Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bảo vật quốc gia lộng lẫy trong không gian ảo 3D

Thứ Sáu 17/09/2021 | 10:12 GMT+7

VHO- Lưu giữ số lượng bảo vật quốc gia nhiều nhất trong hệ thống các bảo tàng, di tích trên toàn quốc, Bảo tàng Lịch sử quốc gia vừa mang đến cho công chúng yêu di sản sự bất ngờ thú vị, với cơ hội chiêm ngưỡng mọi chi tiết, đường nét tinh hoa trên từng bảo vật trong không gian trưng bày ảo 3D.

Một “khách tham quan”vào không gian 3D để chiêm ngưỡng Trống đồng Ngọc Lũ

Chưa từng có, 20 bảo vật quốc gia được lưu giữ tại Bảo tàng, mang trong mình nhiều thông điệp ý nghĩa, lần đầu tiên được người xem chiêm ngưỡng và khám phá theo cách mà bấy lâu nay họ chưa từng trải nghiệm.

Lộng lẫy và tinh tế

Một cú click nhẹ vào đường link: https:// baovatquocgia.baotangso.com, hiện ra trước mắt du khách là trưng bày tương tác ảo 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia, nơi không gian ảo phô diễn ở nhiều góc độ, cấp độ thông tin, cách thức tìm hiểu, trải nghiệm khác nhau về những nét đặc sắc, độc đáo của từng bảo vật.

TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia hào hứng, 20 bảo vật quốc gia hiện đang được Bảo tàng lưu giữ đều mang những giá trị lịch sử tiêu biểu, độc đáo và quý hiếm. Mỗi bảo vật là một di sản quý giá, chứa đựng những thông điệp của quá khứ, tinh hoa của nền văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, phản ánh lịch sử văn hóa lâu đời, truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Trưng bày tương tác ảo 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia lần đầu ra mắt công chúng với một cách tiếp cận nội dung và hình thức thể hiện mới lạ, ứng dụng công nghệ hiện đại. Đây là không gian khám phá đặc biệt hấp dẫn, được thiết kế với mục đích tôn vinh, quảng bá và giới thiệu giá trị của bảo vật đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Bước vào không gian 3D, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những hình ảnh từ nhiều góc độ của Trống đồng Ngọc Lũ, Mộ thuyền Việt Khê, Tượng hai người cõng nhau thổi khèn, Bia Võ Cạnh, Bình hoa lam vẽ Thiên nga, Bia điện Nam Giao, Ấn Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi bảo, Trống Cảnh Thịnh, Kim sách đế hệ thi, cuốn Đường Kách Mệnh, tác phẩm Nhật ký trong tù, Bản thảo Lời Kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Điều đặc biệt là với mỗi bảo vật, công chúng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng, khám phá đa chiều, không chỉ ở nhiều góc độ khám phá thị giác mà còn là những cấp độ thông tin đáp ứng nhu cầu, cách thức tìm hiểu và trải nghiệm khác nhau.

 Hiện vật Cây đèn hình người quỳ

Trên 3D, trống Ngọc Lũ không còn xuất hiện ở trạng thái tĩnh mà chỉ sau một cú nhấp chuột, hình ảnh từ mọi góc độ của bảo vật quốc gia đến từ nền văn hóa Đông Sơn, 2500- 2000 năm cách ngày nay sẽ hiện lên, rõ mồn một từng chi tiết, hoa văn. Những chi tiết quan trọng cũng được đánh số để du khách và các nhà nghiên cứu có thể dừng lại để tìm hiểu kỹ càng. Trong sưu tập gốm phát hiện ở tàu đắm Cù Lao Chàm, Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga (Thời Lê sơ, thế kỷ 15) làhiện vật độc bản, có kích thước lớn nhất và đề tài trang trí đẹp, sinh động. Năm 2012, hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Tương tác 3D trên trưng bày ảo giúp công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng những hoa văn đặc biệt trên bảo vật như băng cúc dây, băng cánh sen trong lòng cuộn vân mây cách điệu… Phần nghiên cứu về hiện vật kể câu chuyện về hành trình từ con tàu đắm cổ đến với Bảo tàng. TS Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ, lợi thế của ứng dụng 3D giúp cho hình ảnh, hoa văn và những giá trị đặc sắc nhất, mang thông điệp văn hóa, lịch sử từ quá khứ đến thế hệ hôm nay một cách rõ nét. Thậm chí, nhiều thông tin còn chi tiết hơn khi công chúng chiêm ngưỡng trực tiếp hiện vật.

Cũng theo ông Đoàn, việc ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D trong giới thiệu trưng bày bảo tàng được thực hiện rất sớm, từ năm 2013 với trưng bày chuyên đề Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam Đèn cổ Việt Nam. Liên tục từ đó đến nay nhiều hoạt động thử nghiệm số hóa đã được tiến hành. Tuy nhiên, do việc chuyển tải giá trị quý của hiện vật tới công chúng vẫn gặp nhiều hạn chế khi không thể quan sát kỹ hoa văn, đường nét, hình khối, việc thu nhận tích hợp thông tin về hiện vật cũng chưa nhiều, bởi vậy từ năm 2020, Bảo tàng tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp ứng dụng 3D, với việc hoàn thiện giới thiệu trưng bày ảo 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia. “Chúng tôi tự hào khi trên không gian ảo 3D, mỗi bảo vật quốc gia không chỉ hiện hữu với đầy đủ những giá trị đặc sắc, tinh tế mà còn gửi đến người xem những thông điệp vô giá của quá khứ, những giá trị tinh hoa của nền văn hóa Việt Nam”, ông Đoàn bộc bạch.

