Di tích Chăm Phong Lệ 10 năm sau khai quật: “Cần thận trọng khi ứng xử với di sản của tiền nhân”

VHO - Sau 10 năm khai quật, hiện nay di tích Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) vẫn nằm ngoài trời do dự án Bảo tàng điêu khắc Chăm cơ sở 2 vướng về thủ tục đầu tư, chậm tiến độ.

Với những giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, năm 2020, di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ được xếp hạng Di tích cấp thành phố, khu vực khoanh vùng bảo vệ I diện tích 2.653m2. Tại kỳ họp 11 (chuyên đề) HĐND TP Đà Nẵng khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua tờ trình của UBND TP Đà Nẵng về chủ trương đầu tư Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 tại di tích Chăm Phong Lệ. Dự án giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 140 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2023 - 2027. 

Tuy nhiên cho đến nay, việc chậm thực hiện dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 khiến người dân địa phương bức xúc, người dân khu vực này cho rằng thành phố khai quật di tích rồi không có cách quản lý, bảo quản suốt cả một thời gian dài đã làm ảnh hưởng đến tâm linh cộng đồng dân cư. Phản ánh nguyện vọng của người dân và trách nhiệm của ngành văn hóa, cùng các ban ngành liên quan trong việc bảo vệ di tích Chăm Phong Lệ, tại kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng khóa X, đại biểu Đoàn Xuân Hiếu đã đề nghị làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ và giải pháp thúc đẩy nhanh tiến độ dự án này.

Di tích Chăm Phong Lệ 10 năm sau khai quật: “Cần thận trọng khi ứng xử với di sản của tiền nhân” - Anh 1

 Di tích Chăm Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) đang bị ảnh hưởng bởi thời tiết trong thời gian dài

Tương tự, đại biểu Đinh Vui bày tỏ sự lo lắng vì di tích bị xuống cấp do chịu tác động của thời tiết trong thời gian quá dài: “Khi trình chủ trương đầu tư phải đi kèm các phương án thi tuyển kiến trúc để triển khai thực hiện đồng bộ, nhưng đến nay dự án chưa chọn, chưa quyết định được thời gian thi tuyển kiến trúc và hàng loạt nhiệm vụ tiếp theo khiến bà con rất bức xúc. Bảo tồn di tích nhưng nếu không làm đồng bộ thì di tích chắc chắn sẽ bị xuống cấp, mai một”. 

Đầu tháng 12. 2023, quận Cẩm Lệ, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình Dân dụng và Công nghiệp Đà Nẵng (BQL DD CN), UBND phường Hòa Thọ Đông đã thực địa kiểm tra di tích Chăm Phong Lệ. Tại buổi kiểm tra, lãnh đạo quận Cẩm Lệ cũng yêu cầu BQL DDCN cùng các sở ban ngành liên quan sớm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, bởi vì công trình đã khai quật hơn 10 năm nay và đang chịu tác động tiêu cực bởi yếu tố thời tiết. Tình trạng di tích để phơi mưa phơi nắng cũng khiến bà con địa phương bức xúc. 

Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, ông Bùi Văn Tiếng cho rằng “cần hết sức thận trọng khi ứng xử với di sản của tiền nhân”: “Mặc dầu cũng rất sốt ruột trước "công trình mười năm” nhưng mọi sự thận trọng trong quá trình ứng xử với di sản của tiền nhân đều không thừa, từ việc nghiên cứu để “ra đề bài” cho các nhà thiết kế kiến trúc, cho đến việc thi công, chậm, mà chắc để có thể không làm phương hại di sản dưới lòng đất nếu tiếp tục phát lộ qua thi công. 

Việc phản ánh tình trạng chậm trễ trong triển khai dự án tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng vừa qua đã thể hiện sự quan tâm của dư luận đối với di tích Chăm Phong Lệ và Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở II. Rõ ràng nếu đẩy nhanh được tiến độ triển khai dự án này, thành phố sẽ sớm có thêm một tài nguyên văn hoá phục vụ cho tham quan du lịch đường thuỷ và quan trọng hơn là sớm bảo tồn bền vững và phát huy hiệu quả di tích Chăm Phong Lệ. Ngành văn hoá thành phố Đà Nẵng trong mười năm cũng đã nỗ lực, từ việc phối hợp với các chuyên gia khảo cổ học để đưa di tích Chăm Phong Lệ ra khỏi sự lãng quên, cho đến việc xây dựng tại đây dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở II đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thậm chí đã được điều chỉnh vào đầu năm 2023”, ông Tiếng đánh giá.

Cũng theo ông Bùi Văn Tiếng, còn rất nhiều việc phải làm để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án này, trong đó có việc tổ chức cuộc thi thiết kế kiến trúc toà nhà chính của Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở II hiện nay chưa có được mẫu thiết kế kiến trúc phù hợp, chưa thể khởi công xây dựng cơ sở thứ hai của Bảo tàng.

"Chủ đầu tư mới là Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng cần kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng, trong đó có Sở Văn hoá và Thể thao, để sớm tổ chức cuộc thi này. Trong quá trình thi công sau khi chọn được mẫu thiết kế phù hợp, cần hết sức thận trọng khi đào nền móng toà nhà, bởi lòng đất nơi đây có thể còn phát lộ một số cổ vật có khi còn giá trị hơn những cổ vật đã phát lộ qua các cuộc khai quật khảo cổ học 10 năm trước", ông Tiếng đề nghị.

Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ được phát lộ và thực hiện khai quật khảo cổ lần đầu tiên vào năm 2012. Qua các đợt khảo cổ tiếp theo cho thấy tại đây từng tồn tại các công trình kiến trúc Chăm pa quy mô lớn. Đây là di tích tiêu biểu trong các di tích Chăm tại Đà Nẵng, trong đó có một ngôi tháp còn lại phần cấu trúc lòng tháp dưới mặt đất (hố thiêng) lần đầu tiên được khám phá, nghiên cứu. Ngoài ra trong khuôn viên khu di tích còn có Miếu Bà (di tích thời vua Tự Đức năm 1862). Với những giá trị lớn về di sản kiến trúc và tín ngưỡng dân gian đặc biệt, di tích Chăm Phong Lệ cần được quan tâm nhiều hơn nữa, để vừa giữ gìn đời sống tâm linh của người dân địa phương, vừa để bảo vệ di sản kiến trúc đặc biệt trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc