Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Xung quanh vụ việc ở chùa Ba Vàng (TP Uông Bí - Quảng Ninh):  Vi phạm luật, sao chưa xử lý?

Thứ Hai 25/03/2019 | 10:18 GMT+7

VHO- Trả lời văn bản xin ý kiến của UBND TP Uông Bí liên quan đến hoạt động của chùa Ba Vàng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh (GHPGVN tỉnh Quảng Ninh) khẳng định, “nghi thức thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ không có trong giáo lý Phật giáo”.

Cũng về nội dung này, Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp tục khẳng định, các hiện tượng “trục vong”, “gọi hồn” không có trong truyền thống Phật giáo. Nếu các cơ sở thờ tự Phật giáo thực hiện việc trên là đang vi phạm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

 Theo Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, hoạt động truyền bá mê tín dị đoan đã diễn ra tại chùa Ba Vàng từ lâu. Năm 2015, GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản nhắc nhở. Nhưng lạ lùng là từ đó đến nay, những hành vi lợi dụng niềm tin của phật tử, nhân dân, núp bóng nghi lễ Phật giáo để trục lợi tại ngôi chùa này không những không giảm bớt mà còn bùng nổ như những gì dư luận chứng kiến trong những ngày qua.

GHPGVN tỉnh Quảng Ninh lên án từ lâu

Như tin đã đưa, ngay sau thông tin về hoạt động “truyền bá vong báo oán” tại chùa Ba Vàng, UBND TP Uông Bí đã có công văn gửi GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đề nghị có ý kiến về hoạt động “thỉnh vong” và “cúng oan gia trái chủ” của phật tử Phạm Thị Yến - phật tử chùa Ba Vàng có phù hợp với truyền thống của Phật giáo hay không? UBND TP Uông Bí cũng đề nghị làm rõ việc bà Phạm Thị Yến thường xuyên tổ chức các hoạt động “thỉnh vong”, “cúng oan gia trái chủ” và tổ chức giảng pháp tại Chính điện chùa Ba Vàng có phù hợp với Hiến chương và Nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo hay không? Nghi thức “thỉnh vong” và “cúng oan gia trái chủ” có phải là giáo lý của Phật giáo hay không?

Phản hồi, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh khẳng định, nghi thức “thỉnh vong”, “cúng oan gia trái chủ” không có trong giáo lý Phật giáo. Trong nghi lễ Phật giáo Bắc truyền chỉ có nghi thức Triệu Linh và nghi thức “lập đàn cúng giải oan thích kết”. Cũng theo GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, trong Hiến chương GHPGVN, nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN và các quy định khác của Giáo hội đều quy định các hoạt động Phật sự, hành đạo, tu đạo tại cơ sở thờ tự của Phật giáo do vị trụ trì cơ sở thờ tự đó chịu toàn bộ trách nhiệm. Vì vậy, việc công dân Phạm Thị Yến có các hoạt động tại chùa Ba Vàng do trụ trì chùa Ba Vàng chịu trách nhiệm.

Điều đáng nói là, không phải đến bây giờ những hiện tượng nảy sinh tại chùa Ba Vàng mới được GHPGVN tỉnh Quảng Ninh lên tiếng. Từ 26.8.2015, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh đã có văn bản báo cáo các cấp, ngành và đề nghị phối hợp giải quyết các vấn đề tại chùa Ba Vàng. Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng ban, Chánh thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, trong các cuộc họp thường kỳ của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh, Ban Trị sự và nhiều thành viên đã thường xuyên có ý kiến góp ý chân thành với Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng. Nhưng từ đó đến nay Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh không nhận được sự hồi âm, phối hợp.

Theo đó, từ năm 2015, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh báo cáo UBND tỉnh Quảng Ninh, Ban Tôn giáo- Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh về tình hình chùa Ba Vàng đã cho biết, trong thời gian qua, chùa Ba Vàng áp dụng “thanh quy tu học chùa Ba Vàng”, trong thanh quy đó có nhiều điểm không phù hợp với truyền thống tu học của Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt, dư luận quần chúng nhân dân phản ánh các vị sư tại chùa Ba Vàng lợi dụng phật tử tên Yến, cư trú tại Hạ Long thường xuyên khuyên hóa nhân dân về chùa Ba Vàng cúng bắt ma, cúng oan gia trái chủ và thu tiền với số lượng lớn. Những dịp chùa Ba Vàng giảng Phật pháp, sau khi đại đức Thích Trúc Thái Minh giảng pháp thì đều mời cô Yến lên giảng, giáo hóa cho tăng ni, phật tử nghe…

“Vì những lý do trên, thời gian qua có khoảng 40 vị tăng ni chùa Ba Vàng không chấp nhận quy định mới này đã xin xuất chúng bỏ đi. Tình hình trên đã dẫn đến nội bộ tăng ni chùa Ba Vàng rối loạn, phật tử và quần chúng nhân dân bức xúc, có nhiều phản ứng không tốt, ảnh hưởng chung đến Phật giáo Quảng Ninh...”, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh nêu.

Thượng tọa Thích Đạo Hiển cho biết thêm, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh vẫn luôn tích cực, kiên trì trong việc động viên, nhắc nhở trụ trì và tăng ni, phật tử chùa Ba Vàng tu học đúng giới luật Phật chế, thực hiện đúng Hiến chương GHPGVN và pháp luật nhà nước. Trước những hiện tượng được báo chí phản ánh những ngày qua, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ: “Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh lên án các hành vi lợi dụng niềm tin phật tử, nhân dân, núp bóng nghi lễ Phật giáo để trục lợi. Đề nghị các cấp, các ngành nghiên cứu, nếu bất cứ tổ chức, cá nhân nào vi phạm đều phải xử lý nghiêm trước quy định pháp luật”.

 Các hiện tượng “trục vong”, “gọi hồn” không có trong truyền thống Phật giáo, nếu các cơ sở thờ tự Phật giáo thực hiện việc trên là đang vi phạm Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định 162/2017/NĐ-CP ngày 30.12.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng như những văn bản liên quan, cần được xử lý theo quy định của pháp luật.

(Ban Tôn giáo Chính phủ)

Phạm luật công khai, cúng “oan gia trái chủ” ở chùa Ba Vàng bao giờ chấm dứt?

Liên tiếp những văn bản được ban hành từ Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ VHTTDL, GHPGVN trong những ngày qua, yêu cầu khẩn trương xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm khắc những hành vi truyền bá mê tín dị đoan, trục lợi tại cơ sở tín ngưỡng này.

Bị gieo rắc sự sợ hãi, vô số nạn nhân đã tìm đến chùa Ba Vàng và mất số tiền không nhỏ cho các hoạt động mà nhà chùa gọi là cúng vong, giải nghiệp. Trường hợp của chị Nguyễn Thị L (sinh năm 1989, ở TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) mà chúng tôi được biết có lẽ chỉ là một trong số đông người tìm đến ngôi chùa này và được tư vấn nộp số tiền lớn để cúng “oan gia trái chủ”. Chị L kể mình cảm thấy hay bị lạnh người vào sáng sớm khi ngủ dậy, và chùa Ba Vàng gọi “vong” yêu cầu nộp số tiền tới 700 triệu đồng để giải nghiệp. “Vong” phán cách đây nhiều kiếp chị sống thất đức, chuyên làm hại người, giờ bị một “vong linh” theo. Trường hợp này, “vong” cho 2 sự lựa chọn. Nếu chọn hình thức “Nương tựa” (thường xuyên đến chùa Ba Vàng) thì nộp 32 triệu đồng. Nếu chọn hình thức “Không nương tựa” (ít lên chùa Ba Vàng) phải đóng 700 triệu đồng để cúng “oan gia trái chủ”. Nhận thấy tính chất bất bình thường, dấu hiệu trục lợi, cuối cùng chị L đã từ chối.

Có không ít trường hợp bị yêu cầu nộp tiền cúng vong tương tự đã diễn ra trên thực tế ở chùa Ba Vàng. Một câu hỏi lớn được đặt ra, vì sao đã diễn ra trong nhiều năm, GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cũng đã lên án và đề nghị các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn phối hợp giải quyết nhưng những hoạt động mang tính chất truyền bá mê tín dị đoan, trục lợi như thế vẫn diễn ra một cách công khai ở ngôi chùa thu hút hàng triệu du khách thập phương mỗi năm này?

Cũng liên quan đến vụ việc tại chùa Ba Vàng, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có công văn gửi Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Quảng Ninh và Hội đồng Trị sự GHPGVN. Tại Công văn số 267/TGCP-PG gửi Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị Hội đồng Trị sự GHPGVN kiểm tra, xác minh để làm rõ và có biện pháp ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm (nếu có). Tại công văn số 263/TGCP-PG gửi Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ) tỉnh Quảng Ninh, Ban Tôn giáo Chính phủ yêu cầu Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, xác minh để làm rõ những nội dung như báo chí phản ánh, kịp thời tham mưu, đề xuất biện pháp giải quyết những hành vi vi phạm pháp luật (nếu có). 

  Yêu cầu chấm dứt “thỉnh vong”, “cúng oan gia trái chủ” tại cha Ba Vàng

Ông Phạm Tuấn Đạt, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí (Quảng Ninh) vừa ký văn bản khẩn số 675 gửi trụ trì chùa Ba Vàng, theo đó yêu cầu chấm dứt hoạt động không có trong danh mục hoạt động tôn giáo. Đồng thời, văn bản của TP Uông Bí khẳng định, nghi thức “thỉnh vong”, “cúng oan gia trái chủ”, các hoạt động giảng pháp do phật tử Phạm Thị Yến, Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng thực hiện gây bất bình trong dư luận nhân dân, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Theo UBND TP Uông Bí, qua rà soát và theo dõi hoạt động tôn giáo diễn ra tại chùa Ba Vàng cơ bản thực hiện theo danh mục chùa Ba Vàng đăng ký. Tuy nhiên, còn có hoạt động tín ngưỡng trong cơ sở tôn giáo chưa đúng với danh mục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể, nghi thức “thỉnh vong”, “cúng oan gia trái chủ”, các hoạt động giảng pháp do phật tử Phạm Thị Yến, pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán, Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng, phật tử chùa Ba Vàng thực hiện. Việc tuyên truyền giảng pháp của phật tử Yến đã gây bất bình trong dư luận nhân dân, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Trước tình hình trên, UBND TP Uông Bí yêu cầu trụ trì chùa Ba Vàng chấm dứt các hoạt động không có trong danh mục hoạt động tôn giáo năm 2019 đã đăng ký và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận; có biện pháp chấn chỉnh việc giảng pháp của tăng ni, phật tử chùa Ba Vàng theo đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP.

HẢI ĐĂNG

 

BẢO ANH; ảnh: QUANG VINH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top