Để đàn đá Khánh Sơn ngân mãi khúc nhạc vui Xuân

VHO - Khánh Hòa đang lên kế hoạch đưa du lịch văn hóa trở thành một trong các sản phẩm chủ đạo thu hút du khách trong nước, quốc tế. Mới đây, bộ đàn đá Khánh Sơn vừa được công nhận là bảo vật quốc gia tạo ra niềm vui lớn cho cộng đồng người Raglai và niềm hi vọng về phát huy giá trị văn hóa trong việc thu hút khách du lịch.

Để đàn đá Khánh Sơn ngân mãi khúc nhạc vui Xuân - Anh 1

Trưng bày đàn đá Khánh Sơn A và B tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa

Niềm vui trong dịp Tết

Những ngày giáp Tết khi đến Khánh Hòa không chỉ rộng ràng không khí đón Xuân, mà nhiều người dân đồng bào Raglai nơi đây còn bày tỏ vui mừng khi bộ đàn đá Khánh Sơn vừa được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

Nghệ nhân Mấu Hồng Thái (hơn 80 tuổi, người đồng bào Raglai tại thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn) cho biết: Đà đá Khánh Sơn không đơn thuần là một loại nhạc cụ, mà còn chứa đựng cốt cách, văn hoá của một cộng đồng người Raglai. Đàn đá được xem là “linh hồn” trong các hoạt động văn hóa cộng đồng của đồng bào Raglai tại địa phương. “Ban đầu đàn đá Khánh Sơn được đồng bào Raglai dùng để xua đuổi muông thú, bảo vệ nương rẫy, mùa màng, sau này, nó trở thành vật thiêng được sử dụng trong các lễ hội quan trọng của cộng đồng”, nghệ nhân Mấu Hồng Thái nói.

Ông Bo Bo Hùng, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Khánh Sơn cho biết: Khi bộ đàn đá Khánh Sơn được vinh danh là báu vật quốc gia, niềm vui và tự hào lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng người Raglai, một trong những dân tộc thiểu số sinh sống tại Khánh Sơn, Khánh Hòa. Đối với họ, đây không chỉ là sự công nhận cho một hiện vật văn hóa, mà còn là sự ghi nhận và tôn vinh cho bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử lâu đời của dân tộc mình.

Đối với đồng bào nơi đây, đàn đá không chỉ là nhạc cụ, nó còn là biểu tượng cho tinh thần, trí tuệ và sự sáng tạo của bao thế hệ ông cha, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Niềm vui này càng trở nên sâu đậm khi văn hóa đồng bào Raglai gìn giữ bấy lâu, bây giờ được cả nước công nhận và trân trọng. Điều này không chỉ làm tăng lòng tự hào dân tộc, mà còn khích lệ họ tiếp tục bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Bộ sưu tập đàn đá Khánh Sơn gồm 12 thanh ngắn, dài khác nhau (gọi là Đàn đá Khánh Sơn A và B) được phát hiện, sưu tầm vào năm 1979 từ gia đình ông Bo Bo Ren (Thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà).

Đây là bộ hiện vật đàn đá mang tính độc bản, có giá trị lớn về mặt âm nhạc. Thang âm rộng với 12 thanh tạo thành chuỗi thanh âm liên tục (hoặc có thể tách ra thành 2 bộ A và B) từ thấp đến cao, có âm lượng đầy đặn, vang lên trong và đanh như tiếng sắt, tiếng đồng.

Để âm thanh đàn đá vang xa

Ông Nguyễn Văn Nhuận, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa cho biết: Để phát huy giá trị bộ đàn đá Khánh Sơn, Sở VHTT chỉ đạo Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa xây dựng không gian trưng bày nhạc cụ này để thu hút khách đến tham quan, và biểu diễn đàn đá để phục vụ du khách tại không gian Bảo tàng tỉnh trong dịp Tết.

Để đàn đá Khánh Sơn ngân mãi khúc nhạc vui Xuân - Anh 2

Nghệ nhân biểu diễn đàn đá phục vụ du khách

Nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa cho biết:  Bộ đàn đá Khánh Sơn A và B là một bộ đàn đá cổ có giá trị lịch sử và văn hóa đặc biệt. Đàn đá, hay còn gọi là lithophone, là một loại nhạc cụ cổ được làm từ đá. Đàn đá Khánh Sơn được phát hiện ở khu vực Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, một khu vực nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử và văn hóa.  

Theo nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông, ông đã trải qua hơn ba thập kỷ gắn kết với nghệ thuật đàn đá nhưng chưa có bộ đàn đá nào lại đặc biệt như bộ đàn đá Khánh Sơn A và B. Bởi bộ đàn đá này vượt trội so với những bộ đàn đá khác đang lưu hành.

“Bộ đàn đá Khánh Sơn A và B mới thực hiện được chủ ý của con người. Đã gọi là đàn, phải thực hiện được giai điệu chủ ý của con người. Không thực hiện được những giai điệu âm thanh réo rắt thì đó chỉ là những hiện vật mang giá trị trưng bày mà thôi”, nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông thổ lộ.

Bộ đàn đá Khánh Sơn A và B được cho là có niên đại từ 2.500 - 3.000 năm, không chỉ phản ánh kỹ thuật và nghệ thuật âm nhạc, giá trị lịch sử, văn hóa của nó mà còn thể hiện nỗ lực bảo tồn và tôn vinh di sản văn hóa đặc biệt của Việt Nam.

Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa cho biết: Để vừa bảo quản bộ đàn đá, và phát phát huy giá trị thu hút du khách chúng tôi đã cho xây dựng khu trưng bày riêng nhạc cụ này tại bảo tàng. Nơi cất giữ và trưng bày cấu tạo bằng kính cường lực trong suốt, chắc chắn, du khách đến đây sẽ được thoải mái tham quan tìm hiểu. Những dịp lễ sẽ có kế hoạch biểu diễn đàn đá để phục vụ nhu cầu của người dân, du khách.

Nghị quyết số 34/NQ/TU của Tỉnh ủy Khánh Hòa ngày 22.12.2023 về việc phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: Đến năm 2025, lập hồ sơ quản lý chi tiết đối với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh; tổ chức Hội thảo khoa học giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.

Lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền công nhận bảo vật quốc gia đối với Đàn đã Khánh Sơn và xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Bia chủ quyền Trường Sa; xem xét, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với Tháp Bà Ponagar Nha Trang.

Thực hiện việc tôn tạo, bảo quản, tu bổ, phục hồi 23 di tích được cấp có thẩm quyền xếp hạng, ưu tiên các di tích có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Lập Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Diên Khánh,…

Đến năm 2030 sẽ hoàn thành việc xây dựng mới và đưa vào hoạt động có hiệu quả các thiết chế văn hóa trọng điểm của tỉnh, gồm: Bảo tàng Alexandre Yersin; Bảo tàng tổng hợp tỉnh; Trung tâm biểu diễn nghệ thuật tỉnh (giai đoạn 2).

Thực hiện việc tôn tạo, bảo quản, tu bổ, phục hồi 31 di tích được cấp có thẩm quyền xếp hạng; trong đó, hoàn thành trùng tu, tôn tạo đối với 100% di tích có hiện trạng xuống cấp nghiêm trọng. Lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia tượng Tháp Bà Thiên Y A Na tại Tháp Bà Ponagar Nha Trang.

Đưa du lịch văn hóa trở thành một trong một các dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch tỉnh nhà; góp phần đưa Khánh Hoà trở thành trung tâm du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, là điểm đến du lịch đẳng cấp, thương hiệu, hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao không chỉ trong nước mà còn trong khu vực và quốc tế.

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc