Bảo vệ lễ hội truyền thống trong cơn lốc đô thị hóa

VHO - Bảo vệ, tạo sức đề kháng cho lễ hội truyền thống trước cơn lốc đô thị hóa là vấn đề thu hút sự chú ý tại tọa đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống tại khu vực nội thành Hà Nội hiện nay”, do Sở VHTT Hà Nội tổ chức ngày 3.11 tại di tích lịch sử quốc gia Đền Đồng Cổ (Thụy Khuê, Hà Nội).

Bảo vệ lễ hội truyền thống trong cơn lốc đô thị hóa - Anh 1

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh sự cần thiết của việc phục hồi và phát huy lễ hội truyền thống, tạo sức đề kháng vững chắc cho văn hóa bản địa

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự hội nhập nhanh chóng của nền kinh tế xã hội và văn hóa của các quốc gia, việc phục hồi và phát huy lễ hội truyền thống có một vai trò rất quan trọng trong bảo lưu, tạo sức đề kháng vững chắc cho văn hóa bản địa, góp phần bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa dân tộc.
Khu vực nội thành Hà Nội gồm 12 quận có tới 221 lễ hội truyền thống, trong đó quận Ba Đình có 19 lễ hội, Tây Hồ 9 lễ hội, Nam Từ Liêm 23 lễ hội, Long Biên 34 lễ hội, Hoàn Kiếm 10 lễ hội... Trong số này có 9/19 lễ hội truyền thống được ghi vào danh mục Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia, tiêu biểu như Lễ hội làng Lệ Mật, đình Trường Lâm (quận Long Biên); hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ (quận Tây Hồ); lễ hội kết chạ Phú Mỹ-Kiều Mai (quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm); lễ hội chùa Láng (quận Đống Đa)...

Bảo vệ lễ hội truyền thống trong cơn lốc đô thị hóa - Anh 2

PGS.TS Đỗ Văn TrụChủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tại tọa đàm

Đây đều là những lễ hội truyền thống lâu đời, đa dạng về sắc thái và độc đáo về giá trị, tạo nên bản sắc văn hóa riêng, gắn với lịch sử của kinh thành Thăng Long. Có lễ hội trải rộng nhiều phường, quận, có lễ hội giữ nguyên được truyền thống giao hảo, kết chạ có từ hàng trăm năm nay. Tuy vậy, do sự thay đổi về cộng đồng, môi trường lễ hội, áp lực của cuộc sống hiện đại nên nhiều lễ hội đứng trước nguy cơ mai một.
Theo ông Đỗ Đình Hồng, sau đợt tổng kiểm kê di sản năm 2016, toàn khu vực nội đô ghi nhận 221 lễ hội, với 9 địa chỉ được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần đáp ứng nhu cầu tâm linh, kết nối, giao lưu, trao đổi và sáng tạo văn hóa. Sự đa dạng, độc đáo của lễ hội khu vực nội đô hiển hiện trong các nghi lễ, nghi thức tôn giáo tín ngưỡng, lễ phục và trò diễn dân gian, tiêu biểu như truyền thống kết nghĩa, giao hảo lưu truyền hàng trăm năm tại Lễ hội kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai; ý nghĩa giáo dục đạo đức, nhân cách con người trong Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ hay không gian thực hành bao trùm một vùng rộng lớn như Hội Láng…

“Tuy nhiên, trước những tác động của quá trình đô thị hóa, môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống khu vực nội thành Hà Nội đang bị ảnh hưởng, dẫn đến những biến đổi đáng kể. Sự hội nhập nhanh chóng của nền kinh tế xã hội và văn hóa của các quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong phục hồi và phát huy lễ hội truyền thống nhằm bảo lưu, tạo sức đề kháng vững chắc cho văn hóa bản địa, góp phần bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa dân tộc”, đồng chí Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.

Bảo vệ lễ hội truyền thống trong cơn lốc đô thị hóa - Anh 3

TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phát biểu tại tọa đàm

TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, so với khu vực ngoại thành thì nội thành Hà Nội thưa vắng các di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có lễ hội. Khả năng mai một của các lễ hội truyền thống tại nội thành càng lớn khi chịu sự tác động của đời sống xã hội, nhất là sự gắn kết cộng đồng ngày càng giảm. Vì vậy, việc bảo vệ các lễ hội truyền thống khu vực này càng trở nên cần thiết để giữ gìn các giá trị văn hóa Thăng Long xưa.
Cụ thể hơn, TS. Lê Thị Minh Lý chỉ ra áp lực thường trực của các lễ hội khu vực nội đô chính là sự mai một nhanh chóng của các không gian thực hành cũng như nghi thức lễ hội; tính chất cộng đồng thay đổi thường xuyên do tình trạng người đến, người đi; những áp lực từ cuộc sống mưu sinh hay cả việc chính sách quản lý và tổ chức lễ hội không theo kịp với thực trạng hiện có…
Trước yêu cầu bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long, những năm qua, Sở VHTT Hà Nội cùng chính quyền các quận nội thành nghiên cứu khôi phục các lễ hội để bảo đảm nguyên gốc ban đầu. Năm 2023, nghi thức rước kiệu tại Hội chùa Láng được phục dựng sau 70 năm bị gián đoạn, với hàng vạn người tham gia, đã tạo nên khối đại đoàn kết giữa các cộng đồng thực hành di sản và nhân dân tại các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy cùng chung tay góp phần làm sống lại nghi thức sinh hoạt văn hóa người dân vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long.
Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ (quận Tây Hồ), lễ hội Thập tam trại (quận Ba Đình), lễ hội 5 làng Mọc (quận Thanh Xuân)... cũng được phục dựng các nghi thức truyền thống nhằm đưa lại sự nguyên vẹn cho lễ hội truyền thống trong nội thành.

Bảo vệ lễ hội truyền thống trong cơn lốc đô thị hóa - Anh 4

Giới thiệu những giá trị truyền thống của các lễ hội khu vực nội thành Hà Nội

Nhiều ý kiến tạo tọa đàm khẳng định, việc bảo vệ và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống khu vực nội thành Hà Nội là giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Thăng Long, tạo nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, góp phần định vị thương hiệu văn hóa Hà Nội. GS.TS Trần Lâm Biền cho rằng: “Trong ứng xử với di sản văn hóa, chúng ta chỉ là mảnh ván nhỏ nối quá khứ với tương lai. Nhiều lễ hội của Hà Nội có cái riêng thì cần phải tôn trọng, giữ gìn, bởi thời gian qua nhiều tập tục, nghi thức trong lễ hội được hiểu chưa đúng. Muốn bảo vệ được lễ hội thì phải hiểu đúng.”
Trong rất nhiều giải pháp được đưa ra trong việc bảo vệ, phát huy giá trị lễ hội truyền thống khu vực nội thành, các nhà quản lý, chuyên gia đều cho rằng, cần có sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng trong phục dựng các nghi lễ, nghi thức. Ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho cộng đồng thực hành và phát huy giá trị văn hoá của lễ hội truyền thống. Không nâng tầm lễ hội, ngăn chặn các yếu tố tiêu cực, hình ảnh phản cảm, thực hiện quy định nếp sống văn minh trong các hoạt động tại lễ hội. Hỗ trợ cộng đồng trong công tác nghiên cứu, phục dựng các nghi lễ, nghi thức truyền thống và các trò chơi dân gian, trao truyền tri thức cho đội ngũ nắm giữ di sản kế cận.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về ý nghĩa, nội dung các giá trị tiêu biểu, độc đáo của lễ hội truyền thống. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng để đảm bảo quyền của cộng đồng đối với việc sử dụng không gian thiêng, đồ vật thiêng, tài nguyên thiên nhiên cần thiết để thực hành các tập quán, nghi lễ trong lễ hội truyền thống. nTăng cường công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích, không gian thực hành lễ hội; đầu tư các công trình phụ trợ góp phần nâng cao chất lượng điểm đến, thu hút khách tham quan và tham gia lễ hội.

Bảo vệ lễ hội truyền thống trong cơn lốc đô thị hóa - Anh 5

GS.TS Trần Lâm Biền nhấn mạnh việc cần giữ gìn bản sắc, nét riêng của từng lễ hội

Ông Lê Xuân Kế, Trưởng tiểu BQL di tích đình Phú Mỹ, quận Nam Từ Liêm cho rằng, bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thì cần làm tốt công tác tuyên truyền đối với nhân dân về trách nhiệm bảo vệ di sản. Các cơ quan quản lý cũng cần huy động các nguồn vốn đầu tư từ nhiều nguồn lực khác nhau, có chế độ đãi ngộ cho những thực hành, trao truyền di sản.
Theo Phó trưởng BQL di tích lịch sử đền Núi Sưa Trần Sơn Trà, những làng trong phố với nhiều lớp trầm tích văn hóa đặt trong nhịp sống hối hả của đô thị hiện đại đang đặt cho lễ hội và phong tục tập quán nhiều đời ở Hà Nội những áp lực rất rõ rệt trong việc bảo tồn, phát huy giá trị. Với những yêu cầu đó, rất cần có một Đề án về bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội dành riêng cho khu vực này, đề ra các giải pháp tổng thể theo lộ trình trước mắt, lâu dài. 
TS. Lê Thị Minh Lý cho rằng, cần có chính sách riêng trong bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội khu vực nội thành nhằm giảm tải những áp lực hiện có, đi kèm với hành động bảo vệ thiết thực, hiệu quả, như chọn ra những lễ hội cần ưu tiên bảo vệ, nhận diện cộng đồng thực hành để tập trung xây dựng, củng cố cộng đồng đó gắn với truyền thông và giáo dục di sản. 

HÀ PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc