Việt Nam là hình mẫu về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá

VHO - Sáng 18.1 tại Hà Nội, Tiểu ban Văn hoá (Bộ VHTTDL) đã tổ chức phiên họp tổng kết năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024. Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Phó Chủ tịch Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam Hoàng Đạo Cương chủ trì phiên họp.

Dự buổi làm việc có ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc.

Việt Nam là hình mẫu về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, bà Nguyễn Phương Hoà, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL), Trưởng Tiểu ban Văn hoá cho biết, tiếp tục thực hiện Bản Ghi nhớ hợp tác Việt Nam - UNESCO giai đoạn 2021 - 2025, năm 2023, Tiểu ban Văn hóa  đã tích cực triển khai các hoạt động hợp tác văn hóa, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trong cơ chế UNESCO.

Điều này thể hiện qua các sự kiện nổi bật như Việt Nam trúng cử Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027, đưa Việt Nam lần đầu tiên giữ nhiều vị trí quan trọng trong UNESCO; tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 20 năm Công ước UNESCO 2003; Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới; hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo…

Việt Nam là hình mẫu về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá - Anh 2

Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế Nguyễn Phương Hoà trình bày báo cáo

Trên tổng số nhiệm vụ đề ra trong năm 2023, Tiểu ban đã hoàn thành 61/63 nhiệm vụ. Trong đó, 2 hoạt động do Tiểu ban triển khai thực hiện nằm trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2023 là Đà Lạt và Hội An chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO; Việt Nam trúng cử Thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027.

Về công tác quản lý nhà nước, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa ngày càng hoàn thiện và chặt chẽ hơn. Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Nghị định quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đang được xây dựng theo đúng tiến độ.

Đối với việc thực hiện Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, Tiểu ban đã tiến hành thẩm định các kế hoạch quản lý, quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản thế giới như Vịnh Hạ Long, Thành Nhà Hồ, quần thể di tích Cố đô Huế, quần thể danh thắng Tràng An…

Hướng dẫn tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương hoàn thiện hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc gửi tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO đúng thời hạn.

Việt Nam là hình mẫu về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá - Anh 3

Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Jonathan Wallace Baker nhấn mạnh Việt Nam là quốc gia giàu kinh nghiệm trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá

Đối với Công ước UNESCO về phòng chống doping trong thể thao, công tác lấy mẫu kiểm tra doping diễn ra nghiêm túc nhằm nâng cao giá trị tinh thần của thể thao thông qua việc thi đấu trung thực, công bằng, tôn trọng. Từ đó, xây dựng những nhân cách tốt đẹp cho các VĐV khi thi đấu trong môi trường quốc tế.

Giai đoạn 2022 - 2023, Trung tâm Doping và Y học thể thao đã triển khai công tác lấy mẫu kiểm tra doping một cách hiệu quả theo đúng các quy định của Tổ chức phòng, chống Doping thế giới (WADA) và Quy định về phòng, chống Doping của Việt Nam.

Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam với sự chủ động, tích cực đã đạt được nhiều thành tựu trong bảo tồn, phát triển văn hoá trong năm 2023. Những kết quả đó đến từ sự định hướng rõ ràng của Chính phủ, Bộ VHTTDL, nỗ lực của Tiểu ban Văn hoá trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ.

Việc Việt Nam trở thành thành viên của 3 Công ước về văn hoá, trúng cử thành viên Uỷ ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 – 2027 đã thể hiện uy tín, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế trước những đóng góp của Việt Nam trong gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá; thể hiện Việt Nam là quốc gia giàu kinh nghiệm, có đủ năng lực để thực hiện vai trò cố vấn cho các quốc gia khác thuộc UNESCO. Có thể khẳng định, Việt Nam là hình mẫu về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá.

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đánh giá, việc hoàn thành 61/63 nhiệm vụ đã cho thấy những nỗ lực cũng như những đóng góp của Tiểu ban trong triển khai các hoạt động của UNESCO. Đây cũng là khối lượng công việc có sự phong phú, trải rộng trên tất cả lĩnh vực, thể hiện rõ vai trò của một Tiểu ban.

Việt Nam là hình mẫu về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá - Anh 4

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương trao quà lưu niệm cho ông Jonathan Wallace Baker

Trong năm 2024, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị Tiểu ban Văn hoá tập trung các nguồn lực, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ di sản văn hóa nói chung, các di sản được UNESCO ghi danh nói riêng; phối hợp chặt chẽ với các địa phương và ban, ngành liên quan xây dựng hồ sơ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam trình UNESCO.

Đồng thời, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thành viên của Việt Nam tại các Công ước UNESCO, các tổ chức, diễn đàn liên quan đến UNESCO tại khu vực và quốc tế. Ngoài ra, nhanh chóng hoàn thiện kế hoạch nghiên cứu lộ trình gia nhập Công ước UNESCO 2001 về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước.

Việt Nam là hình mẫu về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá - Anh 5

Toàn cảnh phiên họp

Cũng nhân dịp này, Thứ trưởng mong muốn UNESCO tiếp tục hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ với Việt Nam, nhất là về tri thức, ý tưởng, kinh nghiệm, các mô hình và danh hiệu; tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng và tư vấn, ủng hộ các hồ sơ di sản mới của Việt Nam, cũng như hỗ trợ việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thế giới đã được UNESCO ghi danh; trong đó có dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa lịch sử.

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc