Khai hội Lễ phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương

VHO - Tối ngày 17.2 (tức mùng 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn) tại Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương, UBND huyện Lý Nhân phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam, Ban Quản lý Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương và nhân dân huyện Lý Nhân tổ chức Khai hội Lễ phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương xuân Giáp Thìn năm 2024.

Khai hội Lễ phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương - Anh 1

Nghi thức tấu sớ Đức Thánh Trần

Phát biểu Khai mạc Lễ hội đền Trần Thương Xuân Giáp Thìn năm 2024, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân Nguyễn Đức Nhương, Trưởng ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương nêu rõ công lao to lớn của Đức Thánh Trần và kiến trúc, lịch sử, văn hóa của đền Trần Thương.

Tương truyền trên chuyến thuyền từ trấn Sơn Nam Hạ về kinh thành Thăng Long để tìm kế sách đánh giặc Mông Nguyên, khi qua dòng Nhị Hà, trấn Sơn Nam Thượng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã phát hiện ra vùng đất thiêng Lục Đầu Khê nơi nổi tiếng với câu ca “cá Nhân Đạo, gạo Trần Thương”, Ngài lập tức lệnh cho dân binh cùng quân sĩ khởi dựng 6 kho lương bí mật làm kế sách lâu dài kháng chiến chống quân xâm lược. Trong đó, kho lương chính nằm trên làng Miễu cổ nay là thôn Trần Thương, xã Trần Hưng Đạo.

Khai hội Lễ phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương - Anh 2

Bí thư Huyện ủy Lý Nhân Trần Đức Thuấn đánh trống khai mạc lễ hội

Sau khi Đức Thánh Trần dời cõi thế, nhân dân trong vùng đã khởi dựng ngôi đền để tưởng vọng ngài, ngôi đền có quy mô kiến trúc lớn, bề thế, tôn nghiêm, cổ kính, tọa lạc ở thế đất linh thiêng “hình nhân bái tướng ngọa nhân mỹ”.

Hằng năm, cứ vào giờ Tý ngày 14 tháng Giêng, nhân dân trên khắp mọi miền lại nô nức về đây tổ chức Lễ phát lương Đức Thánh Trần để tưởng nhớ công lao của Trần Hưng Đạo và nhận phúc lộc của Đức Thánh Trần ban cho muôn dân, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân được ấm no, thụ hưởng thái bình.

Đền Trần Thương là một trong ba địa danh, di tích tiêu biểu thờ Đức Thánh Trần cùng với đền Bảo Lộc (Nam Định), đền Kiếp Bạc (Hải Dương). Năm 2015, Đền Trần Thương đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt.

Khai hội Lễ phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương - Anh 3

Nghi thức phát lương Đức Thánh Trần

Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương là hoạt động mang ý nghĩa tâm linh truyền thống cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà mạnh khỏe, sung túc và bình yên, đồng thời nhắc nhở các thế hệ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công đức của Đức Thánh Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước cho các thế hệ ngày nay; là sự kiện văn hóa có ý nghĩa to lớn, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

 

Kết thúc Lễ khai mạc là phần hội với màn trống khai hội và chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ, diễn viên của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh biểu diễn.

Khai hội Lễ phát lương Đức Thánh Trần đền Trần Thương - Anh 4

Tiết mục văn nghệ đặc sắc tại Lễ khai hội

Lễ rước kiệu Đức Thánh Trần mở màn cho các nghi lễ khai mạc Lễ hội phát lương Đức Thánh Trần. Đoàn rước có sự tham gia của đông đảo các đại biểu, nhân dân và du khách thập phương đi từ sân đền đi qua cầu phía tây đền đi vòng quanh đường tâm linh, qua cầu phía đông đền rồi trở về sân đến với tổng chiều dài tuyến đường rước khoảng hơn 2km.

Trước đó, điểm nhấn của Lễ hội là nghi thức phát lương Đức Thánh Trần, bắt đầu từ 21 giờ ngày 14 đến rạng sáng ngày 15 tháng Giêng. Trong sáng 17.2, Lễ hội phát lương năm Giáp Thìn 2024 đã được mở màn bằng nghi thức rước kiệu Thánh với sự tham gia của lãnh đạo địa phương cùng đông đảo tăng ni phật tử, nhân dân trong xã và du khách thập phương...Trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội có các hoạt động như: Lễ rước nước, lễ rước lương, đêm hội Trần thương cùng các hoạt động văn hóa, thể thao phong phú khác.

THANH THUÝ

Ý kiến bạn đọc