Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

“Định vị” rõ nhiệm vụ của công tác quản lý nhà nước về gia đình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tạo sự đột phá trong khát vọng xây dựng gia đình hạnh phúc

Thứ Tư 02/06/2021 | 11:17 GMT+7

VHO- “Mục đích lớn nhất của công tác quản lý nhà nước về gia đình là hướng tới xây dựng mọi gia đình văn hóa và hạnh phúc. Chính vì vậy cần phải có giải pháp để làm sao trong mỗi một gia đình Việt Nam lấy hạnh phúc làm hàng đầu. Để làm được điều này, Vụ Gia đình cần tích cực nghiên cứu, tham mưu với lãnh đạo Bộ đề ra những bộ giải pháp hiệu quả để công tác quản lý nhà nước về gia đình có chuyển biến mạnh mẽ ”.

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chủ trì buổi làm việc

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh điều này tại buổi làm việc với Vụ Gia đình vào chiều qua 1.6 tại Hà Nội. Cùng dự có Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, lãnh đạo Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế.

Những băn khoăn từ quản lý…

Với tinh thần thẳng thắn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ lãnh đạo Bộ mong muốn được nghe những ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm từ lãnh đạo và cả chuyên viên Vụ Gia đình đối với công tác quản lý, tham mưu về những vướng mắc cần được tháo gỡ hiện nay, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động tới công tác gia đình như thế nào.

Vụ trưởng Vụ Gia đình Trần Tuyết Ánh báo cáo về công tác gia đình 5 tháng đầu năm cũng như nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021, trong đó có các nhiệm vụ cần trình Bộ xem xét như: Xây dựng hồ sơ đề xuất Ban Bí thư ban hành văn bản mới về công tác gia đình trong tình hình mới, thay thế cho Chỉ thị số 49-CT/TW về xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ CNH-HĐH đất nước; Xây dựng trình Bộ trưởng gửi Chính phủ Hồ sơ Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Trình Bộ trưởng xem xét, gửi trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới; Chương trình quốc gia về truyền thông, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030; Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam 28.6, Ngày Gia đình Việt Nam năm 2021 và triển khai Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình…

Tại buổi làm việc, đại diện các Cục, Vụ, viện có liên quan đã nêu ra những khó khăn, hạn chế trong công tác tham mưu, quản lý nhà nước về gia đình: Kinh phí sự nghiệp chi cho công tác gia đình còn hạn chế; bộ máy tổ chức lĩnh vực gia đình ngày càng bị thu hẹp ở cơ sở, hầu hết là kiêm nhiệm. Vụ Gia đình còn có chức năng quản lý nhà nước về dịch vụ công... Hầu hết các địa phương chưa có cộng tác viên cơ sở, người đứng đầu chưa quan tâm do chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tầm quan trọng của công tác gia đình đối với sự ổn định và phát triển xã hội. Nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát, đánh giá lại chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và cần đề xuất kiện toàn chức năng, nhiệm vụ gia đình trong báo cáo; Rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật liên quan tới công tác gia đình, nếu phải bổ sung, sửa đổi cũng cần có kiến nghị; Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) để lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cơ bản thống nhất về những nhiệm vụ trọng tâm mà Vụ Gia đình đề nghị. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị Vụ Gia đình cần dành nhiều hơn nữa thời gian nghiên cứu vào các nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Hoàn thành Hồ sơ Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) vào tháng 11.2021; Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới; Việc triển khai thực hiện thí điểm “Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình”...

Ghi nhận những ý kiến và đề xuất của lãnh đạo Vụ Gia đình và đại diện các Cục, Vụ liên quan, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định, một trong những vấn đề vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về Gia đình hiện nay đó chính là tư tưởng tự hạn chế chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình. Chính vì vậy, bản thân cơ quan này cần phải làm rõ hơn bài toán định vị cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của mình để tránh nhầm lẫn, chồng chéo.

Có tâm huyết, có khát vọng xây dựng gia đình Việt Nam phát triển bền vững, hạnh phúc nhưng những người làm công tác quản lý nhà nước cần phải thay đổi tư duy, nhận thức không chỉ của xã hội mà của chính mình để có một cách tiếp cận mới, mạnh dạn tháo gỡ dần những vướng mắc để tạo sự đột phá trong công tác quản lý gia đình nói riêng và cái đích lớn nhất là xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc cho toàn xã hội. Điều này không chỉ là trách nhiệm của Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL mà còn là trách nhiệm cần phối hợp thực hiện của tất cả các Bộ, Ban, ngành, tổ chức, xã hội và mỗi thành viên trong gia đình. “Sự tương tác hoặc trao đổi giữa lãnh đạo Bộ với Vụ Gia đình và các đơn vị liên quan đã giúp chúng ta nhìn thấy một cách tổng thể hơn những khó khăn, vướng mắc của công tác quản lý nhà nước về gia đình trong thời gian vừa qua, đặc biệt 5 tháng đầu năm 2021 dưới tác động của đại dịch Covid-19. Trước yêu cầu của đời sống xã hội, công tác gia đình hiện nay đang gặp rất nhiều những thách thức, như nguồn lực đầu tư về kinh phí chưa lớn, đội ngũ cán bộ quá mỏng... Những vấn đề lớn về gia đình được quy định ở nhiều văn bản quy phạm khác nhau và cũng được phân công ở nhiều lĩnh vực khác nhau không chỉ thuộc phạm vi của Bộ VHTTDL mà còn ở nhiều Bộ, ngành. Lãnh đạo Bộ rất chia sẻ với những khó khăn mà Vụ Gia đình đang phải đối diện. Trong số các nhiệm vụ lãnh đạo Bộ phê duyệt cho Vụ Gia đình có những công việc đã được thực hiện, có những nhiệm vụ đang triển khai nhưng rất mừng là không phải điều chỉnh nhiệm vụ nào. Cũng ghi nhận lãnh đạo Vụ Gia đình đã năng động, sáng tạo tìm kiếm các nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế để tham gia đóng góp thêm kinh phí trong nhiều hoạt động”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

