Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Học sinh, sinh viên với bản quyền trên không gian mạng: Rất cần những “trung tâm đạo đức” về bản quyền

Thứ Hai 25/04/2022 | 09:00 GMT+7

VHO- Trong tháng Tư này, nhằm hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới và Ngày Sách và Bản quyền thế giới cũng như nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về vấn đề bản quyền trên không gian mạng, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) vừa phối hợp với Trung tâm chuyển giao tri thức và hỗ trợ khởi nghiệp (ĐHQGHN) tổ chức tọa đàm Học sinh, sinh viên với bản quyền trên không gian mạng.

Tọa đàm đã cung cấp nhiều kiến thức về quy định bản quyền cho HSSV

 

Đây còn là dịp để các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan lắng nghe nhu cầu của các đối tượng trong xã hội, đặc biệt là nguyện vọng của học sinh, sinh viên (HSSV), để từ đó tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách hỗ trợ, tạo động lực phát triển cho các hoạt động đổi mới, sáng tạo…

“Ngàn lẻ một” kiểu vi phạm

Theo ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, sự phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ và kỹ thuật số đã đem đến nhiều công cụ sáng tạo; đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức sử dụng mới đối với tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình… Tuy nhiên, môi trường số cũng đặt ra vô vàn thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể. Hoạt động của cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan vì vậy cũng gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, việc xác định, xử lý hành vi vi phạm trong thẩm quyền tài phán quốc gia rất khó khi việc xâm phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia.

Ngay trong lãnh thổ Việt Nam, vấn đề vi phạm bản quyền đang rất nhức nhối ở một số bộ phận người trẻ nói chung, HSSV nói riêng. Dù vô tình hay cố ý, HSSV cũng rơi vào muôn vàn kiểu vi phạm bản quyền. Cụ thể, theo PGS. TS Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật (ĐHQGHN), sao chép là một trong những vấn đề vi phạm bản quyền trên không gian mạng cốt lõi hiện nay của các em: “HSSV thường xuyên phải làm tiểu luận, công trình nghiên cứu khoa học hay chỉ đơn giản là bài tập nhỏ. Tuy nhiên, nhiều em vì không hiểu hết về bản quyền nên đã lên mạng sao chép toàn bộ tài liệu của người khác. Hay để tránh bị thầy cô phát hiện, phần mềm quét trúng, các em còn sao chép hết sức tinh vi bằng cách chỉnh sửa font chữ hoặc sao chép mỗi chỗ vài ý. Kế thừa tri thức là quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi người, nhưng các em phải diễn đạt tri thức đó theo cách của mình chứ không được phép lấy toàn bộ sản phẩm tạo ra từ lao động trí tuệ của người khác. Hành vi này bị coi là vi phạm nghiêm trọng các quy định về bản quyền tác giả”.

Không chỉ sao chép tài liệu, văn bản, trong bối cảnh mạng xã hội và các phương tiện truyền thông phát triển như vũ bão hiện nay, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho hay, thời gian qua, rất nhiều HSSV rơi vào “bẫy” vi phạm bản quyền mà không hề hay biết. “Nhiều em lầm tưởng đăng tải video lên mạng xã hội không vì mục đích doanh thu đã là tuân thủ vấn đề bản quyền. Đây là quan niệm hết sức sai lầm, vì nếu muốn được đăng tải, các em phải có sự đồng ý của tác giả hoặc đơn vị nắm giữ tác quyền và ghi rõ nguồn. Đáng buồn là việc này hầu như không được mọi người làm theo”, bà Phạm Thị Kim Oanh nói.

