Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Công tác đối ngoại của Bác Hồ những tháng đầu năm Kỷ Hợi 1959

Thứ Tư 30/01/2019 | 09:53 GMT+7

VHO- Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã sáng lập nền ngoại giao Việt Nam hiện đại và là nhà ngoại giao kiệt xuất của nước ta trong thế kỷ XX. Cách đây 60 năm, trong hai tháng đầu năm 1959, Người đã có hàng loạt hoạt động đối ngoại nhằm tập hợp lực lượng quốc tế đông đảo và mạnh mẽ ủng hộ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và thống nhất đất nước. 

 Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô ngày 29.1.1959 

 Hoạt động đối ngoại ở trong nước 
Nhân Tết Dương lịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp các vị đại sứ, đại biện lâm thời, lãnh sự và đại diện một số nước đang có mặt tại Hà Nội tới chúc Tết Người. Thay mặt Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Người chúc Tết các vị khách nước ngoài và mong muốn rằng, sang năm mới, tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước bạn trên thế giới sẽ được đẩy mạnh, thắt chặt hơn. Trong hai tháng đầu năm, Người còn tiếp Đoàn đại biểu Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức do Thủ tướng Ốttô Grốttơvôn dẫn đầu sang thăm Việt Nam; tiếp Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Angiêri; tiếp Đoàn kinh tế Liên Xô sang trao đổi với Chính phủ Việt Nam về việc Liên Xô giúp đỡ Việt Nam xây dựng một số xí nghiệp và Trường đại học Bách khoa Hà Nội; tiếp Đoàn đại biểu báo chí Indonesia sang thăm Việt Nam; tiếp Đoàn triển lãm nông khẩn Trung Quốc, Đoàn đại biểu văn hóa Trung Quốc, Đoàn Việt kịch Trung Quốc sang thăm và biểu diễn ở Việt Nam, đoàn phi công Trung Quốc đưa Người từ Bắc Kinh về Hà Nội sau khi dự Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô ở Moskva,… 
Trong hai tháng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một số bài báo về công tác đối ngoại. Đó là các bài “Tình hữu nghị vô sản thắng lợi” gửi cho báo Tin tức (Liên Xô), số đặc biệt về nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ca ngợi tình hữu nghị chiến đấu giữa nhân dân Liên Xô và nhân dân Việt Nam. Người viết: “Trung thành với chủ nghĩa xã hội, với giai cấp vô sản thế giới, chúng tôi luôn luôn cố gắng đóng góp phần cống hiến nhỏ của mình vào sự nghiệp củng cố và tăng cường sự đoàn kết nhất trí không gì phá vỡ nổi của đại gia đình các nước xã hội chủ nghĩa chúng ta"(1). Người cũng trả lời phỏng vấn của phóng viên Hãng Thông tấn Mỹ UPI ở Tokyo (Nhật Bản). Người khẳng định: “Chúng tôi luôn luôn tin chắc rằng nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất, thời gian càng đi tới, sự tin chắc ấy càng nhiều”(2). Trong bài viết “1959”, ký bút danh T.L (báo Nhân Dân, số 1774), Người tổng kết những thành tựu quan trọng của các nước xã hội chủ nghĩa trong năm 1958. Người khẳng định hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đang ngày càng phát triển lớn mạnh, trong khi sản xuất ở các nước tư bản đang lâm vào khủng hoảng trì trệ, chính trị mất ổn định thường xuyên. 
Trong khoảng thời gian này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện mừng kỷ niệm ngày sinh lần thứ 83 của Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Đức Vinhem Pích, điện mừng Tổng thống Gaman Ápđen Nátxe nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh nước Cộng hòa Arập thống nhất, điện chúc mừng Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô N. Khơrútsốp nhân sự kiện Liên Xô phóng thành công tên lửa vũ trụ đầu tiên của Trái đất, điện chúc mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 78 ngày sinh Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô K.E. Vôrôsilốp, điện mừng tới Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ Ragiăngđra Praxát nhân dịp Kỷ niệm lần thứ chín ngày thành lập nước Cộng hòa Ấn Độ. Trong bức điện mừng tới Tổng thống nước Cộng hòa Ấn Độ, Người viết: “Kính chúc nhân dân Ấn Độ anh em ngày càng giàu mạnh. Kính chúc tình hữu nghị giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Cộng hòa Ấn Độ ngày càng phát triển và củng cố"(3). 
Những chuyến thăm nước ngoài 
