Phục dựng Lễ tế Nam Giao để phát huy giá trị Di sản Thành nhà Hồ

VHO - Nhằm bổ sung cho việc nghiên cứu, hướng tới phục dựng Lễ tế Nam Giao vương triều Hồ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại Di sản Thành nhà Hồ. Ngày 10.12, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ tổ chức Hội thảo khoa học Lễ tế Nam Giao vương triều Hồ - giá trị lịch sử, văn hóa và cơ sở khôi phục.

Phục dựng Lễ tế Nam Giao để phát huy giá trị Di sản Thành nhà Hồ - Anh 1

Toàn cảnh hội thảo

Thành nhà Hồ đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa thế giới vào ngày 27.6.2011. Khu vực đề cử của di sản gồm có ba bộ phận chính: Hoàng thành, La Thành và Đàn tế Nam Giao. Trong đó, đàn tế Nam Giao là một bộ phận quan trọng, độc đáo về mặt kiến trúc cũng như giá trị đối với kinh đô Việt Nam dưới thời Vương triều Hồ. Trải qua bốn lần thám sát, khai quật từ năm 2004 đến nay, với tổng diện tích 18.000m2, đã nhận diện được cơ bản đặc trưng của di tích Đàn tế Nam Giao Tây Đô. Đàn tế có kiến trúc khá độc đáo: Lưng dựa núi, mặt nhìn về hướng Nam, các nền đàn được sắp xếp giật cấp cao dần lên. Tính từ chân Đốn Sơn, đàn tế được xây dựng trên năm cấp nền, được cấu trúc theo hình dạng chữ nhật, quay hướng Nam. Được đánh giá là đàn tế có niên đại sớm nhất nước ta và có mặt bằng còn tương đối nguyên vẹn, được các nhà khoa học đánh giá rất cao về mặt lịch sử. Từ đó có thể thấy, sự tồn tại của Vương Triều Hồ có tầm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của lịch sử dân tộc.

Theo các tài liệu lịch sử có ghi chép lại thì tại không gian đàn tế Nam Giao, năm 1402 đã diễn ra Lễ tế Giao đầu tiên của triều Hồ. Đây được xem là nghi lễ quan trọng nhất trong chế độ phong kiến Việt Nam. Việc nghiên cứu, xây dựng để hướng tới Phục hồi lễ tế Đàn Nam Giao vương Triều Hồ, là nhiệm vụ thiết thực và cấp bách nhằm khôi phục, bảo tồn những giá trị văn hóa của cha ông để lại, tái hiện một phần truyền thống văn hóa cung đình đặc sắc, làm sống lại một truyền thống văn hóa đã từng chiếm vị thế đỉnh cao trong lịch sử Việt Nam.

Phục dựng Lễ tế Nam Giao để phát huy giá trị Di sản Thành nhà Hồ - Anh 2

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia khẳng định: Lễ tế Nam Giao cần được tiếp cận như là một bộ phận cấu thành giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý văn hóa đã trình bày quan điểm về việc khôi phục lễ tế Nam Giao vương triều Hồ dưới nhiều góc độ tiếp cận như: Giá trị lịch sử văn hóa và khả năng khôi phục nguyên gốc; căn cứ, cơ sở khôi phục lễ tế; một số dạng thức, hình thức phục hồi hoặc tái hiện tế lễ;... Đồng thời kiến nghị, đề xuất một số vấn đề trong việc phục hồi và tái hiện tế lễ. Theo GS.TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa khẳng định: Lễ tế Nam Giao là một trong những nghi thức quan trọng nhất của các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, hậu Lê, Nguyễn. Nghi thức này được định kỳ tổ chức và tuân thủ điển chế theo quy định của vương triều, đặc biệt dưới triều Nguyễn. Tuy nhiên, đáng chú ý là trong bối cảnh phải đương đầu với những thách thức không nhỏ cả về chủ quan lẫn khách quan, nhà Hồ vẫn tổ chức xây đàn Nam Giao tại kinh đô mới và tổ chức Lễ tế Nam Giao tại đây vào năm 1402. Cũng theo GS.TS Trương Quốc Bình, trong bối cảnh hiện nay cần kết hợp việc tổ chức Lễ tế Nam Giao với Lễ hội Thành nhà Hồ để vừa phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trong mối quan hệ hữu cơ với di sản văn hóa vật thể, giữa di sản với cộng đồng. Qua đó góp phần tạo nên những sản phẩm du lịch đặc sắc phục vụ du khách trong nước và quốc tế.

Còn theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cho rằng, Lễ tế Nam Giao cần được tiếp cận như là một bộ phận cấu thành giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ. Mặt khác, việc phục dựng nghi thức tế đàn Nam Giao phải dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học, các cứ liệu lịch sử nhằm góp phần gia tăng sức hấp dẫn cho di sản từ khía cạnh phát triển du lịch theo tinh thần Công ước 1972 của UNESCO. Theo đó, phương án kiến trúc phục dựng đàn tế Nam Giao Thành nhà Hồ thế kỷ XV nên phỏng dựng trên cơ sở đối chiếu quy mô, hình thức của đàn Nam Giao thời Lê Sơ, nhưng phong cách, kiến trúc, trang trí mỹ thuật thuộc thời Trần - Hồ là phù hợp.

Phục dựng Lễ tế Nam Giao để phát huy giá trị Di sản Thành nhà Hồ - Anh 3

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa Đỗ Quang Trọng: Trong giai đoạn hiện nay, việc nghiên cứu, xây dựng để hướng tới phục hồi Lễ tế Nam Giao vương triều Hồ là nhiệm vụ thiết thực và cấp bách nhằm khôi phục, bảo tồn những giá trị văn hóa cha ông để lại…

Nhìn chung, các ý kiến tham luận đều nhận định việc nghiên cứu phục dựng Lễ tế Nam Giao của vương triều Hồ tại núi Đốn Sơn là việc làm cần thiết, đáp ứng mong mỏi của quần chúng Nhân dân và khai thác trở thành sản phẩm du lịch của địa phương. Tuy nhiên, việc phục dựng cần phải có lộ trình chi tiết, bài bản và có sự quy chiếu với các lễ tế đã được tổ chức trước và sau lễ tế của nhà Hồ.

"Trong giai đoạn hiện nay, việc nghiên cứu, xây dựng để hướng tới phục hồi Lễ tế Nam Giao vương triều Hồ là nhiệm vụ thiết thực và cấp bách nhằm khôi phục, bảo tồn những giá trị văn hóa cha ông để lại, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của quần chúng Nhân dân và du khách khi đến tham quan di sản. Hội thảo lần này còn là dịp để Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ quảng bá các giá trị đặc sắc đến cộng đồng, du khách trong nước và quốc tế. Qua đó góp phần đưa những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản đến gần hơn với công chúng", ông Đỗ Quang Trọng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa nhấn mạnh.

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc