Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Ngành giải trí thế giới đang truyền đi thông điệp tích cực

Thứ Sáu 12/02/2021 | 11:27 GMT+7

VHO- “Làn gió độc” Covid-19 đã phủ lấp khắp các châu lục khiến cuộc sống và nền kinh tế thế giới trong năm qua bị đảo lộn và đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có. Một trong những lĩnh vực bị tổn thất nghiêm trọng nhất là ngành công nghiệp giải trí với hàng loạt dự án phá sản, các rạp chiếu, nhà hát đóng cửa vô thời hạn, show diễn bị hủy, nhiều ngôi sao nổi tiếng bị Covid-19 “hỏi thăm”…

Ban nhạc BTS thể hiện tình yêu với người hâm mộ qua buổi hòa nhạc trực tuyến

Tuy nhiên, cũng trong “cuộc chiến” cam go này, nhiều giải pháp sáng tạo, độc đáo chưa từng có tiền lệ đã ra đời để truyền đi những thông điệp tích cực.

Công nghiệp giải trí thế giới lao đao

“Kinh đô điện ảnh” Hollywood khởi đầu đầy hào hứng với một trong những “bom tấn” được mong chờ nhất năm nay Fast & Furious 9, theo kế hoạch sẽ bắt đầu khởi chiếu từ ngày 22.5, tuy nhiên, do tình hình nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, lịch ra mắt bộ phim dự kiến sẽ lùi lại… 1 năm, vào khoảng tháng 4.2021. Siêu phẩm James Bond mới nhất No Time to Die cũng được thông báo hoãn đến tháng 4 năm sau. Cùng với đó là nhiều sự kiện âm nhạc lớn đã bị hủy như: Lễ hội âm nhạc điện tử Ultra ở Miami (Mỹ) lần đầu tiên bị hoãn tổ chức trong lịch sử 21 năm của mình, hay tour diễn của các nghệ sĩ đình đám như nhóm BTS, Mariah Carey, Khalid, Avril Lavigne, Taylor Swift, Madonna... cũng buộc phải thông báo hoãn vô thời hạn để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của cả triệu người hâm mộ cũng như cộng đồng trước tình hình đại dịch.

Sự bùng nổ nhanh chóng của virus SARSCoV-2 tại châu Âu và châu Mỹ đã khiến hàng loạt những cuộc thi, lễ hội âm nhạc lớn nhất thế giới cũng phải tuyên bố hủy hoặc hoãn, trong đó có lễ hội Coachella với dự kiến hàng chục nghìn khán giả, Lễ hội SXSW, MIPTV, Tomorrowland winter, Giải thưởng Âm nhạc Billboard 2020, Giải thưởng Kids’ Choice, Lễ trao giải thưởng âm nhạc iHeartRadio... Cuộc thi âm nhạc châu Âu Eurovision Song Contest 2020, một trong những sự kiện truyền hình lớn nhất thế giới, sau 64 năm tổ chức, đây là lần đầu tiên cuộc thi bị hủy bỏ. Theo dự kiến, Eurovision Song Contest năm 2020 được tổ chức vào tháng 5 tại Rotterdam, Hà Lan, kéo dài trong vòng một tuần với sự tham gia của các thí sinh đến từ 41 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến thời điểm này, Ban tổ chức Eurovision Song Contest vẫn chưa tìm được địa điểm sẽ tổ chức sự kiện vào năm 2021.

Disney nhanh chóng triển khai kế hoạch chiếu “Hoa mộc lan” trực tuyến

Ray Waddell, Chủ tịch Truyền thông và Hội nghị tại Oak View Group, công ty sở hữu Pollstar cho biết: “Có cả một nền kinh tế xung quanh các buổi lưu diễn và mọi người đều bị ảnh hưởng. Ban đầu là nghệ sĩ rồi đến các sân vận động, những nhân viên hậu đài và đại lý du lịch. Về mặt đạo đức, các nhà sản xuất đang cố gắng làm điều đúng đắn cho các nghệ sĩ và những người hâm mộ khi quyết định hủy bỏ”. Mỗi một chương trình diễn ra cần sự chuẩn bị vài tháng trời với sự tham gia của ê kíp hàng trăm người. Bên cạnh đó là sự đầu tư lên đến cả triệu USD cho trang phục, âm thanh, ánh sáng, hệ thống đèn LED... Các nhà sản xuất gần như mất trắng hoặc lấy lại được rất ít số tiền đã bỏ ra đầu tư. Chưa kể, họ phải hoàn lại tiền cho những người đã đặt vé từ trước. Hiện, chưa có một thống kê chính xác, chưa có một con số cụ thể nào về những thiệt hại kinh tế, chỉ có thể ước tính được là rất lớn.

