Phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa: Phát huy giá trị phải làm gì?

VHO - Ngày 12.3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội; GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ và Pháp luật chủ trì Hội nghị.

Phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa: Phát huy giá trị phải làm gì? - Anh 1

 Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã, đang phát huy giá trị bằng những cách thức khác nhau để thu hút du khách  Ảnh: T.NGHĨA

 Dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, các Cục, Vụ chức năng của Bộ cùng các chuyên gia, nhà khoa học; các tổ chức chính trị, xã hội…

Đặt lên hàng đầu tinh thần vì di sản

Bà Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, Hội nghị nhằm góp phần hoàn thiện dự án luật trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại phiên họp lần thứ 31 tới đây. Những ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị sẽ giúp ban soạn thảo tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật tốt hơn, tạo sự đồng thuận trong xã hội ngay từ khâu soạn thảo.

Phát biểu về quy trình soạn thảo và một số nội dung của dự thảo Luật sửa đổi, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa 2001 và 15 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, việc xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) hiện nay là cần thiết để phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay; đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.

Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, thời gian qua, Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện quy trình soạn thảo dự án Luật với tinh thần trách nhiệm cao, cố gắng đảm bảo các yếu tố chặt chẽ, bài bản, khoa học. Các công việc quan trọng đã được triển khai gồm: Tổng kết thi hành Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật Di sản văn hóa, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Xây dựng dự án Luật; Khảo sát, tọa đàm, hội thảo, xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về các chính sách, nội dung của dự án Luật; Lấy ý kiến về dự án Luật; Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gửi Bộ Tư pháp thẩm định; Tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; Hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ để trình Quốc hội theo quy định…

Phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa: Phát huy giá trị phải làm gì? - Anh 2

 Nghệ nhân gốm Chăm nh: TRẦN HUẤN

Bố cục dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 Chương 101 Điều, tăng 2 Chương 27 Điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 Chương 74 Điều). “Kho tàng di sản văn hóa thực sự đã trở thành những tài sản lớn của đất nước. Thực hiện Luật Di sản văn hóa trong những năm qua, hàng trăm di tích đã được bảo vệ và phát huy giá trị; hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu được giữ gìn, trao truyền và phát huy giá trị trong cộng đồng. Nhưng bên cạnh đó còn là thực trạng nhiều di sản xuống cấp, bị xâm phạm; nhiều di sản phi vật thể, di sản tư liệu mai một, mất mát… Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Bộ VHTTDL chủ trì soạn thảo nhằm khắc phục những bất cập; bổ sung những điểm mới phù hợp xu thế thời đại. Những ý kiến phản biện tại Hội nghị có ý nghĩa quan trọng để ban soạn thảo tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Quốc hội”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Nhận định hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, GS.TS Trần Ngọc Đường (Hội đồng dân chủ - pháp luật) cho rằng, một số nội dung cần được tiếp tục hoàn thiện và làm rõ hơn. Đơn cử như nội dung phát huy giá trị di sản văn hóa. Hầu hết các điều luật đều có 2 chữ “phát huy” nhưng cần rõ hơn nội dung “phát huy” là phải làm gì, như thế nào, khuôn khổ pháp lý ra sao để phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả… Ông cũng cho rằng, thực tế ở nhiều quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển đã làm rất tốt việc khai thác, chuyển hóa giá trị di sản thành sản phẩm thương mại mang đậm bản sắc dân tộc, không chỉ phục vụ quyền được hưởng thụ của người dân mà còn đưa thương hiệu quốc gia ra thế giới. “Trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng, nước ta đang hướng tới phát triển nền công nghiệp văn hóa thì việc khuyến khích làm sống lại, phát huy các giá trị văn hóa của cha ông cần được quy định đầy đủ, rõ ràng, minh bạch trong dự thảo luật để tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động sáng tạo trong việc phát huy các giá trị của di sản văn hóa”, theo GS.TS Trần Ngọc Đường.

TS Lê Thị Minh Lý (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) cho rằng, điều có thể nhận thấy rõ nhất sau hơn 20 năm thực hành Luật Di sản văn hóa chính là tinh thần vì di sản, vì sự phát triển của xã hội và quyền lợi của người dân. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cũng cần cố gắng thể hiện tinh thần này, để người dân và xã hội thấy rõ những mục tiêu chúng ta mong muốn. TS Lê Thị Minh Lý cũng lưu ý những vấn đề liên quan đến huy động các nguồn lực xã hội để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó tránh tình trạng để xảy ra biến tướng, lợi dụng việc tu bổ di sản mà làm tổn hại di sản.

Phát huy giá trị phải làm gì?

Phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa: Phát huy giá trị phải làm gì? - Anh 3

Kho tàng di sản văn hóa thực sự đã trở thành những tài sản lớn của đất nước. Thực hiện Luật Di sản văn hóa trong những năm qua, hàng trăm di tích đã được bảo vệ và phát huy giá trị; hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu được giữ gìn, trao truyền và phát huy giá trị trong cộng đồng.

Nhưng bên cạnh đó còn là thực trạng nhiều di sản xuống cấp, bị xâm phạm; nhiều di sản phi vật thể, di sản tư liệu mai một, mất mát… Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Bộ VHTTDL chủ trì soạn thảo nhằm khắc phục những bất cập; bổ sung những điểm mới phù hợp xu thế thời đại.

(Thứ trưởng HOÀNG ĐẠO CƯƠNG)

Quy định rõ sở hữu di sản văn hóa

Ông Trương Minh Tiến, thành viên Hội đồng Tư vấn Tôn giáo của Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP Hà Nội nhấn mạnh, di sản văn hóa là một tài sản, được xác lập quyền sở hữu và có người đại diện quyền sở hữu. Trong khi đó, hình thức sở hữu toàn dân về di sản văn hóa, nhất là về di tích như đình, chùa, miếu… ở cơ sở hiện nay chưa xác định rõ người đại diện. Vì vậy, sửa Luật cần quy định rõ người đại diện sở hữu. Trên thực tế đang có sự lúng túng về quản lý, bảo vệ, tu bổ, phát huy giá trị di tích ở nhiều địa phương, nảy sinh hiện tượng tự ý tu sửa di tích, tiếp nhận hiện vật đồ thờ cúng không đúng vào di tích…

Phản biện xã hội đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa: Phát huy giá trị phải làm gì? - Anh 4

 Toàn cảnh hội nghị

Đề cập đến vấn đề quy hoạch di tích, ông Tiến cho rằng, việc quy hoạch di tích là di tích quốc gia đặc biệt hiện đang thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên thực tế cho thấy có những bất cập khi các địa phương phải dành nhiều thời gian để xin chủ trương, trình phê duyệt quy hoạch. Ông đề xuất dự án Luật sửa đổi nên giao Bộ VHTTDL phê duyệt quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt sau khi có ý kiến thẩm định của các Bộ, ngành liên quan và Hội đồng di sản văn hóa quốc gia. Ông Trương Minh Tiến cũng kiến nghị việc xác định quyền sở hữu, mua bán cổ vật cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn từ các ngành chức năng, làm được điều này thì sẽ góp phần làm giảm tình trạng mất cắp hiện vật, cổ vật ở các di tích lớn. Theo GS.TS Thái Vĩnh Thắng (Ban Dân chủ - Pháp luật), cần quy định về việc cấm xuất khẩu di vật, cổ vật. Theo Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 thì di vật, cổ vật thuộc các hình thức sở hữu khác (ngoài hình thức sở hữu toàn dân) được mua, bán, trao đổi, tặng, cho và kế thừa ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật. Quy định này mặc dù có ưu điểm là không làm hạn chế quyền sở hữu về cổ vật, di vật về di sản văn hóa nhưng thực tế chứa đựng nhiều nguy cơ mất mát cổ vật, di vật. Việt Nam hiện là quốc gia thành viên tích cực của Công ước của UNESCO năm 1970 về “Các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa”, vì vậy chỉ nên cho phép mua bán, trao đổi, tặng cho và kế thừa cổ vật và di vật thuộc di sản văn hóa ở trong nước, ngoài ra cần cấm các hành vi này ở nước ngoài thì mới có thể bảo đảm các cổ vật, di vật văn hóa Việt Nam không bị mất mát ở nước ngoài.

TS Nguyễn Xuân Năng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng, nên phân định cấp độ khác nhau giữa di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia để có ứng xử phù hợp. “Bảo vật quốc gia là tài sản đặc biệt thì không cho phép kinh doanh cả trong và ngoài nước. Với cổ vật, không cho phép kinh doanh ở nước ngoài. Di vật có thể cho phép mua bán cả trong và ngoài nước…”, theo TS Nguyễn Xuân Năng.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh, Hội nghị đã ghi nhận 17 ý kiến tâm huyết, tham gia góp ý vào dự thảo luật. Các ý kiến đồng tình và đánh giá cao những nội dung tại dự án Luật, đồng thời đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã nghiêm túc, trách nhiệm trong xây dựng dự thảo luật. Nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo, trực tiếp là Bộ VHTTDL tiếp tục nghiên cứu, bổ sung làm rõ những vấn đề mới, những yêu cầu cấp thiết trong bảo vệ, sử dụng và khai thác giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định để làm rõ quan điểm nhân dân là chủ thể trong quá trình bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến tại Hội nghị và tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc nhưng một số nội dung cần được tiếp tục hoàn thiện và làm rõ hơn. Đơn cử như nội dung phát huy giá trị di sản văn hóa. Hầu hết các điều luật đều có 2 chữ “phát huy” nhưng cần rõ hơn nội dung “phát huy” là phải làm gì, như thế nào, khuôn khổ pháp lý ra sao để phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả…

(GS.TS TRẦN NGỌC ĐƯỜNG)

 PHƯƠNG ANH

Ý kiến bạn đọc