Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Muốn định vị thương hiệu, các bảo tàng phải quyết liệt với những vấn đề sống còn

Thứ Sáu 04/06/2021 | 17:11 GMT+7

VHO- Sáng 4.6 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với các Bảo tàng  thuộc Bộ về tình hình thực hiện nhiệm vụ, những vấn đề khó khăn, tồn đọng, cấp bách cần giải quyết.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chủ trì làm việc với các Bảo tàng  thuộc Bộ

Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương;  Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch tài chính, Văn phòng Bộ và các Bảo tàng trực thuộc Bộ...

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, lãnh đạo Bộ  đã chỉ đạo các đơn vị tập trung nghiên cứu, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ và đặc biệt là tiếp cận theo hướng định vị lại chức năng, nhiệm vụ, việc thực thi, phát hiện những “điểm nghẽn” để báo cáo với cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Nhiều vướng mắc, khó khăn của các đơn vị đã được báo cáo các cấp có thẩm quyền. Gần đây nhất là ngày 2.6, Thủ tướng đã làm việc với lãnh đạo Bộ VHTTDL, những vấn đề có tính chất “điểm nghẽn” đã được Thủ tướng cho phép tháo gỡ và có lộ trình thực hiện.

Bộ trưởng ghi nhận các Bảo tàng thuộc Bộ với vai trò là các thiết chế văn hóa quốc gia, trong thời gian qua đã  có nhiều nỗ lực vượt khó. Tuy nhiên, bối cảnh tác động của dịch Covid-19 đã khiến cho hoạt động của các Bảo tàng đang đứng trước nhiều thách thức. Bộ trưởng cho rằng, cần thiết phải có cuộc làm việc này để tiếp tục lắng nghe, đồng hành và cùng các đơn vị tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc.

Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, dịch bệnh Covid-19  diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các bảo tàng. Tuy nhiên, các bảo tàng vẫn chủ động, linh hoạt duy trì hoạt động, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế, Bộ VHTTDL và tuân thủ nghiêm các văn bản hướng dẫn của chính quyền địa phương về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị Bảo tàng cần nhìn thẳng vào những khó khăn để tìm giải pháp tháo gỡ

Hoạt động các Bảo tàng đã và đang trực tiếp thực hiện công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, giáo dục truyền thống, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao tri thức văn hoá, khoa học cho công chúng và góp phần phát triển du lịch. Không chỉ trưng bày trong nước, các Bảo tàng còn tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác, đưa hiện vật ra nước ngoài, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Hoạt động giáo dục, truyền thông và thu hút khách tham quan được tăng cường . Đặc biệt, các Bảo tàng còn sáng tạo nhiều hình thức giáo dục di sản văn hóa trực tuyến cho đối tượng học sinh trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh Covid- 19.

Đặc biệt, các Bảo tàng đã từng bước đưa ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt  động, vừa đảm bảo phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19, vừa từng bước tiếp cận xu hướng ứng dụng công nghệ của các Bảo tàng hiện đại trong khu vực và trên thế giới.

Giai đoạn từ 2016- 2020, lượng khách tham quan đến các bảo tàng ngày càng đông. Bảo tàng Lịch sử quốc gia đón 629.041 lượt khách, doanh thu từ vé đạt 16 tỉ đồng; Bảo tàng Hồ Chí Minh đón 5.889.526 lượt khách, doanh thu từ về đạt trên 37 tỉ đồng; Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đón 243.560 lượt khách, doanh thu từ vé đạt trên 8 tỉ đồng; Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam 230.306 lượt khách, doanh thu từ vé đạt gần 4 tỉ đồng.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại buổi làm việc

Mặc dù bị ảnh hưởng  nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, phải đóng cửa các trưng bày nhưng các Bảo tàng vẫn thực hiện tốt công tác kiểm kê, bảo quản phòng ngừa, bảo quản trị liệu hiện vật. Đặc biệt, các Bảo tàng tập trung vào gìn giữ, bảo vệ và phòng ngừa các nguy cơ nguy hại đến hiện vật và các sưu tập hiện vật tại kho bảo quản và trên trưng bày.

