu tư một màn hình LED nói về chiến dịch Clean India của mình. Tại Ấn Độ, chính trị và tôn giáo thường là hai yếu tố không thể tách rời, đặc biệt là đối với khối dân tộc theo đạo Hindu của Thủ tướng Modi, Đảng Bharatiya Hanata. Với khoản ngân sách đầu tư lên tới 600 triệu USD, trong khuôn khổ lễ hội còn có 9 cầu vượt đường cao tốc mới, 22 cầu phao, 150 dặm đường bộ, 20.000 thùng rác, 40.000 đèn LED, 122.500 nhà vệ sinh và một nhà ga sân bay mới được khánh thành.

Tại lễ hội năm nay, dự kiến sẽ có hơn 120 triệu tín đồ Ấn Độ giáo cũng như khách du lịch sẽ ghé thăm thành phố Prayagraj trong vài tuần. Trong những ngày diễn ra lễ hội, vào một buổi sáng trên những bậc đá, các tu sĩ sẽ tiến hành nghi lễ cúng tế dòng sông Hằng, một biểu tượng của nền văn hóa Ấn Độ. Sau đó, các tính đồ của Ấn Độ giáo sẽ hòa mình vào dòng sông với đức tin sẽ gột rửa hết mọi tội lỗi và những mong ước được thực hiện trong tương lai. Bên cạnh đó, lễ hội Kumbh Mela cũng được xem như một nghi thức có ý nghĩa đem lại hòa bình đối với người dân Ấn Độ.

 Hàng chục triệu người Ấn Độ sẽ hành hương về Prayagraj và trầm mình vào dòng sông Hằng với đức tin sẽ rửa sạch tội lỗi Ảnh: Bryan Denton / The New York Times

Với mức chi tiêu lớn, lễ hội năm nay được nhận định là sạch sẽ và có tổ chức tốt hơn. Giao thông thuận lợi, đường phố ít rác thải, không có người ăn xin trên phố, thậm chí, chính phủ Ấn Độ còn đầu tư cả những phòng thay quần áo công cộng dành riêng cho phụ nữ. Nhiều tháng trước khi diễn ra lễ hội, để đảm bảo sông Hằng sạch nhất có thể với lưu lượng xe bus và tàu điện khổng lồ, ông Adityanath đã tiến hành thanh tra các cơ sở thuộc da nằm dọc dòng sông Hằng thuộc địa phận Prayagraj, nơi diễn ra lễ hội. Đây vốn được coi là một trong những ngành công nghiệp lớn và gây nhiều ô nhiễm nhất đối với biểu tượng văn hóa của nước này. Trước đó, ông Adityanath đã lệnh đóng cửa toàn bộ các xưởng thuộc da trong vòng ba tháng. Một số chủ sở hữu các doanh nghiệp này thậm chí đã phải đối mặt với các phiên điều trần tại tòa án khi mở của trái phép các cơ sở của mình.

Những ý kiến trái chiều

Người dân Ấn Độ và các tín đồ của đạo Hindu tỏ ra vô cùng hài lòng với công tác tổ chức của mùa lễ hội năm nay. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo phe đối lập đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều cho rằng chính phủ nước này không nên dành quá nhiều ngân sách đầu tư cho một lễ hội đến từ một tôn giáo duy nhất mà bỏ qua các cộng đồng khác cũng đang sinh sống và làm việc tại Ấn Độ. Sudhindra Bhadoria, người phát ngôn của Đảng Bahujan Samaj cho biết: “Chúng tôi là một nhà nước thống nhất và cần phải duy trì sự thống nhất đó. Tại sao có thể đầu tư quá nhiều tiền thuế của người dân một cách vô lý như vậy?”. Ngay sau đó, các giới chức dưới quyền ông Adityanath đã bác bỏ các cáo buộc lạm dụng ngân sách quốc gia của các chính trị gia đảng phái đối lập. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng đây là một sự lãng phí không đáng có.

Daswanti Patel, người hành hương nghèo đến từ một ngôi làng lân cận Prayagraj tỏ ra vô cùng bất ngờ trước quy mô hoành tráng của lễ hội Kumbh Mela năm nay khi chứng kiến hàng loạt biển quảng cáo video cùng đèn LED sáng loáng và nước sạch miễn phí. Tất cả chỉ cách nơi cô ở - ngôi nhà dựng tạm với cỏ khô cùng vài tấm chăn lưới cũ kĩ khoảng vài giờ xe chạy. Cô cho biết: “Chúng tôi không thấy bất kỳ khoản đầu tư nào tương tự thế này được sử dụng trong khu vực của mình. Trở về nhà, chúng tôi sẽ sống trong những ngôi nhà làm từ bùn và cỏ khô”. 

 THỤC LINH

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top