Giao diện chính của Trưng bày 3D Bảo vật quốc gia

Sẽ tiếp tục bổ sung thông tin, nghiên cứu mới

Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc tham quan, trải nghiệm của du khách, việc công bố ứng dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày tương tác ảo 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia được kỳ vọng đem đến cho công chúng cách tiếp cận, khám phá lịch sử dân tộc ngàn năm qua các bảo vật được lưu giữ tại bảo tàng lịch sử hàng đầu ở Việt Nam.

Điều đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ đã xóa nhòa những khoảng cách về không gian mà ngay cả quan sát trực tiếp cũng chưa chắc đã nắm bắt được hết. Chẳng hạn như với báu vật Kim sách đế hệ thi thời vua Minh Mạng, người xem có thể lật từng trang, dò từng chữ… trên hệ thống trưng bày mới. Hoặc với các Bảo vật quốc gia thời kỳ cách mạng như cuốn Đường Kách Mệnh; tác phẩm Nhật ký trong tù, việc số hóa mở ra cánh cửa tiếp cận thuận tiện hơn cho công chúng tham quan. “Trên không gian 3D, người xem có thể nhấp chuột để tiếp cận, nghiên cứu chi tiết từng trang trên bảo vật cuốn Đường Kách Mệnh hay tác phẩm Nhật ký trong tù. Điều này không thể có được với các bản hiện vật gốc”, anh Đặng Phan Điệp, đại diện Công ty Vietsoft pro, đơn vị phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong việc thiết kế, sử dụng các tính năng công nghệ cho biết.

 

Hiện vật Kim sách đế hệ thi

Theo chuyên gia này, việc ứng dụng công nghệ để đưa mỗi bảo vật lên không gian mạng là một bài toán khác nhau, bởi tính chất và đặc thù của hiện vật. “Chúng tôi đã ứng dụng công nghệ có liên quan đến trải nghiệm và tương tác 3D với bảo vật quốc gia. Mỗi bảo vật ở đây được sử dụng công nghệ Scent lazer để khách tham quan khi truy cập vào trang bảo tàng có thể tìm hiểu về bảo vật, hình thức, hoa văn, chất liệu, hình ảnh hiện vật. Ngoài hình ảnh còn có hướng dẫn viên mô tả và giải thích từng nội dung, hoa văn, ý nghĩa của hiện vật. Công nghệ được ứng dụng cũng giúp các chuyên gia của bảo tàng có thể mô tả, giải thích, tương tác trực quan trên không gian 3D”, anh Điệp chia sẻ.

Trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết: “Đây mới chỉ là bước khởi đầu. Khối lượng thông tin về 20 bảo vật quốc gia được đưa lên không gian mạng tương đối lớn, với những thông tin tổng quan và thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, tương tác… Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của du khách, Bảo tàng sẽ tiếp tục bổ sung thêm trong khung tư liệu này những thông tin, nghiên cứu mới, tăng cường tương tác để tạo sức cuốn hút nhiều hơn. Hy vọng đây sẽ là cú hích quan trọng để Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục đến gần hơn với công chúng”.

Cùng với Trưng bày tương tác ảo 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng đồng thời công bố hai ứng dụng công nghệ Tham quan bảo tàng trực tuyến (Tourday online) và Giờ học lịch sử online. Đây là hai ứng dụng đã nhận được hiệu ứng tích cực từ công chúng khi thử nghiệm, đặc biệt trong bối cảnh số hóa phát triển mạnh mẽ và những tác động của đại dịch Covid-19. TS Đoàn cho hay, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung tư liệu làm phong phú hơn cho 3 nội dung ứng dụng công nghệ này, Bảo tàng sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học, các chuyên gia và trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá nhu cầu của khách tham quan để xây dựng các sản phẩm mới. Trước mắt, có thể là giới thiệu hệ thống thuyết minh tự động và những clip giới thiệu về các chuyên đề chuyên sâu. 

 

 Đây mới chỉ là bước khởi đầu. Khối lượng thông tin về 20 bảo vật quốc gia được đưa lên không gian mạng tương đối lớn, với những thông tin tổng quan và thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, tương tác… Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của du khách, Bảo tàng sẽ tiếp tục bổ sung thêm trong khung tư liệu này những thông tin, nghiên cứu mới, tăng cường tương tác để tạo sức cuốn hút nhiều hơn. Hy vọng đây sẽ là cú hích quan trọng để Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục đến gần hơn với công chúng.

(TS NGUYỄN VĂN ĐOÀN, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

 

 BẢO ANH; ảnh: HOÀNG HÀ

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top