Lễ hội Vía Bà Thủy Long ở tỉnh Cà Mau

VHO - Lễ hội Vía Bà Thủy Long ở tỉnh Cà Mau là một trong 2 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Cà Mau vừa được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong tổng số 36 di sản. Lễ hội truyền thống này bao hàm những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc, tiêu biểu của cộng đồng cư dân của tỉnh Cà Mau.

Lễ hội Vía Bà Thủy Long ở tỉnh Cà Mau - Anh 1

Lễ hội cúng Bà Thủy Long, tại xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi

Theo tài liệu được lưu truyền lại thì ngôi Miếu Bà Thủy Long (Thủy Long Cung Thần nữ) tại ấp Thanh Tùng, xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi được lập vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Trước đây vùng đất này vốn rất hoang vu, cá tôm nhiều vô số kể, lúc ấy có hai ông Tô Minh Chánh và Nguyễn Văn Lành tìm đến đây lập nghiệp. Ban đầu, hai ông mang theo gia đình đến khu vực Nhà Vi (nay thuộc xã Trần Thới, huyện Cái Nước) ở tạm, sau đó dùng xuồng độc mộc lần dò ngược lên sông Bảy Háp, qua tắc Ông Do, rồi xuôi dòng sông Cửa Lớn đến sông Cái Ngay, sau đó men theo sông rạch đến kênh Thị Vạn ngày nay. Nhận thấy nơi đây đất đai tươi tốt, có nhiều nước ngọt và cá tôm thì vô số kể. Hai ông liền khấn sơn thần và thủy thần xin phép được khai khẩn đất đai và lập nghiệp tại vùng đất này.

Nội dung lời khấn được lưu truyền như sau: “Chúng con từ phương xa đến đây giữa vùng đất hoang vu này chưa biết làm gì xin sống! Xin các vị thần chỉ bảo cho chúng con là Tô Minh Chánh và Nguyễn Văn Lành nơi bình an, thuận lợi, đất đai màu mỡ để chúng con khai khẩn dựng làng, xây ấp mưu sinh. Nếu được như ý nguyện chúng con sẽ lập miếu thờ chư vị để tỏ lòng cảm ơn và nguyện ăn hiền ở lành, nuôi dạy con cháu giữ đạo lý, duy trì truyền thống sau này”. 

Sau khi khấn sơn thần và thủy thần thì hai ông bơi xuồng xung quanh nhìn thấy có nhiều loài cây cỏ tươi tốt, đặc biệt có nhiều cá lóc phóng lao ngang qua xuồng, xác định nơi đây sẽ là vùng đất “nhân khang, vật thịnh” nên hai ông trở về Nhà Vi đưa gia đình đến lập nghiệp. 

Lễ hội Vía Bà Thủy Long ở tỉnh Cà Mau - Anh 2

Lễ rước Bà Thủy Long Cung Thần nữ

Để thực hiện lời hứa với thần linh, hai ông cất lên hai ngôi miếu, một ngôi thờ Sơn Thần (nay là miếu Ông Hổ, trong khuôn viên Miếu Bà Thủy Long), một ngôi thờ Thủy Thần, chính là Miếu Bà Thủy Long ngày nay. Miếu bà Thủy Long ban đầu được dựng lên bằng cột tràm, lợp lá dừa nước, mặt trước quay về hướng Tây Bắc (hướng về vàm Bỏ Mũ – Bàu Dừa). Ngôi miếu này đã trở thành nơi ghi dấu của quá trình khai hoang, mở cõi của cộng đồng người Việt trên vùng đất mới, nay thuộc xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi. 

Đã trải qua khoảng 200 năm, hằng năm cứ đến ngày 15-17 tháng 2 (âm lịch), người dân nơi đây tổ chức Lễ hội Vía Bà rất trang nghiêm, thành kính và nhộn nhịp, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến tham gia, qua đó cũng nhằm tưởng nhớ lại 2 vị tiền nhân đã khai hoang mở cõi vùng đất này. 

Đây là một trong những lễ hội lớn và lâu đời của tỉnh Cà Mau, đặc biệt là lễ hội gắn liền với tín ngưỡng thờ “Thủy Long Thần Nữ” của người dân sinh sống tại vùng đất xã Thanh Tùng và các vùng lân cận. 

Lễ cúng miếu bà Thủy Long cũng được nhân dân gọi là Lễ Kỳ Yên (cầu an) với mục đích cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Lễ vật cúng kỳ yên thông thường gồm có: heo, gà vịt, xôi chè, trà rượu, bánh trái… Nhang đèn được sắp đặt sẵn trên bàn thờ. Ngoài những lễ vật chính, cũng không thể thiếu các vật dụng trang trí như cờ phướng, cờ ngũ sắc, cây triệu… Đặc biệt phần cúng tế tại ngôi mộ của hai Ông thì không thể thiếu món cá lóc nướng.

Lễ hội Vía Bà Thủy Long ở tỉnh Cà Mau - Anh 3

Đoàn thuyền rước Bà Thủy Long Thần nữ về an vị

Chương trình lễ hội gồm 3 lễ chính: Lễ rước Ông (Tô Minh Chánh và Nguyễn Văn Lành), rước Bà (Bà Thủy Long Thần nữ); Lễ Tiên thường và Lễ cúng chánh thần.

Lễ hội Vía Bà Thủy Long bao hàm những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc, tiêu biểu của cộng đồng cư dân  của tỉnh Cà Mau. Lễ hội góp phần khẳng định sự tồn tại của tín ngưỡng thờ Thủy Long thần nữ trên vùng đất Cà Mau như một tín ngưỡng đặc trưng, nổi trội. Đây là hình thức tín ngưỡng dân gian gắn liền với cư dân miền sông nước, đã tồn tại hàng trăm năm qua trong đời sống tinh thần người dân Nam bộ nói chung, người Cà Mau nói riêng.

Ngày nay, Lễ hội được cộng đồng cư dân vùng đất này ra sức bảo tồn và phát huy, trở thành nơi gắn kết cộng đồng, nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa lành mạnh góp phần ổn định trật tự xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương. Đồng thời, thông qua các hoạt động của lễ hội, có thể quảng bá giá trị đặc trưng của tín ngưỡng và thu hút khách du lịch từ các địa phương đến với Cà Mau.

LÊ VĂN DƯỠNG

Ý kiến bạn đọc