Khoảng thời gian này nổi bật với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam lên đường đi dự Đại hội lần thứ 21 Đảng Cộng sản Liên Xô. Chiều ngày 29.1, tại phiên họp toàn thể của Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô, Người đã thay mặt đại biểu Đảng Lao động Việt Nam đọc Lời chào mừng Đại hội. Người đánh giá cao những thành công to lớn mà nhân dân Liên Xô đã đạt được và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự giúp đỡ của Liên Xô đối với Việt Nam trong việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn những vết thương chiến tranh, đồng thời nêu rõ những nhiệm vụ và mục tiêu phấn đấu của nhân dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Kết thúc Lời chào mừng, Người nói: “Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng Đại hội lần này của Đảng Cộng sản Liên Xô sẽ mở ra những bước tiến mới của Liên Xô trên con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản, đồng thời những nghị quyết của Đại hội sẽ là một nguồn cổ vũ to lớn thúc đẩy phong trào đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới tiến lên mạnh mẽ hơn nữa"(4). Ngày 3.2, Người cùng các vị trong Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam đến thăm Nhà máy đóng giày “Công xã Paris” ở Moskva. Nói chuyện thân mật với anh chị em công nhân, Người khẳng định: “Chúng tôi tin chắc rằng nhân dân Liên Xô anh dũng không những sẽ hoàn thành mà còn hoàn thành vượt mức Kế hoạch bảy năm"(5). Ngày 5.2, Người trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài phát thanh Moskva về kết quả Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô. Đề cập đến vai trò của Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô trong việc củng cố sự đoàn kết thống nhất của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Người nêu rõ: “Đại hội lần thứ XXI của Đảng Cộng sản Liên Xô có tác dụng rất lớn đối với việc củng cố sự đoàn kết thống nhất của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đại hội đã nêu rõ con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản, tăng cường hơn nữa quan hệ anh em và tình đoàn kết nhất trí giữa các đảng cộng sản và công nhân. Đại hội cũng nhất trí lên án nghiêm khắc chủ nghĩa xét lại. Chắc chắn rằng sau Đại hội lần thứ XXI của Đảng Cộng sản Liên Xô, phong trào cộng sản và phong trào xã hội chủ nghĩa cũng như lực lượng hòa bình sẽ củng cố và phát triển hơn bao giờ hết"(6). 
Ngày 9.2, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam đến Bắc Kinh, trên đường từ Liên Xô về nước. Ra sân bay đón Người có nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Tối ngày 10.2, tại Bắc Kinh, Người hội đàm với Chủ tịch Mao Trạch Đông. 
Ngày 26.2, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên đường đi thăm chính thức nước Cộng hòa Indonesia. Phát biểu trước cán bộ, đồng bào ra tiễn tại sân bay Gia Lâm, Người bày tỏ niềm phấn khởi được sang thăm Indonesia theo lời mời của Tổng thống A. Xucácnô và nói: “Chúng tôi sẽ thay mặt đồng bào ta mang tình hữu nghị thắm thiết đến với nhân dân Indonesia anh em. Chắc rằng lúc chúng tôi trở về sẽ đem theo món quà quí báu tức là tình hữu nghị của nhân dân Indonesia đối với nhân dân ta"(7). Buổi chiều cùng ngày, Người dừng chân ở Thủ đô Rănggun (Miến Điện). Tổng thống Miến Điện Uvin Môn và nhiều quan chức cao cấp trong Chính phủ đã ra sân bay đón chào và mời Người về nghỉ tại Dinh Tổng thống. Vào buổi tối, Người dự bữa cơm thân mật với Tổng thống Uvin Môn. 
Sáng ngày 27.2, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam rời Rănggun. Ra sân bay tiễn Người có Tổng thống và nhiều quan chức cao cấp của Chính phủ Miến Điện. Chiều cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đến Giacácta - Thủ đô nước Cộng hòa Indonesia. Tổng thống A. Xucácnô ra tận sân bay đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau diễn văn chào mừng của Tổng thống A. Xucácnô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời đáp từ tỏ ý vui mừng được tới thăm đất nước Indonesia. Thay mặt nhân dân Việt Nam, Người chuyển tới nhân dân Indonesia lời chào hữu nghị và tin tưởng rằng cuộc đi thăm lần này của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam sẽ củng cố hơn nữa tình hữu nghị giữa hai nước. Ngày 28.2, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiệt liệt ca ngợi tình hữu nghị chiến đấu giữa nhân dân hai nước trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa thực dân. Người nêu rõ: “Hai dân tộc Việt Nam và Indonesia đều có những giai đoạn lịch sử giống nhau, đã từng kiên quyết chiến đấu chống chủ nghĩa thực dân, đã cùng một lúc đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ"(8). 

Huế, ngày 22/12/2018 

 NGUYỄN VĂN TOÀN 
(1)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 302. 
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 308-309. 
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 312. 
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 318-321. 
(5) Báo Nhân dân, số 538, ngày 5-2-1959. 
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 326-328 
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 345. 
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr. 351. 

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top