Tượng Quan Âm đá thời Lê Sơ - Bảo vật quốc Gia tại Bắc Ninh

VHO - Tượng Quan Âm đá thời Lê Sơ còn gọi là Tượng Quan Âm Nam Hải hiện đang được lưu giữ tại chùa Cung Kiệm (Thượng Phúc tự), thôn Cung Kiệm, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Pho tượng cao gần 90 cm gồm bệ tượng và thân tượng, trong đó, chiều cao phần bệ là 37 cm và chiều cao phần thân tượng là 52cm, được làm từ đá nguyên khối.

Tượng Quan Âm đá thời Lê Sơ - Bảo vật quốc Gia tại Bắc Ninh - Anh 1

Tổng thể pho tượng Quan Âm chùa Cung Kiệm. Ảnh: Hiếu Trần

Pho tượng Quan âm chùa Cung Kiệm là hiện vật gốc trong di tích. Do không có phiên bản của hiện vật này trong các di tích hay địa phương khác, nên đây là hiện vật mang tính độc bản.

Ngoài ra, pho tượng Quan âm chùa Cung Kiệm là pho tượng đá duy nhất được tạo tác từ hai khối tách rời gồm phần thân tượng và bệ tượng. Tượng Quan Âm được tạc trong tư thế ngồi tọa thiền bán kiết già, lộ nửa bàn chân phải. Tay trái đặt trên đầu gối trái, lòng bàn tay ngửa, lòng bàn tay cầm pháp khí “bảo bát”, tay phải đưa ra phía trước, bàn tay khép hờ.

Đặc biệt, đây là pho tượng Quan Âm đá duy nhất tạo hình bệ tượng với sự xuất hiện của đôi thủy quái đỡ bệ sen. Đôi thủy quái đang trong tư thế ngóc cao đầu, vượt lên sóng biển,  ngoảnh mặt vào nhau cùng đội lấy đài sen. Hình tượng đôi thủy quái đội đài sen có nguồn gốc từ truyền thuyết Quan Âm Quá Hải trong kinh Phật kể về tích Quan Âm vượt biển nhìn xuống dưới thấy đám thủy quái đang hoành hành dữ dội. Bà đã ra tay cứu vớt chúng sinh và thuần phục đám thủy quái. Nên hình tượng này thường được gắn với hình ảnh quái vật đội tòa sen rước Quan Âm.

Ngoài ra đây cũng là pho tượng Quan Âm duy nhất có minh văn cả trên thân tượng và bệ tượng. Minh văn pho tượng Quan Âm chùa Cung Kiệm cung cấp thông tin về niên đại tạo tác và địa chỉ, tên các tín chủ công đức.

Tượng Quan Âm đá thời Lê Sơ - Bảo vật quốc Gia tại Bắc Ninh - Anh 2

Chạm nổi đôi thủy quái nâng đài sen

Nội dung phần chữ khắc trên lưng tượng được tạm dịch là “Năm Kỷ Tỵ (1449) niên hiệu Thái Hòa thứ 7 triều vua thứ 3 nhà Lê. Các tín chủ ở xã Kiệm, huyện Vũ Ninh, lộ Bắc Giang Trung gồm: Đào Ngân, Nguyễn Thị Biên, Nguyễn Lăng, Đào Thị Điều, Nguyễn Bế/ Bé, Nguyễn Thị Thiểu”.

Đáng lưu ý,  ở phần ghi niên đại có ghi cả niên hiệu, triều đại và năm can chi. Trong đó, phần niên hiệu, triều đại được ghi ở vị trí đầu tiên, thành hai hàng ngang gồm 8 chữ: hàng trên là 2 chữ “Lê triều” - biểu thị cho triều đại đương thời; dòng dưới là 6 chữ “Đệ tam hoàng đế Thái Hòa” - biểu thị cho vị vua đương triều là Lê Nhân Tông, vị vua thứ ba của nhà Lê Sơ, khi lên ngôi ông đặt niên hiệu là Thái Hòa. Thời gian trị vị của vua Lê Nhân Tông gồm 17 năm (1443-1459), hai lần đặt niên hiệu, niên hiệu Thái Hòa (1443-1453), niên hiệu Diên Ninh (1453-1459).

Nội dung phần chữ khắc trên bệ tượng được dịch là “Năm Kỷ Tỵ (1449) niên hiệu Thái Hòa thứ 7, các tín chủ người bản xã gồm: Đào Ngân, Nguyễn Thị Biên, Nguyễn Bế/ Bé, Nguyễn Thị Thiểu, Nguyễn Lăng, Đào Thị Điều” (tên người công đức – PV)

Các nhà nghiên cứu cho rằng, Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ vào hai triều đại Lý - Trần, nhưng bước sang thời Lê sơ khi Nho giáo là hệ tư tưởng chủ đạo với chính sách “trọng Nho khinh Phật”, tư tưởng “Nho giáo độc tôn” thì Phật giáo không còn được quan tâm như các thời kỳ trước đó, việc xây dựng chùa chiền và các đồ tế tự cũng không được chú ý nhiều. Tuy nhiên với hiện tượng pho Quan âm đá chùa Cung Kiệm được tạo tác rất đẹp mà lại do một nhóm người thuộc tầng lớp bình dân ở địa phương hưng công tạo tác thì có thể thấy rằng văn hóa Phật giáo vẫn ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân tận các nơi thôn dã.

Tượng Quan Âm đá thời Lê Sơ - Bảo vật quốc Gia tại Bắc Ninh - Anh 3

Chùa Cung Kiệm – nơi lưu giữ Tượng Quan Âm

Đây là pho tượng rất quan trọng đối với lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử tạo tượng Việt Nam. Tín ngưỡng thờ Quan âm đã được du nhập vào nước ta từ rất lâu nhưng không có một bằng chứng chính xác để xác nhận tín ngưỡng này có mặt tại Việt Nam ở thời điểm nào. Phần sau lưng tượng và phần mặt trước của bệ tượng có khắc niên đại, địa điểm và những người cung tiến. Niên đại ở đây là năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Thái Hoà thứ 7 (1449); địa chỉ của những người cung tiến tại “xã Kiệm, huyện Vũ Ninh, lộ Bắc Giang Trung” (tức thôn Cung Kiệm, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ngày nay). Đây là minh chứng cho việc tín ngưỡng thờ cúng Quan âm nước ta đã có từ rất sớm, ít nhất là đã thịnh hành tại miền Bắc Việt Nam từ thế kỷ 15.

Đồng thời chi tiết này cho chúng ta thấy nét riêng của văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo bản địa - “văn cung tiến” đã xuất hiện ở nước ta từ rất sớm. Ở đây là hoạt động cung tiến đối với Phật giáo. Theo PGS. TS Trần Trọng Dương: “Cung tiến là hoạt động quyên góp từ thiện một cách tự nguyện, là hành vi thể hiện niềm tin của các tín đồ bằng cách đóng góp các loại tài sản khác nhau cho các cơ sở thờ tự của các cộng đồng tín ngưỡng tôn giáo, nói ngắn gọn cung tiến là việc đóng góp tôn giáo. ... Họ tin rằng, sự đóng góp (cả bằng vật chất và hành động lao động công ích) dù ít hay nhiều, đều thể hiện niềm tin và tấm lòng thiện lành của mình đối với cộng đồng tín ngưỡng chung”.

Chùa Cung Kiệm (Thượng Phúc tự) nay thuộc thôn Cung Kiệm, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, được UBND tỉnh Bắc  Ninh xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa vào năm 1996.

Chùa được xây dựng trên một gò đất cao ở cuối làng, quay theo hướng Đông, nhìn ra bến đò Cung Kiệm, xung quanh là cây cối xanh mát. Theo tài liệu văn bia cho biết: Chùa vốn có từ lâu đời, đến thời Lê sơ đã được nhiều người biết đến và cung tiến tiền của vào việc tôn tạo chùa, tạc tượng phật và đặt hậu.

Hiện Chùa còn bảo lưu được 3 tấm bia đá, trong đó có một tấm bia tứ diện được tạo dựng vào năm 1676 và 2 tấm bia “Hậu phật bi ký” được dựng khắc vào năm 1705, 1806. Hệ thống tượng phật được tạo tác công phu nghệ thuật gồm tượng đá Quan Âm có niên đại thời Lê Sơ và tượng gỗ thời Nguyễn… Hội chùa Cung Kiệm tổ chức vào ngày 27 tháng 10 âm lịch hàng năm.

Q.HOA

Ý kiến bạn đọc