Luật sư Phan Vũ Tuấn, Trưởng văn phòng luật sư Phan Law Việt Nam cho biết thêm, nếu không trực tiếp có hành vi vi phạm, một bộ phận HSSV lại tiếp tay cho những kẻ khác xâm phạm bản quyền. Thực trạng này xảy ra rất phổ biến trong lĩnh vực văn hóa. Luật sư chỉ rõ: “Thay vì ra rạp xem phim hoặc xem ở những nền tảng cần trả phí bản quyền, các bạn lại đi xem review phim trên mạng. Một bộ phim dài 2 tiếng nhưng chỉ tóm tắt lại bằng video dài khoảng hơn chục phút. Xem review, biết hết tình tiết rồi thì ai còn muốn bỏ tiền ra rạp xem phim nữa. Tôi khuyên các em nếu có nhu cầu xem thì hãy xem trailer rồi đến rạp thưởng thức, bởi nếu chỉ “cày” review trên mạng thì sẽ gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho chủ sở hữu tác quyền, đặc biệt là kinh tế quốc gia”.

Chủ động thay đổi tư duy

Lý giải những vấn đề trên, NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam nhận định, các bạn trẻ vi phạm bản quyền trên không gian mạng xuất phát từ việc nhu cầu là có nhưng điều kiện lại không cho phép. Tuy nhiên, nhiều khi vấn đề không nằm ở kinh phí mà ở mong muốn được sử dụng, thưởng thức các tác phẩm “nhanh, ngay và luôn”. Từ thực tế đó, nhiều HSSV chọn cách dùng tác phẩm lậu, miễn phí tràn lan trên mạng thay vì từ những nguồn chính thống.

Cũng theo NSƯT Xuân Bắc, ngay từ trên ghế nhà trường, thầy cô nên có những quy định để khuyến khích cũng như yêu cầu HSSV tôn trọng bản quyền tác giả, quyền liên quan. Nhà trường hoàn toàn có thể hình thành những “trung tâm đạo đức” về bản quyền tác giả để giáo dục, hình thành nhận thức đầy đủ nhất cho các em. “Bản thân HSSV cũng cần tự thay đổi tư duy, tiếp cận tác phẩm theo hướng văn minh hơn. Không chỉ thay đổi một mình, các bạn cần hình thành cộng đồng thay đổi tư duy, tạo ra những nhóm điều chỉnh hành vi. Chỉ khi tất cả nói không với những tác phẩm lậu, những kẻ tạo ra hành vi xâm phạm bản quyền mới không thể lộng hành”, NSƯT Xuân Bắc khẳng định.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông bày tỏ, HSSV nên suy nghĩ kỹ trước khi hành động để tránh rủi ro pháp lý về bản quyền. Để làm được điều này, HSSV cần chủ động tìm hiểu các quy định về bản quyền. Một khi đã am hiểu, ngoài tránh được vi phạm, chính HSSV sẽ trở thành những “luật sư, người giám sát”, đẩy lùi vấn nạn xâm phạm bản quyền. Lấy ví dụ từ sự việc web phim lậu phimmoi “sập lên sập xuống” rồi lại xuất hiện loạt “biến thể” khác của trang này, ông Nguyễn Quang Đồng nêu, nếu HSSV cùng toàn xã hội phát huy vai trò giám sát, có hành động tẩy chay, chắc chắn không có chuyện các web như vậy có cơ hội “hồi sinh”.

Không chỉ HSSV chủ động thay đổi về tư duy, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh thông tin ở góc độ quản lý nhà nước, để cân bằng lợi ích của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan và đối tượng hưởng thụ, Bộ VHTTDL đang tích cực phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan liên quan trong hoàn thiện dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Trong đó, Luật sẽ thay đổi để cho phép một số trường hợp được sao chép nhưng không vi phạm bản quyền. Quy định về bản quyền cũng sẽ được siết chặt để tránh các đối tượng lách luật, có hành vi vi phạm. Dự kiến, Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) sẽ được đệ trình để Quốc hội xem xét, thông qua trong tháng 5 tới. 

Để tăng cường quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng, Bộ VHTTDL thời gian qua đã hoàn thành việc xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền hồ sơ đề xuất xin gia nhập Hiệp ước về quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT). Theo đó, Việt Nam đã trở thành thành viên của Hiệp ước WCT từ ngày 17.2.2022 và sẽ là thành viên của Hiệp ước WPPT từ ngày 1.7.2022.

ĐÌNH TOÁN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top