Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

19 Tháng Ba 2024

Trung Quốc: Nhiều tội phạm lẩn trong đoàn người về quê đón Tết bị sa lưới nhờ...

Thứ Hai 28/01/2019 | 09:54 GMT+7

VHO- Theo ước tính, người Trung Quốc sẽ thực hiện khoảng 3 tỉ chuyến đi trong dịp nghỉ tết Nguyên đán năm nay. Từ nhiều tháng trước, nỗ lực chuẩn bị cho cuộc di cư thường niên này đã được tiến hành. Nhờ chiếc kính công nghệ cao, khoảng 7 tên tội phạm trà trộn vào các chuyến đi đã sa lưới, Cảnh sát Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, Trung Quốc cho biết.

Kính nhận biết các loại tội phạm

Nhận diện 10.000 khuôn mặt trong 100 mili giây

7 người bị bắt bị cáo buộc nhiều tội danh, trong đó có âm mưu đánh bom và buôn người. Cảnh sát cũng xác định được 26 người đang sử dụng chứng minh thư nhân dân giả. Công nghệ này cho phép cảnh sát chụp ảnh kẻ khả nghi, sau đó so sánh nó với hình ảnh trong cơ sở dữ liệu nội bộ. Nếu phát hiện trùng khớp, thông tin về danh tính và địa chỉ người khả nghi sẽ được gửi tới người đang sử dụng kính.

Kính này giống thiết bị thông minh Google Glass, do công ty phát triển LLVision Technology chế tạo. Thiết bị có khả năng nhận diện 10.000 khuôn mặt trong 100 mili giây. Mọi loại tội phạm, từ người vi phạm giao thông tới tội phạm hình sự như buôn bán người đều có thể bị phát hiện. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Wu Fei của công ty trên nói với Wall Street Journal rằng trong thế giới thực, tính chính xác có thể sẽ giảm do “độ nhiễu của môi trường”. Hệ thống dữ liệu cho các thiết bị nhận dạng này được chứa trong một máy cầm tay chứ không phải trên đám mây như các máy nhận dạng khác trên thị trường.

Hiện tại, Trung Quốc dường như là quốc gia đầu tiên sử dụng chiếc kính để nhận diện khuôn mặt một cách rộng rãi. Trước đó, người ta chỉ có thể nhìn thấy thiết bị này trong các bộ phim điện ảnh viễn tưởng. Trong vài năm trở lại đây, nhiều công ty công nghệ đã thử nghiệm các thiết bị tương tự nhưng chúng chưa thực sự góp mặt thường xuyên trong đời sống. Quốc gia này đang xây dựng cái gọi là “mạng lưới giám sát bằng camera lớn nhất thế giới”. Ước tính khoảng 170 triệu máy quay an ninh được lắp đặt và khoảng 400 triệu máy mới sẽ được lắp trong ba năm tới. Những máy quay này đều sử dụng trí thông minh nhân tạo, trong đó có công nghệ nhận dạng gương mặt. Chính quyền thường xuyên cảnh báo người dân rằng, những thiết bị như thế sẽ khiến tên tội phạm không thể lẩn trốn chính quyền.

Tại Trung Quốc, người dân phải trình giấy tờ tùy thân để được phép lên tàu. Quy định này giúp ngăn chặn một số trường hợp bị hạn chế di chuyển. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên nhà chức trách Trung Quốc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt này để phát hiện các đối tượng tình nghi. Hiện tại, Bắc Kinh đang phát triển một hệ thống giúp nhận dạng 1,3 tỉ cư dân nước này trong vòng 3 giây.

Vượt mặt phương Tây

Các chuyên gia nước ngoài nhận xét Trung Quốc đang vượt mặt các nước phương Tây trong công nghệ giám sát thông qua nhận diện khuôn mặt. Đó là bởi vì luật pháp Trung Quốc bảo vệ rất hạn chế quyền riêng tư cá nhân và sử dụng hình ảnh, dấu vân tay hay các chi tiết cá nhân khác đã trở thành thói quen của người dân Trung Quốc.

Điều này dẫn tới một suy đoán khác rằng thông qua điện thoại thông minh có yêu cầu bảo mật bằng dấu vân tay hay mống mắt, chính quyền Bắc Kinh đã bí mật xây dựng kho dữ liệu cho hệ sinh thái giám sát. Trung Quốc từ lâu đã xây dựng được kho dữ liệu này và đang ráo riết kết thúc nó tại các khu vực bất ổn tiềm tàng như Tân Cương. Một quan chức cảnh sát Tân Cương khi đó xác nhận đang mua lô thiết bị trị giá hơn 8 triệu USD để phục vụ cho chiến dịch trên. Một tài liệu chính thức của chính quyền Tân Cương xác nhận sự tồn tại của chương trình thu thập ADN các công dân từ 12 đến 65 tuổi ở vùng này, nhằm mục đích xác minh và thống kê chính xác dân số Tân Cương.

Những thông tin thu thập được sẽ được kết hợp với sổ hộ khẩu - một chương trình quản lý con người đang gây tranh cãi và ngày càng lộ ra nhiều bất cập tại Trung Quốc, để tạo thành một cơ sở dữ liệu toàn diện. Cảnh sát sẽ chịu trách nhiệm chụp ảnh, thu thập dấu vân tay, quét mống mắt và các thông tin về địa chỉ cư trú, nhân khẩu. Các cơ quan y tế địa phương sẽ đảm nhiệm việc thu thập ADN và nhóm máu như là một phần trong chương trình “Y tế cho tất cả”. Hiện tại, Trung Quốc đang căng mình đảm bảo an ninh cho cuộc di dân thường niên lớn nhất năm, khi hàng trăm triệu người sẽ rời các thành phố lớn để về quê đón Tết.

Một trong những đối tượng gặp vấn đề với công nghệ nhận diện khuôn mặt là những cá nhân có dư nợ lớn, hay thuộc các dân tộc thiểu số với hạn chế về giấy tờ tùy thân chính thống. “Các nhà chức trách Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể đạt được ổn định xã hội bằng cách đặt công dân dưới mắt kính hiển vi, nhưng các chương trình phân biệt đối xử nói trên sẽ làm tăng thêm thái độ chống đối với chính phủ”, Sophie Richardson, Giám đốc phụ trách Trung Quốc của tổ chức Human Rights Watch chia sẻ. 

 NGUYỄN HƯNG

Print

Danh mục tin bài

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top