Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối bây giờ ra sao?

VHO - Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) bây giờ ra sao sau hơn ba năm được giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa, khảo cổ vào cuộc khai quật, kiến nghị với cấp thẩm quyền và đặc biệt được báo chí, truyền thông đưa tin rầm rộ, dày đặc? Trở lại Vườn Chuối lần này nhiều người không thể nhận ra mấy hố khai quật mà ở đó có những địa tầng văn hóa, những khu mộ táng của người Việt cổ cách nay hơn 3 nghìn năm. Dường như tất cả đã “biến mất”...

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối bây giờ ra sao? - Anh 1

 Là người dân Lai Xá, ông Thắng cho rằng, cứ theo thiết kế cũ thì dự án đường 3.5 sẽ cắt sâu vào di chỉ Vườn Chuối. Ông Thắng chỉ tay về nơi còn sót lại của di chỉ

 Trung tuần tháng 8 chúng tôi tìm về thôn Lai Xá nổi tiếng với cái nôi nghề nhiếp ảnh Việt Nam để lần tìm những hố thám sát, khai quật tại di chỉ Vườn Chuối, nơi được các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, khảo cổ đã cố công lật tìm trong lòng đất, phát hiện biết bao nhiêu di vật, hiện vật, mộ táng của người Việt cổ có niên đại cách nay hơn 3 nghìn năm, và được đánh giá “đây là di tích siêu quý hiếm của Hà Nội về thời kỳ tiền Hùng Vương và Hùng Vương”.

1 Từ quốc lộ 32 rẽ vào dự án đại công trường đường vành đai 3.5 với những cột điện cao thế chạy thẳng giữa tim đường, xung quanh ba bề bốn bên là cao ốc, công xưởng và ruộng vườn. Men theo con đường đang còn dang dở này chúng tôi cố gắng nhớ lại di chỉ Vườn Chuối được phát hiện lần đầu năm 1969 và mới được thám sát, khai quật gần nhất năm 2019, 2020 với ít nhất 6 hố thám sát, khảo cổ, hiện nằm ở vị trí nào, hiện trạng ra sao. Nhưng dường như tất cả chìm vào dĩ vãng, trên mặt đất chỉ cách đây mới gần tròn ba năm thôi là những hố khai quật chứa đựng trong đó là nơi cư trú, mộ táng với hàng ngàn di vật, hiện vật, thì nay là cống thoát nước, những ụ đất cao hơn đầu người, những hồ, ao, vườn tược…

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối bây giờ ra sao? - Anh 2

 Nhiều hố khai quật khảo cổ tại Vườn Chuối hiện đã “biến mất”, nay chỉ còn ảnh tư liệu

Chúng tôi phải chạy đi chạy lại khắp vùng công trường khu chung cư Kim Chung - Di Trạch đang hình thành, hỏi hết người này đến người khác, nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời chung chung, rồi chỉ tay về phía này, phía kia. Giữa buổi chiều nắng oi gắt, chúng tôi buộc phải định thần lại một lần nữa, rằng năm 2019 rồi đến năm 2020, hai cuộc khai quật khảo cổ liền nhau tại Vườn Chuối, mở đến 6 hố khai quật với hàng trăm mét vuông, người viết đã cùng với nhiều đồng nghiệp đến quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn ngay tại hiện trường, lẽ nào có thể quên được vị trí. Lục lại trí nhớ, mở lại hình ảnh tư liệu để đối chiếu với hiện trường hiện nay cũng không thể nào xác định được các hố khai quật cách đây 3 năm nằm ở địa điểm nào. Nó đã vùi lấp, cây cỏ mọc um, che khuất rồi sao? Đi lên phía trên đoạn nằm giữa đường vành đai 3.5 đang được thi công, chúng tôi dò hỏi công nhân đang trộn bê tông, rằng chỗ nào đang bị ách tắc vì không giải tỏa được mặt bằng do vướng đến mộ cổ. Anh công nhân giọng miền Trung chỉ tay hướng về cột điện cao thế màu xanh da trời phía gần đường quốc lộ 32, nói: “Chỉ biết chỗ ấy đang bị ách tắc thôi, hình như mấy năm trước người ta đào gì ở đó, nên bị cấm”.

