Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Khắp nơi tạm dừng tổ chức lễ hội

Thứ Hai 03/02/2020 | 11:07 GMT+7

VHO- Đối diện với diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus corona, thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Công điện của Bộ VHTTDL, hàng loạt lễ hội lớn trước giờ khai mạc như lễ hội đền Trần (Nam Định), hội phết xã Hiền Quan, Hội xuân chùa Tam Chúc, Hội Lim, Hội xuân Yên Tử... đều lần lượt công bố dừng tổ chức.

 Lễ khai hội chùa Hương năm nay giảm hẳn số lượng du khách

Lãnh đạo Bộ VHTTDL cho biết, sau Chỉ thị 06 của Thủ tướng và Công điện 393 của Bộ VHTTDL, nhiều địa phương đều thể hiện tinh thần khẩn trương, nghiêm túc trong việc dừng tổ chức khai hội cũng như các hoạt động trong lễ hội, tụ tập đông người.

Lễ và hội lo chống dịch

Lễ hội chọi trâu Phù Ninh (Phú Thọ) dự kiến vẫn diễn ra vào ngày 8 tháng Giêng, là sự kiện thu hút đông người tham dự, BTC cũng đã chuẩn bị kỹ càng. Tuy nhiên, sau công văn của Cục Văn hóa cơ sở đề nghị tạm dừng lễ hội do diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp, ngay trong ngày 31.1, Phú Thọ họp quyết định dừng lễ hội này.

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, phản ứng nhanh của Phú Thọ đã thể hiện tinh thần chủ động, khẩn trương và nghiêm túc trong ứng phó với dịch bệnh. Cùng với hội chọi trâu Phù Ninh, Phú Thọ cũng lập tức quyết định dừng phần đánh phết tại hội Phết Hiền Quan. Lễ hội vốn bị xem là điểm nóng này tiếp tục diễn biến nóng khi chiều 1.2, BTC công bố dừng tổ chức, dù trước đó hai ngày còn dự định họp báo để thông tin về những thay đổi ở lễ hội này. Sẽ không còn nỗi lo tranh cướp, ẩu đả vì cướp phết, lễ hội Hiền Quan năm nay sẽ chỉ có các bậc cao niên trong làng thực hiện nghi lễ dâng hương tại đền.

Lễ khai ấn đền Trần vào đêm 14 tháng Giêng cũng trong danh sách lễ hội trọng điểm khu vực phía Bắc, thu hút hàng vạn người trẩy hội mỗi năm. Nắm bắt tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, kế hoạch tổ chức lễ hội thay đổi liên tục, dù công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội Xuân Canh Tý đã được triển khai kỹ từ trước Tết Nguyên đán. Chiều 31.1, ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng BQL di tích lịch sử Đền Trần, Chùa Tháp (Nam Định) cho biết, BTC liên tục họp bàn để thống nhất phương án tổ chức hợp lý, thực hiện nghiêm chỉ thị của Ban Bí thư, Thủ tướng và Công điện của Bộ VHTTDL. Tối 31.1, sau khi Chỉ thị 06 của Thủ tướng và Công điện 393 của Bộ VHTTDL được ban hành, lãnh đạo tỉnh Nam Định cho biết tạm dừng tổ chức lễ khai ấn đền Trần.

Phòng dịch do virus corona, BTC Hội xuân Yên Tử năm nay cũng không tổ chức lễ khai mạc mà chỉ tổ chức lễ cầu quốc thái dân an ngắn gọn trong thời gian 20 phút. Một số hoạt động khác trong khuôn khổ dự kiến của lễ khai hội trước đó cũng cắt bỏ như chương trình văn nghệ, rước kiệu, hoạt động vui chơi ngoài trời… Bên cạnh đó, BQL di tích, BTC lễ hội liên tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân và du khách về phòng chống dịch bệnh.

Tại Hà Nam, lễ khai hội chùa Tam Chúc dự kiến sẽ diễn ra ngày 13 tháng Giêng cũng đã chính thức thông báo dừng tổ chức. Các trang thông tin, mạng xã hội của chùa Tam Chúc (Hà Nam) và chùa Bái Đính (Ninh Bình) cũng được sử dụng để tuyên truyền vận động bà con, phật tử đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, cố gắng hạn chế đến nơi tụ tập đông người. Tại Bắc Ninh, ngày 1.2 UBND thị trấn Lim ra thông báo dừng các hoạt động tổ chức Hội Lim Xuân Canh Tý 2020. Nơi gặp gỡ đầu xuân của các liền anh liền chị Kinh Bắc sẽ dừng lại để tập trung các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh.

Tăng cường kiểm tra việc thực hiện dừng lễ hội

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhận định, thực hiện Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện 393 của Bộ VHTTDL, các địa phương đều thể hiện tinh thần chủ động và nghiêm túc trong việc thực hiện dừng tổ chức khai hội cũng như các hoạt động trong lễ hội, tụ tập đông người. Công điện của Bộ cũng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu người dân hạn chế tham gia hoạt động du xuân lễ hội. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra tại các hoạt động lễ hội, di tích.

“Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh và nhiều tỉnh khác là những địa phương có phản ứng nhanh đối với diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Đơn cử, ngay sau công văn của Bộ, tỉnh Phú Thọ họp Thường vụ Tỉnh uỷ đã ra chỉ đạo đề nghị tạm ngừng lễ hội chọi trâu xã Phù Ninh và hoạt động đánh phết trong Lễ hội phết xã Hiền Quan…”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết. Ngoài ra, theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, trước sự cấp bách của “đại dịch” virus corona, Bộ VHTTDL cũng chỉ đạo tạm dừng hoạt động đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt ở Chi Lăng - Lạng Sơn để tập trung công tác phòng dịch.

 Lễ khai Ấn đền Trần Nam Định đã chính thức tạm dừng

Trực tiếp đến các địa phương kiểm tra việc triển khai dừng tổ chức lễ hội, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, ngay sau khi Công điện 393 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL được ban hành, ngày 1.2, Bộ VHTTDL đã thành lập nhiều đoàn đi kiểm tra thực tế việc thực hiện tạm dừng tổ chức lễ hội tại các địa phương. Cụ thể, các đoàn kiểm tra do Cục Văn hóa cơ sở chủ trì đã tới kiểm tra thực tế tại các lễ hội lớn trên địa bàn hai tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, bao gồm lễ hội Đúc Bụt (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc); lễ hội chọi trâu Phù Ninh (xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, Phú Thọ). Đây là hai lễ hội lớn, được tổ chức vào ngày 8 tháng Giêng hằng năm. Thời điểm dự kiến diễn ra lễ hội ngay sau khi Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện 393 của Bộ VHTTDL ban hành nên quyết định dừng tổ chức các lễ hội đã thể hiện tinh thần phản ứng nhanh, triển khai nghiêm túc các Chỉ thị, Công điện của hai địa phương.

“Quá trình kiểm tra cho thấy chính quyền các địa phương cũng như BTC hai lễ hội đều chấp hành rất nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Công điện của Bộ VHTTDL. Lễ hội Đúc Bụt và lễ hội chọi trâu Phù Ninh dù đã có công tác chuẩn bị từ trước nhưng đã dừng không tổ chức, tất cả tập trung cho công tác phòng dịch…”, Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương cho biết.

Cùng với kiểm tra thực tế, các cán bộ chuyên môn của Cục đã liên tục kết nối với các địa phương có dịch bệnh do virus corona cũng như các địa phương có lễ hội trọng điểm, thu hút hàng vạn người tham gia để nắm bắt tình hình và việc thực hiện dừng tổ chức lễ hội. Hầu hết các địa phương có lễ hội trọng điểm đều triển khai rất khẩn trương việc dừng tổ chức khai hội cũng như các hoạt động phần hội thu hút đông người. Trong đó nhiều lễ hội có quy mô lớn, dự kiến sẽ rất đông người tham dự.

Lãnh đạo Cục cho biết, ngay đầu tuần này, Cục Văn hóa cơ sở sẽ tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tới các địa phương có dịch do virus corona như Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Khánh Hòa cùng các địa phương có các lễ hội lớn, hằng năm thu hút đông đảo du khách như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh… để tiếp tục kiểm tra việc triển khai thực hiện dừng tổ chức lễ hội tại các địa phương này.

Lễ hội Yên Tử không còn cảnh tấp nập như các năm trước Ảnh minh họa

Tuyên truyền từ mọi hướng

Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, đáng lo ngại ở các hoạt động hội và lễ hội chính là sự thu hút đông khách du lịch từ nhiều nơi đổ về. Đây chính là những nơi rất khó để kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, cùng với Chỉ thị của Thủ tướng, Công điện của Bộ VHTTDL thì giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và du khách ở thời điểm này cần được đẩy mạnh. Rất nhiều địa phương đã chủ động trong vấn đề này, sử dụng hệ thống tuyên truyền để tác động, nâng cao nhận thức của người dân. Đồng thời ở nhiều lễ hội, di tích, chùa chiền…, nhân dân và du khách được phát khẩu trang để phòng dịch.

Cũng trong ngày 1.2, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi công văn đến Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố yêu cầu các chùa tạm dừng tổ chức các lễ hội, các khóa tu tập trung đông người đến từ nhiều vùng khác nhau, chỉ tổ chức các khóa lễ cầu nguyện quốc thái dân an. Giáo hội cũng khuyến khích các chùa tổ chức phát khẩu trang cho phật tử và du khách. Nhiều ngôi chùa lớn đã vào cuộc mạnh mẽ để tuyên truyền, cùng cộng đồng phòng chống dịch bằng cách phát khẩu trang cho người dân. Đơn cử, từ sáng 2.2, chùa Bái Đính phát một vạn khẩu trang cho phật tử tới chùa; chùa Tam Chúc phát hai vạn khẩu trang.

Thông qua các hệ thống thông tin, truyền thông, ý thức phòng chống dịch bệnh từ phía người dân đã tăng lên nhiều trong vài ngày qua. Nhiều lễ hội lớn vốn thu hút đông du khách vào dịp đầu Xuân như Yên Tử, Bái Đính…, lượng khách đã giảm hẳn. Trong tâm thức người Việt, lễ hội chính là dịp để được đáp ứng nhu cầu vui chơi văn hóa, nhu cầu tâm linh. Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, việc dừng lễ hội trong bối cảnh dịch bệnh là hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ngành văn hóa, địa phương đối với tính mạng và sức khỏe của người dân. “Việc tập trung đông người ở lễ hội là môi trường thuận lợi phát tán dịch bệnh, vô cùng nguy hiểm trong bối cảnh chúng ta muốn dập dịch nhanh. Mặt khác, cần phải thấy rằng không phải vì dừng tổ chức mà lễ hội sẽ mất đi hay mai một…”, theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn. 

 Giảm quy mô, thời gian tổ chức với các lễ hội đã khai mạc

Công điện số 393/CĐ-BVHTTDL gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra trong hoạt động lễ hội, di tích nêu rõ, thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31.1.2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo: Tạm dừng tổ chức các lễ hội chưa khai mạc, trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với các lễ hội đã tổ chức khai mạc phải giảm quy mô; thời gian tổ chức lễ hội; giảm các hoạt động trong lễ hội; hạn chế tổ chức các hoạt động hội tập trung đông người tham gia; đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại lễ hội, di tích. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, yêu cầu người dân hạn chế tham gia hoạt động du xuân lễ hội. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra tại các hoạt động lễ hội, di tích.

 PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top