 Ảnh minh họa

Nếu thấy có vấn đề bất cập thì cần lên tiếng kiến nghị

Cho rằng bản thân cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình vẫn còn nhiều “lấn cấn” về thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ quản lý, dẫn tới sự lúng túng trong công tác tham mưu quản lý nhà nước, Bộ trưởng đề nghị Vụ Gia đình cần nghiên cứu thật thấu đáo trong việc đổi mới tư duy, sáng tạo để làm sao tham mưu cho lãnh đạo Bộ những chủ trương, chính sách và giải pháp phù hợp với tình hình thực tế. Nếu thấy có vấn đề bất cập hoặc chưa thỏa đáng trong cơ chế hoạt động hay trong các văn bản quy phạm pháp luật thì cần lên tiếng kiến nghị. Với những vấn đề trong phạm vi, thẩm quyền của Bộ, lãnh đạo Bộ và các đơn vị quản lý nhà nước sẽ cùng tìm cách tháo gỡ. Những ý kiến, kiến nghị về cơ chế, chính sách hay sửa đổi các văn bản quy phạm liên quan tới công tác gia đình vượt thẩm quyền của Bộ thì giao cho cơ quan, đơn vị tổng hợp xem xét, trình lãnh đạo Bộ để Bộ kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết…

Bộ trưởng đề nghị Vụ Gia đình cần phối hợp để hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đặc biệt chú trọng để các báo cáo phải thực sự cụ thể và có lý lẽ, căn cứ thuyết phục. Bộ trưởng cũng đề nghị Vụ Gia đình phối hợp với Vụ Pháp chế rà soát lại các văn bản quy định về lĩnh vực gia đình để làm sao có được sự thống nhất giữa các cấp có thẩm quyền, giữa các Bộ, Ban, ngành. Bộ trưởng yêu cầu phải tổ chức báo cáo tổng kết về việc thực hiện thí điểm “Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình” trước ngày 30.6. Tổ chức tổng kết dưới hình thức nào, ở thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19 là điều cần nghiên cứu, nhưng không thể không làm. Bởi công việc này đã có những tác động tích cực trong đời sống xã hội và rất cần trong giai đoạn hiện nay. Việc xây dựng Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cũng như xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 đều phải thật sự có giá trị thực tiễn cao.

Đánh giá cao sự vào cuộc của nhiều Bộ, Ban, ngành và tổ chức trong các hoạt động của công tác gia đình, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định: “Sự chung tay của toàn xã hội với cơ quan quản lý nhà nước đã mang lại những kết quả tích cực của công tác gia đình trong tổng thể chung các thành tựu của văn hóa, thể thao, du lịch. Công tác gia đình cần phải nỗ lực huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển. Qua đó, góp phần tạo nên sức mạnh nội sinh giúp cho ngành văn hóa thực hiện, ngăn chặn được sự xuống cấp đạo đức. Phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển” của Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ VHTTDL nhiệm kỳ 2020-2025 rất cần những người làm công tác quản lý nhà nước về gia đình đặt lên hàng đầu”.

Bộ trưởng nhận định, Đảng và Nhà nước luôn hướng tới mục đích chăm lo xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Đề cập đến vấn đề xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời gian tới, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống. Thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã đặt mục tiêu “nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”. Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước cho thấy gia đình là một thiết chế đặc biệt trong xã hội.

Vai trò đặc trưng và ý nghĩa quan trọng nhất của gia đình là duy trì nòi giống và nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người suốt cuộc đời. Gia đình là tế bào của xã hội. Tế bào có tốt thì xã hội mới phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. 

 Có tâm huyết, có khát vọng xây dựng gia đình Việt Nam phát triển bền vững, hạnh phúc, nhưng những người làm công tác quản lý cần phải thay đổi tư duy, nhận thức không chỉ của xã hội mà của chính mình để có một cách tiếp cận mới, mạnh dạn tháo gỡ dần những vướng mắc để tạo sự đột phá trong công tác quản lý gia đình nói riêng và cái đích lớn nhất là xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc cho toàn xã hội.

(Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG)

 

 

 THÚY HIỀN; ảnh: VŨ MỪNG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top