Theo chỉ dẫn chúng tôi tìm về đúng với vị trí ban đầu. Đứng giữa tim đường vành đai 3.5, một bên là trạm trộn bê tông với cơ man núi cát, đá, thấp xuống chút nữa là hộp cống bê tông thoát nước đã được lắp đặt xong. Một bên, xe ủi vừa cào xúc đổ đất tạo thành vách tường dựng đứng. Gần đó có hai ngôi mộ, nghe nói của một dòng họ nào đó chưa được giải phóng. Chếch về phía Tây cũng có hai ngôi mộ lớn, được xây dựng bằng đá gạch. Hướng Bắc là vườn cây của dân đang bị trũng nước. Không lẽ Vườn Chuối cách đây ba năm là đây, vì tìm kiếm xung quanh, chúng tôi không hề phát hiện được hố khai quật nào. Chẳng lẽ không gian cổ xưa cách nay hơn 3 nghìn năm về trước thuộc giai đoạn tiền Đông Sơn và Đông Sơn được các nhà khảo cổ học dựng lên từ lòng đất, là địa bàn quần cư, sinh hoạt của người Việt cổ lại “biến mất” một cách chóng vánh như vậy. Không còn cách nào khác, chúng tôi đành trở lại làng Lai Xá, tìm đến những người cao tuổi, họa may họ sẽ “chỉ điểm” cho hố khai quật di chỉ Vườn Chuối.

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối bây giờ ra sao? - Anh 3

Theo sự chỉ dẫn của ông Thắng, nhiều hố khai quật đã bị san ủi “mất dạng” để nhường cho dự án đường 3.5

2 Dân ở đó giới thiệu đến gặp ông Nhật, trưởng thôn Lai Xá. Gõ cửa nhà, vọng ra tiếng nói ông Nhật đi họp ở xã chưa về, “muốn biết rõ Vườn Chuối, rẽ mấy nhà đến nhà ông Quang, nguyên trưởng thôn”. Khi gặp, ông Quang lại chỉ, “cái này nên hỏi ông Nguyễn Văn Thắng, nguyên trưởng thôn, hiện là Chủ nhiệm CLB nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh Lai Xá, là cụ thể nhất”. Sau vài câu giới thiệu, ông Thắng mời vào nhà, rồi nói ngay: “Lâu rồi tôi không để ý nữa, vả lại cũng không ra chỗ khai quật năm ấy nên không biết là còn nhớ không”.

Như thông cảm với mong muốn của chúng tôi, ông cùng lên xe ra khu vực di chỉ khảo cổ Vườn Chuối. Từ nhà ra đến Vườn Chuối chỉ mươi phút trên đoạn đường lầy lội bùn đất. Đã 75 tuổi, bước đi đã yếu, chúng tôi cầm tay dìu ông qua từng núi đất vừa được máy xúc đắp đổ lên, xuống đến công trường đường vành đai 3.5. Ông cứ đi lại khoảnh đó, mắt hướng về xa. “Nhờ ông chỉ giúp nơi khai quật khảo cổ năm 2019, 2020. Được biết ông là người trong làng Lai Xá theo dõi sát nhất việc đào khảo cổ, vả lại chụp rất nhiều ảnh tư liệu nên ông sẽ rất nhớ vị trí”, chúng tôi ướm nhờ. Bao quát xung quanh một lúc, ông lắc đầu, “không thể tìm ra được nữa, hiện trạng đã thay đổi quá nhiều rồi. Nhìn mà buồn quá. Tôi không thể tin chỉ sau mấy năm mà nó thay đổi đến thế. Mất hết rồi”.

