Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Từ khát vọng ra đi tìm đường cứu nước...

Thứ Sáu 03/09/2021 | 11:00 GMT+7

VHO-  Kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, Hội thảo khoa học trực tuyến Chủ tịch Hồ Chí Minh với khát vọng độc lập - tự do - hạnh phúc vừa được Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) và Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch phối hợp tổ chức đã một lần nữa làm rõ hơn cuộc đời cách mạng cao đẹp, tri ân cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công cuộc giải phóng, chấn hưng và phát triển dân tộc Việt Nam. 

 Tổng Bí thư dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

PGS.TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để đi tới thực hiện quyền tự do, hạnh phúc của nhân dân và tự do, hạnh phúc của nhân dân chính là tiêu chí căn cốt, thước đo giá trị của độc lập dân tộc. Khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập, tự do, hạnh phúc đã trở thành nguồn động lực, sức mạnh vô cùng to lớn, thúc đẩy nhân dân Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Theo TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập chỉ 5 tháng, Hồ Chí Minh đã tổ chức tổng tuyển cử để lựa chọn ra một Chính phủ để xây dựng một Hiến pháp thực sự phục vụ nhân dân, của dân, vì dân. Đó là nền pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải vì dân, chăm lo cho hạnh phúc mỗi công dân. Trọn cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nỗ lực phấn đấu, hi sinh vì những mục tiêu, giá trị cao cả của dân tộc và nhân loại, trong đó đặc biệt là khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc.

Phó Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Cao Thị Hải Yến cho rằng, đối với mỗi người dân Việt Nam, hơn 75 năm qua, 6 chữ quý giá Độc lập - Tự do - Hạnh phúc được đặt dưới Quốc hiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là CHXHCN Việt Nam, là hiện thân của khát vọng, hệ giá trị vô giá, trở thành lẽ sống, mục tiêu phấn đấu, hi sinh của toàn thể dân tộc Việt Nam. “Chỉ trong thời đại Hồ Chí Minh, khát vọng Độc lập - Tự do - Hạnh phúc mới được hiện thực hóa một cách đầy đủ nhất, bởi vì khát vọng ấy được kiên định thực hiện và không ngừng hoàn chỉnh bằng con đường cách mạng đúng đắn, triệt để với bước đi, lộ trình phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam…”, bà Yến nhấn mạnh. Để thực hiện khát vọng cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi...”, Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm thực hiện cuộc hành trình suốt 30 năm ròng rã (1911-1941) bôn ba ở nước ngoài để tìm ra được con đường cứu nước, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Phó Giám đốc Khu di tích Cao Thị Hải Yến cho rằng, cho đến nay, hành trình hiện thực hóa khát vọng Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của dân tộc Việt Nam đã được tiến hành gần trọn 110 năm (1911-2021)...

Khát vọng ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành không chỉ có giá trị lịch sử to lớn trong thế kỷ XX mà còn có giá trị truyền cảm hứng cho chúng ta thực hiện khát vọng vươn tới tầm cao, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong thế kỷ XXI. Thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước, không chỉ trong nhiệm kỳ 5 năm tới mà còn cho tầm nhìn dài hạn. Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín hiện tại, cùng quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc sẽ càng củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, là nền tảng và động lực quan trọng nhất để Việt Nam đi tới thịnh vượng, hạnh phúc, hiện thực hóa một cách trọn vẹn nhất khát vọng muôn đời của dân tộc: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc và mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” để “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”.

 PGS.TS Lê Văn Lợi phát biểu tại hội thảo

Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Nguyễn Văn Công cho biết, sau khi Bác Hồ qua đời, một quần thể di tích lịch sử - văn hóa - danh nhân được hình thành trong khu vực Phủ Chủ tịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tất cả cảnh quan, hiện vật, tư liệu liên quan đến cuộc đời và hoạt động cách mạng của Bác Hồ trong 15 năm cuối đời được bảo vệ, bảo quản, giữ gìn nguyên trạng, nhằm phục vụ tốt nhất công tác tuyên truyền giáo dục về tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Người cho các thế hệ hôm nay, mai sau và mãi mãi về sau này. Trong những năm qua, Khu di tích đã bảo tồn và phát huy những giá trị tinh thần vô giá, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để tuyên truyền rộng rãi trong nước và nước ngoài, thông qua nhiều hình thức đa dạng. Khu di tích đã trở thành nơi hội tụ, lan tỏa những giá trị nhân văn cao cả, tư tưởng, phản ánh tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, được Đảng, Nhà nước ta coi là “địa chỉ đỏ” giúp bạn bè thế giới hiểu thêm về Bác Hồ, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, qua đó hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam, bày tỏ lòng kính trọng đối với Bác Hồ và thắt chặt thêm tình hữu nghị Việt Nam - thế giới.

Tổng kết Hội thảo, Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Nguyễn Văn Công nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng khát vọng của Người về độc lập, tự do, hạnh phúc vẫn là nguồn động lực và sức mạnh trường tồn để nhân dân Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiếp tục soi sáng công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Điều đó được minh chứng rõ trong thành tựu của đất nước qua 35 năm đổi mới, thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đã nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh và thành tựu của 35 năm đổi mới, trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” tiếp tục là định hướng quan trọng soi rọi con đường đi lên của dân tộc trong bối cảnh mới. 

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

 Nhân kỷ niệm 76 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, cũng là kỷ niệm 52 năm Ngày Bác Hồ đi xa, hôm qua 2.9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Trong không khí trang nghiêm và xúc động, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thắp nén hương thơm, thành kính tưởng nhớ và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Cha già dân tộc, lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, người đã để lại kho tàng vô giá, những bài học quý báu về tư tưởng, đạo đức, phong cách, lối sống cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo. Năm nào cũng vậy, đúng vào dịp lễ trọng của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn, ghi nhớ công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam.

Nhấn mạnh đến đây là để học tập, tưởng nhớ, ghi nhớ lời dạy của Bác, cố gắng tự soi, tự sửa, tự rèn luyện mình, có thêm tiến bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải luôn luôn trân trọng biết ơn các vị anh hùng dân tộc, trong đó đặc biệt có Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thế giới tôn vinh, người chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc, mẫu mực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, chúng ta tiếp tục học tập, noi gương, làm theo Bác và truyền lại cho các thế hệ mãi sau này, đoàn kết một lòng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, nhân dân thực sự có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, giữ vai trò, vị thế xứng đáng trên trường quốc tế như Bác Hồ đã dạy...

PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top