Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

TP.HCM tổ chức lấy ý kiến 13 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội thường niên:  Cuộc “trưng cầu” thật ý nghĩa

Thứ Hai 04/11/2019 | 10:59 GMT+7

VHO- Cơ quan ban ngành của TP.HCM vừa giới thiệu 13 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội nổi bật để lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân. Việc công bố và lấy ý kiến rộng rãi này nhằm xây dựng, phát triển, hoàn thiện những sự kiện văn hóa thành sự kiện thường niên mang dấu ấn riêng của TP, đưa địa phương này trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách…

 TP.HCM tổ chức lấy ý kiến người dân về 13 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội thường niên được đánh giá là cuộc "trưng cầu" mang tính cởi mở, thiết thực. Trong ảnh: Ngày hội Văn hóa đọc cũng là một trong những sự kiện được nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đồng tình. Ảnh: THÙY TRANG

Xung quanh danh mục các sự kiện vừa mới được công bố, nhiều chuyên gia đánh giá cao cách làm của TP.HCM theo hướng không tạo ra sự “áp đặt”, “đóng đinh” mà cần sự quan tâm của công chúng. Có thể nói, đây được xem như cuộc “trưng cầu” thật ý nghĩa, tuy nhiên với nội dung những sự kiện này cũng gặp nhiều ý kiến băn khoăn.

Nhiều sự kiện còn mông lung

Theo Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, với mục đích xây dựng TP.HCM mang diện mạo, sắc màu mới với nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội sôi nổi, thu hút người dân TP, các tỉnh lân cận và du khách quốc tế tham gia, từ năm 2020 TP sẽ tổ chức thường niên các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu, mang nét đặc trưng của TP.

Dự kiến, TP.HCM tổ chức lấy ý kiến của nhân dân theo 13 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội thường niên. 13 sự kiện được Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở VHTT TP lựa chọn đề xuất gồm: Đường hoa Nguyễn Huệ vào dịp Tết Nguyên đán, Hội hoa Xuân Tết Nguyên đán, Lễ hội Áo dài TP.HCM, Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ, Liên hoan Nghệ thuật hàn lâm “Giai điệu Mùa Thu”, Lễ hội TP.HCM “Ngôi nhà chung của chúng ta”, Liên hoan Văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam, Liên hoan Hợp xướng TP.HCM mở rộng, Ngày hội Văn hóa đọc, Ngày hội Gia đình hạnh phúc, Cuộc thi Tài năng Diễn viên sân khấu cải lương - Giải thưởng Trần Hữu Trang, Lễ hội Âm nhạc Quốc tế TP.HCM, Liên hoan Nhạc kèn TP.HCM. Được biết, TP sẽ nhận góp ý từ ngày 2-15.11 với 3 nội dung trọng tâm: Trong 13 sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội được đề cử thì nên chọn những sự kiện nào để tổ chức thường niên; góp ý, hiến kế nội dung, cách thức tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội đặc sắc, mang nét riêng của TP, đảm bảo tính phục vụ cộng đồng, thu hút khách du lịch; góp ý cụ thể thời điểm, không gian tổ chức các sự kiện.

 Một góc đường sách TP.HCM

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, những năm qua TP.HCM đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật, lễ hội phục vụ nhân dân và du khách, cũng đã đến lúc phải nhìn lại, đánh giá hiệu quả nhằm chọn lọc để xây dựng cho được những sự kiện thực sự đặc sắc, mang sắc thái riêng, thể hiện diện mạo của TP. Việc chọn lọc các sự kiện cũng nhằm góp phần phát triển văn hóa, đưa thành tựu ở lĩnh vực văn hóa bắt kịp bước phát triển của kinh tế và nhiều lĩnh vực khác.

Xung quanh những sự kiện này, nhiều nhà quản lý văn hóa, các chuyên gia và giới nghệ thuật cho rằng rất đồng tình, ủng hộ về quan điểm cần thiết phải có những sự kiện mang tính đặc trưng sắc thái văn hóa của Sài Gòn - TP.HCM, địa phương có bề dày lịch sử hơn 300 năm, đồng thời là đô thị phát triển bậc nhất của cả nước. Từ đó có định hướng xây dựng các chuỗi sự kiện, chương trình phù hợp, nhằm xây dựng, hoàn thiện những sự kiện văn hóa thành hoạt động thường kỳ, thu hút người dân và du khách… Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về các sự kiện được đề xuất. PGS.TS Phan An, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho biết: “Vừa rồi tôi có biết TP.HCM đưa ra 13 sự kiện văn hóa, văn nghệ, lễ hội của TP để người dân có sự chọn lọc và đóng góp ý kiến, và tôi thấy rằng 13 sự kiện này vẫn còn mông lung lắm, chưa đáp ứng được tính tiêu biểu cho TP”. PGS.TS Phan An thẳng thắn: “Tôi thấy có những sự kiện mang tính đại diện cho TP nhưng cũng có những cái còn hơi gượng, nếu đại diện cho TP.HCM cũng được, đại diện TP khác cũng không sao, chưa mang tính đặc trưng, chưa thể hiện văn hóa TP.HCM”.