Làm rõ hơn báo cáo tổng quan chung, lãnh đạo các bảo tàng  báo cáo Bộ trưởng về  kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, đồng thời thẳng thắn nêu lên những vướng mắc, hạn chế và khó khăn mà từng đơn vị đang phải đối diện. Ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh báo cáo, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động của Bảo tàng. Bên cạnh đó là thực trạng hệ thống trang thiết bị kỹ thuật đã cũ và đang xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu. Hệ thống trưng bày cố định hơn 30 năm chưa chỉnh lý, ảnh hưởng đến chất lượng tuyên truyền…

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ về thực tế không gian trưng bày diện tích còn nhỏ, thiếu không gian trưng bày tác phẩm đương đại; không gian trải nghiệm còn hạn chế... Tuy nhiên, nỗ lực khắc phục khó khăn, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh số hóa hoạt động như một giải pháp thích ứng với bối cảnh đại dịch Covid-19.  Ứng dụng công nghệ thuyết minh đa phương tiện Imuseum VFA của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa ra mắt đã nhận được sự hưởng ứng của công chúng trong và ngoài nước, phá vỡ rào cản khoảng cách địa lý để đưa những báu vật của nền mỹ thuật Việt Nam đến với mọi người, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh trong tay.

Nhìn thẳng vào khó khăn để tìm giải pháp

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, một số khó khăn về cơ sở vật chất của các Bảo tàng  thuộc Bộ đến nay đã cơ bản có hướng tháo gỡ. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các Bảo tàng với tinh thần suy nghĩ thật, nói thật, hành động thật để đề cập những thuận lợi, khó khăn cùng các kiến nghị xác đáng, khả thi. “Với tinh thần quyết tâm khắc phục khó khăn, quyết liệt hành động và khát vọng cống hiến, các Bảo tàng cần có cách nhìn và phương pháp tiếp cận mới để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình trong thời gian tới”, Bộ trưởng yêu cầu.

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa Lê Thị Thu Hiền phát biểu tại buổi làm việc

Theo Bộ trưởng, trong những năm qua, các Bảo tàng thuộc Bộ đã  tập trung vào nhiệm vụ  quan trọng là lưu giữ, bảo quản các giá trị di sản văn hóa của dân tộc; phát huy vai trò là địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng, lòng  tự hào dân tộc cho các thế hệ. Từng thiết chế Bảo tàng đã luôn nỗ lực tìm cách thu hút công chúng đến để tìm hiểu lịch sử và truyền thống văn hóa, thực hiện lời dạy của Bác Hồ:  “Dân ta phải biết sử ta...”.  Đồng thời, các Bảo tàng cũng đã phát huy vai trò quan trọng trong việc góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

“Thực hiện những chức năng, nhiệm vụ quan trọng này, hệ thống bảo tàng thuộc Bộ trong thời gian qua đã nỗ lực vượt khó để hoàn thành trọng trách được giao”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Cụ thể, các Bảo tàng đã giành nhiều thời lượng, công sức tập trung cho nhiệm vụ trưng bày triển lãm, chất lượng ngày càng được nâng cao, tạo sức hút mạnh mẽ với du khách. Bên cạnh đó, các Bảo tàng đã chủ động liên kết với ngành giáo dục đào tạo thực hiện các hoạt động giáo dục, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, phát huy và lan tỏa những  giá trị văn hóa dân tộc thông qua các hiện vật, hình ảnh trưng bày.

