Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tỉnh Khánh Hòa

VHO - Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức Hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa" nhằm đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp, nhằm khắc phục những hạn chế, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhất là việc thu hút du khách, phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tỉnh Khánh Hòa - Anh 1

Tháp Bà Ponagar được quan tâm đầu tư, khai thác du lịch và phát huy được giá trị

Hệ thống di sản đa dạng, phong phú.

Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có trên 1.098 di tích và địa chỉ có dấu hiệu di tích, được phân bố đều khắp các thành phố, thị xã và huyện. Trong đó, có 16 di tích quốc gia, 180 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Bia Võ Cạnh (Nha Trang) được công nhận là bảo vật quốc gia; 3 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm Lễ hội Cầu Ngư; lễ hội Tháp Bà Ponagar Nha Trang và lễ hội Bỏ mả của người Raglai. Đặc biệt Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam - trong đó có Khánh Hòa được vinh danh văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; vịnh Nha Trang là danh thắng quốc gia và là một trong những vịnh đẹp của thế giới...

Trong tổng số 196 di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh có 69 di tích lịch sử, trong đó 9 di tích lịch sử quốc gia và 60 di tích lịch sử cấp tỉnh. Số di tích lịch sử cấp tỉnh được phân bố theo địa bàn như sau: huyện Vạn Ninh có 5 di tích, thị xã Ninh Hòa có 18 di tích, thành phố Nha Trang có 15 di tích, huyện Diên Khánh có 15 di tích, huyện Cam Lâm có 3 di tích, thành phố Cam Ranh có 1 di tích; huyện Khánh Sơn có 1 di tích và huyện Khánh Vĩnh có 2 di tích. Các di tích lịch sử chưa được xếp hạng là 25 di tích, còn lại là di tích khảo cổ học, danh lam thắng cảnh...

Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tỉnh Khánh Hòa - Anh 2

Nha Trang là danh thắng quốc gia, một trong những vịnh đẹp của thế giới

Với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa vật thể, phi vật thể nói trên đã phản ánh quá trình hoạt động, tồn tại và phát triển của cộng đồng cư dân vùng biển đảo ở Khánh Hòa trong suốt chiều dài lịch sử của vùng đất, đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu. Và trong những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích đã được các cấp, các ngành quan tâm, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các di tích không chỉ là địa điểm giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, mà còn là "điểm đến" hấp dẫn với khách du lịch trong và ngoài nước.

Mỗi di tích ở Khánh Hòa có nét độc đáo riêng; tuy nhiên, hiện mới chỉ có di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ được quan tâm đầu tư, khai thác du lịch và phát huy được giá trị. Còn hấu hết các di tích khác chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực sự phát huy giá trị. Thậm chí, có những di tích đang bị “tàn phá” quá mức, đáng chú ý như di tích Lầu Bảo Đại, di tích chợ Đầm tròn Nha Trang... Vì thế, theo ông Phạm Văn Chi - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa, việc tổ chức hội thảo sẽ đóng những ý kiến, góc nhìn thẳng thắn, trung thực của giới trí thức tỉnh về thực trạng khai thác, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản của Khánh Hòa hiện nay; qua đó, giúp lãnh đạo tỉnh trong việc quản lý, giữ gìn, khai thác hiệu quả các giá trị di sản vô giá của địa phương.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Theo tiến sĩ Bùi Thị Hồng Tiến (Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa), trong những năm qua tỉnh Khánh Hòa đã làm được nhiều việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa để góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa của Khánh Hòa vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập; việc phát huy giá trị di tích còn chưa đồng bộ, thiếu tính liên kết giữa khai thác du lịch, kinh tế và bảo tồn giá trị văn hóa di tích.

Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tỉnh Khánh Hòa - Anh 3

Cần nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phát huy giá trị di sản, thu hút du khách

Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa thẳng thắn nhìn nhận, một số di tích bị lấn chiếm không gian, cảnh quan bị che chắn; một số di tích nằm trong khu dân cư bị lấn chiếm ranh giới đất chưa phát huy giá trị. Nguồn kinh phí đầu tư tu bổ di tích những năm gần đây bị chậm, việc huy động nguồn lực từ xã hội hóa để thực hiện tôn tạo, tu bổ di tích ở một số địa phương chưa được phát huy hiệu quả. Việc phát huy giá trị di tích còn chưa đồng bộ, thiếu tính liên kết hệ thống di tích tạo thành các tuyến tham quan du lịch. Các cơ quan quản lý nhà nước chưa có cơ chế điều tiết hài hòa lợi ích giữa Công ty lữ hành, du khách, cộng đồng dân cư để huy động và tăng cường các nguồn lực tham gia vào công tác quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa. Các di tích có giá trị văn hóa - lịch sử và cảnh quan nhưng cơ sở hạ tầng không đáp ứng phục vụ du lịch như giao thông, điểm giữ xe, nhà vệ sinh, thu gom rác…

Một số ý kiến thảo luận tại Hội thảo cho rằng, cùng với các địa phương trong cả nước, những năm qua tỉnh Khánh Hòa cũng đã tập trung nguồn lực để tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên trong các địa phương trên địa bàn tỉnh, Nha Trang là địa phương duy nhất trích ngân sách để tôn tạo các di tích trên địa bàn và phần nào đem lại hiệu quả; còn hầu hết các địa phương đều chưa làm được. Điển hình như di tích lịch sử Tàu không số (TX. Ninh Hòa); Thành cổ, Am chúa, Văn miếu… (Diên Khánh); hay nhiều nét văn hóa, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được đưa vào khai thác du lịch. Nhiều di tích, du khách tự khám phá mà chưa có các hướng dẫn viên am hiểu giới thiệu về di tích một cách bài bản, làm mất đi sự hấp dẫn, lôi cuốn đối với du khách. Vì vậy, về lâu dài, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có đội ngũ những người làm HDV.

Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng cho nhân lực hiện đang đảm nhiệm công việc này, nhằm nâng cao trình độ về chuyên môn, cập nhật tiếp thu kiến thức mới áp dụng vào việc quản lý di sản văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đào tạo và bố trí đội ngũ cán bộ giỏi tay nghề, có kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, am hiểu về di tích và văn hóa vùng - miền của địa phương.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Thông qua sự gắn kết giữa công nghệ số với phát triển du lịch thông minh để đưa các nội dung quảng bá giá trị di sản lên các nền tảng công nghệ, qua đó lan tỏa và phát huy giá trị di sản văn hóa đưa di sản đến gần hơn với công chúng.

Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tỉnh Khánh Hòa - Anh 4

Nhiều nét văn hóa, lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được đưa vào khai thác du lịch

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Xuân Long - nguyên Giám đốc Sở Tài Chính Khánh Hòa cho rằng, văn hóa là nguồn cội để phát triển kinh tế - xã hội; trong khi Khánh Hòa là vùng đất có bề dày về lịch sử, văn hóa, các di sản, nhưng chúng ta chưa lan tỏa được điều này. Làm sao để mỗi người dân là một đại sứ văn hóa, phải đưa văn hóa, di sản vào trường học, để ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi người dân, học sinh đều am hiểu để lan tỏa và hưởng lợi từ di tích, di sản văn hóa. Bên cạnh đó, cần đồng bộ cơ chế, chính sách giữa các Sở, ban, ngành, các địa phương. Làm sao, tạo mọi điều kiện để chúng ta phát huy giá trị, quảng bá hình ảnh di sản và thu hút du khách. Tránh tình trạng hạ tầng cơ cở, đường xá xuống cấp, người dân chèo kéo, hàng quán chặt chém… Bên cạnh đó, cần sớm đầu tư các bãi đậu xe du lịch, cho phép dừng xe tại một số khu vực ven biển để người dân tham quan, chụp ảnh; lực lượng chức năng cần phải tận tình hướng dẫn cho du khách chứ không phải hở tý là phạt, vô hình chung làm khó du khách…

Tham dự Hội thảo, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 đưa Khánh Hòa trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, thì việc việc bảo tồn - phát huy giá trị văn hóa các di tích, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh là yêu cầu cấp bách. Ông Tuân ghi nhận những việc làm tích cực mà Hội Trí thức, các cán bộ, nhà nghiên cứu khoa học, văn hóa đã có sáng kiến tổ chức hội thảo, nêu rõ những khó khăn, tồn tại của ngành Văn hóa nói riêng và của cả tỉnh. Trên cơ sở các nghiên cứu khoa học này, Lãnh đạo tỉnh sẽ đề ra các giải pháp, trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích, để từng bước thu hút du khách đến với vùng đất Khánh Hòa giàu đẹp, lan tỏa giá trị và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

NAM PHONG

 

Ý kiến bạn đọc