 Đường hoa Nguyễn Huệ

Cần có tiêu chí cụ thể

PGS.TS Lâm Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cho rằng, nhìn tổng quan 13 sự kiện mà TP đưa ra ở góc độ nào đó chưa thực sự thuyết phục: “Tôi cho rằng một số sự kiện nằm trong danh mục này cần được xem lại vì không phù hợp. Thứ nhất, một số lễ hội phương Tây như nghệ thuật thính phòng, kèn… thì không phải là sự kiện mang tính đại diện, điển hình của TP.HCM. Thứ hai, theo tôi rất quan trọng là cần bổ sung những lễ hội âm nhạc của các tộc người, bởi hầu hết các lễ hội nói trên chưa có dấu ấn của văn hóa dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đưa vào lễ hội cúng Kỳ yên của TP vì trong lễ hội này có đầy đủ nghi thức, nghi lễ truyền thống, đã hình thành và phát triển cùng với lịch sử của vùng đất Sài Gòn - TP.HCM”, PGS.TS Lâm Nhân cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các lễ hội hiện đại nên khuyến khích, tuy nhiên hội nhập cũng cần giữ cái nền, cái truyền thống vì Sài Gòn đã có bề dày lịch sử 320 năm. Có như vậy mới bảo tồn được văn hóa dân tộc, đồng thời quảng bá được văn hóa Việt Nam với thế giới”.

Phân tích cụ thể từng sự kiện trong danh mục, PGS.TS Phan An cho hay, việc xác định các sự kiện tiêu biểu có lẽ cần chờ thêm một thời gian nữa xem ý kiến người dân TP như thế nào. “Tôi cho rằng sẽ có nhiều ý kiến tranh luận, thậm chí bác bỏ vài sự kiện, riêng quan điểm của tôi, rất không ủng hộ nhiều sự kiện trong danh mục này”, theo PGS. TS Phan An, Đường hoa Nguyễn Huệ vào dịp Tết Nguyên đán và Hội hoa Xuân Tết Nguyên đán là hai sự kiện khá giống nhau, chỉ nên chọn Đường hoa Nguyễn Huệ vì tiêu biểu hơn. Lễ hội Áo dài TP.HCM thì cần ủng hộ nhằm khuyến khích giá trị truyền thống trong văn hóa trang phục của người Sài Gòn.

 Một chương trình cải lương tại TP.HCM

“Lễ hội Nghinh Ông - Cần Giờ, theo tôi không đại diện cho lễ hội văn hóa TP.HCM được vì lễ hội này gắn với biển đảo nhiều hơn. Nếu nói Lễ hội Nghinh Ông thì ở Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiêu biểu hơn vì dù sao Bà Rịa - Vũng Tàu là TP biển”, PGS.TS Phan An nói và cho biết không ủng hộ việc đưa các sự kiện như Liên hoan Nghệ thuật hàn lâm “Giai điệu Mùa Thu”, Liên hoan Hợp xướng TP.HCM mở rộng, Lễ hội Âm nhạc Quốc tế TP.HCM và Liên hoan Nhạc kèn TP.HCM vì khuôn khổ nhỏ lại mang tính hàn lâm, chưa phục vụ số đông người dân TP và thậm chí vẫn còn gì đó mơ hồ… Một nhà quản lý văn hóa khác cũng cho hay, không ủng hộ sự kiện Lễ hội TP.HCM “Ngôi nhà chung của chúng ta” nằm trong danh mục vì sự kiện này không đặc trưng văn hóa TP. “Liên hoan Văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam, nghe thì rất hay nhưng tôi thấy còn rất trừu tượng”, vị này nói. Một số ý kiến cho biết đồng tình và ủng hộ việc đưa sự kiện Ngày hội Văn hóa đọc, Ngày hội Gia đình hạnh phúc và Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương - Giải thưởng Trần Hữu Trang vì có chiều sâu, cần khuyến khích để phát triển và lan tỏa được các giá trị.

PGS.TS Phan An cũng nói thêm rằng, TP.HCM là địa phương đa tộc người, thế thì cần lưu ý đến các tộc người khác, trong đó đặc biệt là tộc người Hoa, Chăm và Khmer, trong đó đặc biệt là Lễ hội Tết Nguyên tiêu, hoặc múa rồng, múa lân... Bên cạnh đó TP còn là địa phương đa tôn giáo, do vậy mà cần quan tâm về đặc điểm văn hóa tôn giáo vào danh mục các sự kiện nói trên. Về cách thức tổ chức, các chuyên gia cho rằng không nhất thiết và câu nệ quá chuyện phải tái hiện các lễ hội, chỉ cần làm thế nào thể hiện bản chất đặc sắc văn hóa truyền thống, đồng thời phù hợp với góc nhìn của công chúng hiện đại, người ta cần nhìn ở góc độ di sản văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập.

Theo một số nhà quản lý văn hóa, thời gian dành cho việc góp ý kiến và hiến kế là quá ngắn ngủi nên cũng sẽ khó để có những ý kiến hay, phân tích sâu. Bên cạnh đó, khi đưa ra danh mục thì TP cần có tiêu chí cụ thể hơn về tính đặc trưng của sự kiện, để khi nói đến thì người ra nghĩ ngay đến TP.HCM.

 THÙY TRANG

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top