Hoạt động nghiên cứu và sưu tầm hiện  vật cũng được  nỗ lực thực hiện, bổ sung vào kho tàng di sản vô giá  nhiều hiện vật lịch sử, văn hóa giá trị. Cùng với đó, từng thiết chế Bảo tàng với đặc thù riêng đã chủ động khai thác nhiều nguồn lực để phát huy cơ sở vật chất, chống xuống cấp, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà phát biểu

Ghi nhận những nỗ lực, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, các Bảo tàng cũng cần phải lưu ý việc “định vị” lại chúng ta đang ở đâu. Đặt cạnh những Bảo tàng hiện đại trên thế giới, các Bảo tàng của Việt Nam tương thích ở điểm nào. Từ cách tiếp nhận như vậy, các Bảo tàng cần thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, hạn chế, nhìn thẳng vào khó khăn để tìm giải pháp.

“Với yêu  cầu ngày càng cao, các Bảo tàng phải thấy rằng, điều khó nhất hiện nay là nhận thức vấn đề xây dựng bảo tàng theo hướng chuyên nghiệp, có chiều sâu vẫn chưa rõ. Nhiều lúc, nhiều nơi vẫn chỉ nghĩ rằng Bảo tàng là “ngôi nhà” để chứa đựng các hiện vật, thiếu đi tính mỹ thuật, giá trị thẩm mỹ. Vì vậy mà sức hấp dẫn, lôi cuốn chưa có; nhiều hiện vật có giá trị không được trưng bày mà đưa vào cất trong kho...”, Bộ trưởng thẳng thắn.

Từ góc nhìn này, Bộ trưởng chỉ rõ, những khó khăn lâu nay của các Bảo tàng cần được đề xuất một cách tổng thể với lãnh đạo các cấp.  Cần phát huy được sức mạnh tổng hợp để cùng nhau tháo gỡ khó khăn.

Quyết liệt với những vấn đề sống còn

Bộ trưởng lưu ý, trong bối cảnh công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh, chuyển đổi số phải được xác định là một trong  những vấn đề sống còn của các Bảo tàng. Tuy nhiên thực tế các đơn vị còn rất lúng túng, chuyển đổi số chưa đồng đều. Bộ trưởng đánh giá cao những kết quả tích cực bước đầu từ việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong thời gian qua. Đồng thời lưu ý, những kết quả này cần được nhân rộng và triển khai mạnh mẽ hơn, đặc biệt phải chú ý cơ sở dữ liệu để phát huy hiệu quả hoạt động của Bảo tàng trong tình hình mới hiện nay.

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Văn Đoàn phát biểu

Bộ trưởng cũng chỉ rõ một số bất cập thường thấy trong hoạt động của các Bảo tàng hiện nay như thiếu cơ chế phối hợp với các Bảo tàng ở các tỉnh, thành; một số đơn vị chưa phát hiện được những bất cập về cơ chế để đề xuất; những vấn đề bức xúc như có thiết chế mà không hoạt động được... Đây là những bài toán rất khó. Theo Bộ trưởng, trước  những phản ánh của dư  luận, các Bảo tàng có thể kiến nghị lãnh đạo cho nghiên cứu chuyên đề để tìm nguyên nhân. Do vị trí xây dựng Bảo tàng ? Do phương thức trưng bày? Công tác truyền thông còn hạn chế? ... Phải phân tích để tìm cho ra được lời giải.

Mặt khác, hoạt động của Bảo tàng muốn sống động thì phải đẩy mạnh liên kết hơn nữa, chú ý công tác truyền thông để tạo sức ảnh hưởng đối với đời sống xã hội.

Trước những vấn đề thực tế đang đặt ra, Bộ trưởng yêu cầu các Bảo tàng nghiêm túc nhìn nhận và có những chuyển hướng phù hợp. Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ VHTTDL đang trình Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển văn hóa  và một số đề án nằm trong Chiến lược, trong đó  có vấn đề giữ gìn, phát huy  giá trị di sản, bảo tàng. Bộ trưởng khẳng định, thiết chế văn hóa có tính chất đặc biệt là Bảo tàng phải có sự phát triển đúng tầm.

Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam Nguyễn Thị Ngân phát biểu

Bộ trưởng đề nghị các đơn vị cần chủ động tư duy, chuyển hướng theo cách tiếp cận dịch vụ công. Phải quyết liệt để thay đổi trong suy nghĩ, nhận thức và cố gắng tìm kiếm các nguồn lực đáp ứng các yêu cầu đặt ra . Theo đó, mỗi Bảo tàng cần tiếp tục khẳng định vị trí, giá trị cốt lõi của mình là gì, từ đó tìm ra hướng đi hiệu quả. Đồng thời, phải  đẩy mạnh truyền thông, có cơ chế phối hợp với báo chí để quảng bá thương hiệu...

“Các Bảo tàng hãy suy nghĩ nhiều hơn về những khái niệm, cách làm mới, trong đó chú ý đẩy mạnh hơn nữa về giáo dục truyền thống . Từ nền tảng đã có, đưa không gian của Bảo tàng trở thành những mô hình giáo dục ngoại khóa ngoài nhà trường. Ví dụ, Bảo tàng Mỹ thuật có thể phối hợp với các trường học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục về mỹ thuật, đưa những tác phẩm hội họa giá trị đến gần hơn với đời sống...”, Bộ trưởng gợi ý.

Với  mục tiêu xây dựng các Bảo tàng trở thành những thương hiệu, điểm đến hấp dẫn với du khách, các đơn vị cần chủ động phối hợp với Tổng cục du lịch; xây dựng các tour, tuyến tham quan đến các Bảo tàng. Theo Bộ trưởng, các Bảo tàng có thể sử dụng thời gian tạm dừng hoạt động vì đại dịch Covid-19 hiện nay để chuẩn bị những nội dung này, sẵn sàng triển khai khi điều kiện cho phép.

Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh phát biểu

Đặc biệt, với nhiệm vụ trọng tâm của các Bảo tàng là sưu tầm hiện vật, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị có kế hoạch sưu tầm, luân chuyển hiện vật thường xuyên để luôn tạo diện mạo mới mẻ, hấp dẫn. Nhân các ngày lễ, sự kiện chính trị quan trọng, các Bảo tàng có thể tổ chức các cuộc vận động sưu tầm hiện vật theo hướng xã hội hóa.  “Chỉ cần có cách làm hiệu quả và thực hiện bằng tâm huyết, tôi cho rằng các Bảo tàng sẽ sưu tập được nhiều hiện vật giá trị...”, Bộ trưởng chia sẻ.

Song song với công tác chuyên môn, lãnh đạo Bộ yêu cầu các đơn vị trong khối Bảo tàng cần quyết liệt  khắc phục triệt để những vấn đề đang còn “nợ đọng”. Tập thể các đơn vị phải xây dựng, phát huy tinh thần đoàn kết để hoàn thành hiệu quả nhất các nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò là những thiết chế văn hóa hàng đầu trong hệ thống Bảo tàng cả nước.

Cùng với những kết quả ban đầu, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tiếp tục đề xuất giải pháp phát triển hệ thống cơ sở vật chất, giải quyết những vấn đề khó khăn kéo dài thời gian qua. Với sự chủ động, quyết liệt hành động và khát vọng cống hiến, Bộ trưởng tin rằng tổng hợp các nguồn lực sẽ tạo nên sức mạnh để thời gian tới, các Bảo tàng sẽ có một hệ thống cơ sở vật chất xứng tầm.

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ các bảo tàng  nhanh chóng tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, Bộ trưởng giao Cục Di sản văn hóa  tham mưu lãnh đạo Bộ  tổ chức họp giao ban khối Bảo tàng và di tích  định kỳ 3 tháng, 6 tháng, do Bộ trưởng và Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực trực tiếp chỉ đạo để rà soát thường xuyên, kịp thời tháo gỡ vướng mắc.

BẢO ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top