Nói xong ông đề nghị dắt dìu lên đồi cát phía bên kia đường để có tầm mắt quan sát. Rồi lại đi xuống dọc theo hộp cống bê tông thoát nước. Thoắt ông dừng lại, “đây rồi. Kia là mộ tổ của dòng họ Lương, họ Phạm, nên khu khai quật chắc chắn là chỗ này”. Ông chỉ tay về phía xe máy ủi vừa đi qua: “Năm 2019, đây là một hố khai quật, phát hiện được mộ táng. Chỗ kia nữa cũng là một hố khai quật, giờ nó đã bị cống hộp bê tông đè lên rồi. Chính tại nơi tôi đứng cũng là hố khai quật tìm thấy được tro bếp, mảnh gốm… Tôi có ảnh tư liệu, sẽ chuyển gửi các anh đối chiếu”, ông thở dài rồi lấy điện thoại chụp lia lịa. Đảo quanh một vòng khu Vườn Chuối sang gò Dền Rắn, gò Mỏ Phượng, cũng là di chỉ khảo cổ đã được mở hố khai quật, nay đã thành đường nhựa, móng bê tông cốt thép hay cống thoát nước. Trèo lên mỏm đất cao, ông chỉ tay về phía vườn cây ngập sâu trong nước: “Xưa, nơi này cao hơn hẳn xung quanh nên gọi là gò Vườn Chuối, giờ bị ngập nước là bởi xung quanh đổ đất, làm đường hết rồi. Di chỉ Vườn Chuối chỉ còn lại ngần này thôi. Nếu theo thiết kế con đường vành đai 3.5 đã được duyệt thì nó sẽ đi ngang, cắt sâu vào vùng lõi của di chỉ. Mà như thế sẽ mất hết”.

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối bây giờ ra sao? - Anh 4

Dự kiến đây là nơi bảo tồn di chỉ Vườn Chuối (về phía Bắc) khoảng 6.000m2 hiện nay như cái ao

3 Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối nổi tiếng là thế, nay chỉ “nằm” trong bảo tàng. Các di cốt, di vật, hiện vật phát hiện được tại đây đã đưa về Bảo tàng Hà Nội bảo quản, chỉnh lý, nghiên cứu, còn hố khai quật, địa tầng văn hóa, một trong những tư liệu cực quan trọng, đã bị chôn vùi trong đất đá, bê tông cốt thép, như không hề tồn tại. Không gian tụ cư, sinh hoạt của người Việt cổ hiện hữu trên mảnh đất ngàn năm đã bị khuất lấp bởi dự án, con đường. Ông Đinh Văn Thi, Phó chủ tịch UBND xã Kim Chung nói đúng, “việc bảo vệ di chỉ Vườn Chuối, các anh lên huyện hỏi. Huyện làm chủ đầu tư nên nắm được hết. Khi nào di chỉ được công nhận di tích chúng tôi mới quản lý, bảo vệ”.

Còn PGS.TS Bùi Văn Liêm, người từng chủ trì hai cuộc khai quật năm 2019, 2020 tại di chỉ Vườn Chuối cho biết, sắp tới sẽ tiến hành khai quật phía Tây Vườn Chuối, còn 6.000m2 ở phía Bắc Vườn Chuối, thành phố cho tiến hành bảo tồn tại chỗ, làm công viên xanh. Nhưng phía Tây Vườn Chuối là phía Tây nào khi nó đã thành hình đường vành đai 3.5, sâu trong nữa là xưởng trộn bê tông lừng lững án ngữ. Bảo tồn gắn với phát triển là xu thế khó có thể cưỡng cự, nhưng về sau mấy ai sẽ còn biết, nhớ đến di chỉ khảo cổ Vườn Chuối là không gian văn hóa tụ cư, sinh hoạt của người Việt cổ cách nay hơn 3 nghìn năm, khi bản thân nó và cả xung quanh đều là nhà cửa, công trình, đường sá, mà không hề có hố khai quật nào để trưng bày thực địa cho du khách. Trăm nghe không bằng một thấy là ở chỗ đó. 

 Chẳng lẽ không gian cổ xưa cách nay hơn 3 nghìn năm về trước thuộc giai đoạn tiền Đông Sơn và Đông Sơn được các nhà khảo cổ học dựng lên từ lòng đất, là địa bàn quần cư, sinh hoạt của người Việt cổ lại “biến mất” một cách chóng vánh như vậy.

 

NGUYN THANH SƯƠNG  

Ý kiến bạn đọc