Giải trí trực tuyến bội thu

Ca sĩ người Tây Ban Nha Beatriz Berodia biểu diễn hằng tối từ ban công nhà cô (ảnh Reuters)

Dù đại dịch Covid-19 đang gây thiệt hại lớn cho toàn thế giới nhưng không vì thế mà đời sống văn hóa, giải trí bị ngưng trệ, trái lại, khó khăn lại trở thành nguồn cảm hứng, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho con người. Từ đây, nhiều sáng kiến thú vị đã ra đời và cách ứng xử của một bộ phận lớn trong làng giải trí thế giới đã truyền đi những thông điệp thực sự tích cực. Có thể chỉ đơn giản là những bài hát vang lên rộn ràng từ ban công các tòa nhà trong thời gian bị cách ly. Nhạc sĩ Đức Bettina Wagner chia sẻ: “Tôi nghĩ trong tình hình khó khăn hiện nay mọi người nên đóng góp những gì có thể. Với cá nhân tôi là một nhạc sĩ và ca sĩ, tôi muốn hát những bài hát từ ban công nhà mình để giúp chúng ta gần nhau hơn, với hy vọng sẽ khích lệ, động viên tinh thần mọi người”. Các bài hát vang lên từ ban công tại các nước châu Âu như Italia, Pháp, Đức, Tây Ban Nha đã trở thành một điểm lạc quan thú vị trong mùa dịch bệnh, tiếng hát và âm nhạc giúp người dân quên bớt muộn phiền và động viên tinh thần nhau. Bài hát Ghen cô Vy, ca khúc cổ động phòng chống Covid-19 của Bộ Y tế Việt Nam, được dân mạng quốc tế tìm nghe sau khi xuất hiện trong chương trình trò chuyện của HBO (Mỹ), tạo ra làn sóng quốc tế yêu thích bài hát này để kêu gọi thế giới phòng, chống dịch.

K-Pop dẫn đầu trong xu hướng concert trực tuyến giữa thời đại dịch bệnh bùng phát

Nghệ sĩ piano IgLevit tại Berlin, hằng tối đều chơi một bản Sonata từ phòng khách của mình và phát trực tiếp trên mạng xã hội Twitter cho khán giả trên toàn thế giới thưởng thức. Và cũng từ đại dịch này, nhiều hãng phim, lễ hội âm nhạc hay các nhóm nhạc đã nghĩ tới một giải pháp khác để có thể vẫn tiếp tục cho ra mắt các tác phẩm của mình, đó chính là dịch vụ phát sóng trực tuyến. Hàng loạt ứng dụng xem phim như Netflix, Disney+... đã phất lên như diều gặp gió khi dịch bệnh bùng phát khiến mọi người đều phải ở nhà. Điển hình nhất phải kể đến Hoa mộc lan (Mulan) phiên bản điện ảnh. Từ trước khi ra mắt, bộ phim đã được kỳ vọng sẽ trở thành “bom tấn” phòng vé trong năm 2020 khi được Disney đầu tư vô cùng kỹ lưỡng, đặc biệt tập trung vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, Disney đã đưa ra phán quyết cuối cùng, đó chính là trình chiếu trực tuyến trên kênh Disney+ với giá 29,99 USD. Đây có thể coi là giải pháp khá thông minh giữa thời đại dịch bệnh như hiện nay. Để đáp ứng nhu cầu của khán giả, một hình thức biểu diễn mới ra đời.

Dẫn đầu là các công ty giải trí Hàn Quốc khi hàng loạt nhóm nhạc K-Pop tổ chức các buổi concert trực tuyến có thu phí nhằm thay thế concert trực tiếp giữa thời đại dịch bệnh. Bắt đầu với SuperM và concert mang tên Beyond the Future vào tháng 4.2020 đã thu hút sự chú ý của người hâm mộ với hơn 75.000 người từ 109 quốc gia trên thế giới đăng ký theo dõi. Với mức giá 26 USD, tổng số tiền SuperM đạt được nhờ conert này lên tới hơn 2,4 triệu USD. Đáng chú ý, đêm nhạc trực tiếp vào tháng 2 của nhóm trước lại chỉ thu về hơn 1 triệu USD. Điều này cũng đồng nghĩa với việc show âm nhạc trực tuyến không những không phải một bất lợi mà còn mang về doanh thu cao hơn hẳn so với loại hình biểu diễn thông thường. Tiếp đến, SM Entertainment đã tổ chức hàng loạt concert trực tuyến cho các nghệ sĩ trực thuộc công ty của mình, bao gồm Super Junior, TVXQ, NCT… BTS cũng nhanh chóng nắm bắt xu thế khi tổ chức biểu diễn Bang Bang Con: The Live trực tuyến, thu hút 756.600 khán giả từ 107 quốc gia trên toàn thế giới. Đây có thể nói là một lượng khán giả khổng lồ, gấp tới 15 lần những đêm nhạc trực tiếp ở các sân vận động thông thường (50.000 khán giả). Điều này cũng mang về doanh thu khủng cho các ông lớn ngành giải trí Hàn Quốc. Còn rất nhiều câu chuyện thú vị khác vẫn đang tiếp tục được tạo nên bởi những con người tài hoa của làng giải trí. Trước dịch bệnh thì ai cũng như ai, nhưng cách ứng phó của họ đã truyền đi những thông điệp thực sự tích cực, mầm sống mới đã hồi sinh trong đống tro tàn. 

HOÀNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top