Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Đề xuất làm "Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch”: Lãng mạn... trên dòng sông lịch sử?

Thứ Sáu 18/09/2020 | 10:38 GMT+7

VHO- Thông tin về việc đề xuất cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hoá - Tâm linh Tô Lịch” của một công ty vừa gửi lãnh đạo thành phố Hà Nội lại một lần nữa được dư luận đặc biệt quan tâm. Văn Hoá đã trao đổi nhanh với một số chuyên gia, nhà nghiên cứu về đề xuất này và bước đầu ghi nhận ý kiến tương đối khác nhau...

 Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) đề xuất, để có thể “hồi sinh” sông Tô Lịch đúng nghĩa thì cần phải có giải pháp tổng thể để giải quyết toàn bộ các vấn đề như: thu gom nước thải, cấp nước bổ cập cho sông sau khi thu gom hết nước thải, xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối, xử lý tầng bùn đáy, xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông; thoát nước chống ngập khi mưa bão, bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh; vấn đề phát triển du lịch... Đặc biệt, đề xuất xây dựng cả hệ thống thoát lũ chống ngập đặt ngầm sâu dưới lòng sông để đảm bảo thoát lũ, chống ngập cho toàn bộ lưu vực sông Tô Lịch. Theo đề xuất, sông Tô Lịch sẽ kè thẳng đứng và kè đáy (mở rộng mặt cắt lòng sông, bỏ mái cỏ hiện nay), dọc hai bên sông là hàng cây, đường đi dạo. Trên sông là dịch vụ thuyền rồng du lịch chở khách, bên cạnh đó còn có bãi đỗ xe thông minh kiểu Nhật Bản…

 Những phác thảo trong dự án đề xuất

Không ai làm lầu vọng cảnh trên sông

Một nội dung của đề xuất được dư luận quan tâm là sẽ xây dựng “Công viên Lịch sử -Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch”. Công viên này có xây dựng các “Lầu Thủy đình” hay còn gọi là “Lầu Vọng Nguyệt” để mỗi người dân, du khách có thể trải nghiệm dịch vụ du lịch tâm linh tới các đền, chùa; tham quan vãn cảnh trên thuyền rồng... Suốt dọc dòng sông có tượng đài của các vị vua sáng lập nên các triều đại trong lịch sử, khu vực quảng trường và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các vị anh hùng dân tộc. Cùng với đó, du khách còn được thưởng thức các loại hình nghệ thuật như: Hát Ca trù, hát Quan họ, hát dân ca ba miền, chèo, tuồng, cải lương, các buổi biểu diễn âm nhạc đường phố, nhạc dân tộc, nhảy sạp…

Để tìm hiểu sâu hơn về những thông tin của đề xuất, đặc biệt là những thông tin liên quan đến các công trình văn hóa, tâm linh, phóng viên Văn Hóa đã liên lạc với JVE, tuy nhiên không có hồi đáp. Chiều qua, 17.9, phóng viên tìm đến địa chỉ của Công ty này tại tòa nhà Lotte trên đường Liễu Giai (Hà Nội), thế nhưng Công ty này không một bóng người. Trao đổi với Văn Hoá về đề xuất phương án biến sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh”, PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó chủ tịch Hội KHLS Việt Nam cho biết, “tôi chưa được xem bản đề xuất đó mà chỉ biết qua báo chí. Nhìn chung đề xuất này là mạnh bạo nếu không dám nói là đầy táo bạo. Với ý tưởng này một số quốc gia đã làm thành công, tạo điểm nhấn quan trọng về thu hút du khách. Còn ở ta, nếu đề xuất ấy được triển khai, thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản sẽ mang đến cho Hà Nội thêm sự hấp dẫn”. Tuy nhiên, theo PGS. TS Phạm Mai Hùng, đây cũng chỉ mới là ý tưởng nên rất khó góp ý hay đánh giá một cách đầy đủ. Chỉ là ý tưởng, đề xuất vì thế cần thận trọng khi “quảng bá” những phác thảo mô hình gắn với “con sông di sản” như thế. Từ ý tưởng, đến chủ trương, quyết định rồi triển khai thực hiện là một quá trình, đòi hỏi có sự thẩm định, đánh giá từ nhiều cấp, nhiều ngành..., chứ không thể “nhẹ nhàng” như vậy.

“Ứng xử với con sông Tô Lịch hiện nay, điều đầu tiên cũng là vấn đề mấu chốt vẫn là câu chuyện môi trường. Có xử lý dứt điểm được vấn đề môi trường của con sông chúng ta mới có thể tính đến chuyện khác. Tôi cho rằng, việc này không hề đơn giản như ai đó đã bảy tỏ sự lạc quan. Giải quyết xong bước môi trường, sau đó mới tính đến khía cạnh khác. Nếu chúng ta cứ “vẽ” ra nhưng không làm được thì ăn nói như thế nào, đấy là chưa bàn đến những phác thảo về không gian, cảnh quan lịch sử, văn hoá hai bên bờ sông. Riêng về vấn đề lớn như thế cần được nghiên cứu kỹ lịch sử, văn hoá Việt Nam nói chung, lịch sử, văn hoá Thăng Long-Hà Nội nói riêng, cùng với sự tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, qua đó mới có thể đưa ra được những phác thảo ấn tượng, cô đọng. Ví như không ai dựng lầu trên sông để ngắm cảnh và cũng không ai dựng tượng, kỳ đài trên dòng sông cả...”, PGS Phạm Mai Hùng lưu ý.

Táo bạo nhưng lãng mạn

Chủ tịch Hội Khảo cổ Việt Nam Tống Trung Tín chia sẻ, “Có thể nói đây là một ý tưởng rất hay nhưng cũng đầy lãng mạn. Làm sống lại dòng sông cổ Tô Lịch là điều tuyệt vời vì mấy chục thập kỷ qua chúng ta hằng mong đợi. Nếu việc đề xuất biến con sông cổ này thành “Công viên Lịch sử- Văn hoá-Tâm linh” thành hiện thực, Hà Nội sẽ hấp dẫn và mộng mơ hơn. Một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản cũng đã làm được những dự án như thế, và thực sự trở thành điểm du lịch cực kỳ hấp dẫn”.

PGS.TS Tống Trung Tín cũng cho rằng, từ đề xuất đến triển khai thực hiện là chặng đường rất dài, và liệu rồi có thể triển khai được không. “Nhìn qua những phác thảo phối cảnh của đề xuất trên báo chí tôi thấy lung linh và lãng mạn quá. Là người dân tôi cũng tự hỏi đến bao giờ được như vậy, hay tung lên sau đó lại chìm nghỉm như nhiều dự án khác. Bên cạnh đó, qua clip của đề xuất này tôi thấy các tác giả dường hơi tham quá, cái gì cũng muốn đưa vào khiến cho không gian, cảnh quan lịch sử, văn hoá trở nên quá đậm đặc. Biến sông Tô Lịch thành con sông di sản hay bảo tàng di sản cũng được nhưng cần phải tiết chế, chọn lọc, nhất là về công trình kiến trúc, tượng đài...”.

Nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích Lê Thành Vinh cho biết, về giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch” mà công ty đó đề xuất, “Tôi cho rằng cần phải có một quy hoạch tổng thể, với những nghiên cứu thấu đáo. Tô Lịch là con sông chảy dài trong thành phố, là một phần gắn với lịch sử, văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Trải qua thời gian, việc cải tạo con sông là rất cần thiết, từ đó nhằm giải quyết tổng hợp các vấn đề đang nảy sinh như: vệ sinh môi trường; tổ chức những không gian công cộng mà Hà Nội hiện đang rất thiếu hay tạo lập những cảnh quan đô thị cho Hà Nội”. KTS Lê Thành Vinh nhấn mạnh, vai trò kép đó cho thấy những yếu tố tích cực mà đề xuất giải pháp tổng thể nói trên hướng đến, đặc biệt là việc giải quyết được mục tiêu cải tạo để dòng sông trở nên sạch sẽ, không tiếp tục bị ô nhiễm. Tuy nhiên, việc cải tạo cần phải đặt trong một quy hoạch tổng thể, gắn liền với các thành phần, nhân tố liên quan. Dòng sông ở từng khúc, từng vị trí, từng không gian đều có những đóng góp khác nhau vào môi trường cảnh quan của thành phố. Việc triển khai đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch” vì thế phải được tiến hành trên cơ sở những nghiên cứu thấu đáo về mọi mặt: lịch sử, văn hóa, môi trường, không gian và cảnh quan đô thị...

Đưa vào như thế có hợp lý không?

Theo ông Vinh, những khía cạnh về lịch sử, văn hóa, tâm linh gắn với con sông Tô Lịch trong dự án cải tạo đều cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, gắn với từng vị trí, khu vực, không gian và thời gian khác nhau. Từng nội dung lịch sử, văn hóa và đặc biệt là tâm linh đều có những chức năng, vai trò, loại hình cấu thành cụ thể. Không thể “nhân danh” cải tạo mà có thể dễ dàng khoác lên đó những thứ gọi là đại diện cho lịch sử, văn hóa, tâm linh được.

“Tôi thấy trong đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch có đưa vào rất nhiều nội dung như các loại hình nghệ thuật, điểm hẹn văn hóa độc đáo với những lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, sinh hoạt văn hóa cổ truyền hoặc gắn cho công viên chức năng như một cỗ xe thời gian đưa mọi người trở về cội nguồn lịch sử, các “Lầu Thủy Đình” để du khách trải nghiệm dịch vụ du lịch tâm linh, thậm chí cả các tượng đài những vị vua sáng lập nên các triều đại trong lịch sử, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh... sẽ được dựng suốt dọc dòng sông. Tuy nhiên, xin nhắc lại, các yếu tố lịch sử, văn hóa hay tâm linh không phải tự nhiên sinh ra, đặt chỗ nào cũng được, không phải cứ gán cho nó một cái tên là nó có thể trở thành đối tượng mang những ý nghĩa thâm sâu đó. Tất cả đều có nguồn gốc, chức năng và không gian lịch sử, văn hóa liên quan, nếu thiếu đi sự nghiên cứu chuyên sâu, khoa học và tổng thể thì không thể đưa ra giải pháp phù hợp. Vì thế, ở đây cần có một cái nhìn toàn cảnh, thấu đáo để giải quyết những vấn đề mà giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch đã đặt ra. Theo tôi, cần tham khảo ý kiến từ phía các chuyên gia giàu kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực, từ đó mới có cơ sở xây dựng những đề xuất, giải pháp phù hợp”.

Đứng ở góc độ là một chuyên gia về bảo tồn di sản, PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia nói rằng, “ý tưởng này nên ủng hộ, nhưng khi triển khai cần nghiên cứu kỹ lưỡng”. Ông cho biết, qua tiếp xúc với ý tưởng đề xuất giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử- Văn hóa- Tâm linh”, nhìn tổng thể chúng ta nên ủng hộ vì khi dự án này được thực hiện sẽ góp phần cải tạo môi trường sinh thái của Thủ đô, không kéo dài tình trạng ô nhiễm. Phải thừa nhận rằng con sông này đang có xu hướng bị “cống hóa”, mặt khác lại đang trong tình trạng bị ô nhiễm nặng nề, vấn đề đặt ra là làm thế nào để nó trong lành trở lại. Cho nên, hướng đi cải tạo này là đúng và cần được ủng hộ.

Tuy nhiên, khi triển khai thì về chi tiết, chúng ta cần phải đồng hành cùng các chuyên gia Nhật Bản vì họ không thể hiểu hết các yếu tố thuộc về văn hóa, lịch sử, tâm linh của Việt Nam được. Những ý tưởng sáng tạo nào cũng vậy, đều cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng và có sự phối hợp từ nhiều phía. Tất nhiên, các chuyên gia có lắng nghe các ý kiến đóng góp từ phía các nhà khoa học Việt Nam trong triển khai thực hiện ý tưởng không thì lại là chuyện khác. Đơn vị thực hiện cần lựa chọn đội ngũ các chuyên gia am tường để tham vấn ngay từ đầu, tránh để tình trạng xây dựng lên nhưng không đúng. Đưa vào đây những yếu tố dịch vụ tâm linh hay những tượng đài... không phải là việc bị cấm, vấn đề là có hợp lý hay không hợp lý. Mặt khác, cũng phải nhìn nhận ở khía cạnh không có dịch vụ thì không thể thành sản phẩm du lịch, bởi di sản chỉ là tài nguyên. Tuy nhiên, dịch vụ nào là hợp lý, có thể đưa vào thì cũng cần phải bàn xét. 

 PHƯƠNG ANH, LÂM SƠN, HUY AN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top