Trung Quốc: Đối mặt với vấn đề hiếm muộn

VH- Bùng nổ dân số từng là điều khiến các nhà chức trách tại Trung Quốc vô cùng đau đầu, và chính sách một con được đưa ra vào năm 1975 là một giải pháp kịp thời. Tuy nhiên đến nay, nước này lại đối mặt với một vấn đề khác, đó chính là tình trạng hiếm muộn của các cặp vợ chồng.

Trung Quốc: Đối mặt với vấn đề hiếm muộn - Anh 1

 Công dân Trung Quốc xếp hàng để được kiểm tra tại một trung tâm sức khỏe sinh sản công cộng Ảnh: CNN

Vấn nạn quốc gia

Các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc từng trải qua hàng thế kỉ của chế độ phong kiến cổ hủ khi người phụ nữ được sinh ra với thiên chức làm vợ và làm mẹ mà không được chọn cho mình cuộc sống họ mong muốn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, khi trình độ văn hóa của các nước dần phát triển, việc lựa chọn mong muốn và thời điểm lập gia đình hoặc sinh con có phần cởi mở hơn. Chính vì lẽ đó, giống như nhiều nước phát triển khác trên thế giới, việc trì hoãn sinh con tại Trung Quốc trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Chi phí sinh hoạt cao, giờ làm việc kéo dài, chi phí chăm sóc trẻ nhỏ tăng theo từng năm và chính sách thai sản không thân thiện chính là một trong những yếu tố khiến việc làm mẹ không còn là lựa chọn hàng đầu ở những phụ nữ đã lập gia đình tại Trung Quốc trong nhiều năm trở lại đây. Các chuyên gia cũng cho rằng một yếu tố khác dẫn tới tỉ lệ vô sinh tại nước này đó là ô nhiễm môi trường.

Có thể nói, vô sinh hay hiếm muộn không chỉ là vấn đề của một cộng đồng thiểu số, mà đây được coi như cuộc đấu tranh của toàn quốc gia. Theo thống kê, tổng tỷ suất sinh tại Trung Quốc tính đến năm 2017 là 1,6 trẻ em/phụ nữ, tương đương với Canada nhưng thấp hơn nhiều so với Anh và Hoa Kỳ. Tỷ lệ này cũng thấp hơn 2,1 lần tỷ lệ cần thiết để giữ cho dân số ổn định theo tính toán của CIA World Factbook.

Những nỗ lực của Chính phủ

Đứng trước vấn đề này, chính quyền Trung Quốc đang từng bước nỗ lực đẩy mạnh tỷ suất sinh con của các cặp vợ chồng trong nước. Tuy nhiên, tháp dân số tại nước này lâu nay đã bị đảo ngược, tức là lượng dân số trong độ tuổi lao động ngày càng thu hẹp, không đủ khả năng gồng gánh nền kinh tế mà thế hệ dân số già để lại.

Để đảo ngược tình trạng trên, chính phủ Trung Quốc đang thực hiện những thay đổi mạnh mẽ đối với chính sách dân số từ lâu vốn tập trung vào việc giữ tỷ lệ sinh thấp. Vào năm 2015, chính quyền nước này đã loại bỏ chính sách một con. Trong năm nay, Trung Quốc đã bãi bỏ Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình. Đây là một quyết định vấp phải nhiều sự nghi ngờ của dư luận.

Việc thay đổi chính sách cho phép các cặp vợ chồng có cơ hội sinh hai con. Nhưng đi cùng với đó chính là nhu cầu điều trị chứng vô sinh và hiếm muộn ở nhiều cặp vợ chồng lớn tuổi. Đây được coi là một cuộc đấu tranh dài và dai dẳng bởi tình trạng vô sinh đi cùng với đó là lựa chọn sống độc thân được hình thành qua thời gian của thế hệ trẻ gây ra rất nhiều sức ép đối với nỗ lực cải thiện tình hình dân số nước này. Dữ liệu chính thức về vô sinh hiếm hoi được công bố vào năm 2012 bởi Hiệp hội Dân số Trung Quốc cho thấy có tới 40 triệu phụ nữ và nam giới tại nước này đối mặt với tình trạng vô sinh.

Cuộc đấu tranh thầm lặng

Tại các đô thị lớn ở Trung Quốc, nhiều phụ nữ bị choáng ngợp bởi những khái niệm xung quanh vấn đề vô sinh. Tại nước này, tuổi tác là nguyên nhân chính gây nên các vấn đề về vô sinh ở phụ nữ. Bên cạnh đó, sự kì thị của những người xung quanh đối với một người phụ nữ vô sinh, vô tình tạo nhiều gánh nặng lên vai họ. Nhiều phụ nữ Trung Quốc tỏ ra xấu hổ khi tâm sự với bạn bè hoặc gia đình về vấn đề này.

Bên cạnh đó, chi phí đề điều trị cho vô sinh là không hề rẻ. Trung bình, để điều trị vô sinh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại một phòng khám có giá là 4.700 USD (khoảng với 108 triệu đồng) tương đương với bốn tháng lương tại các thành phố giàu có và phát triển như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu. Tính đến năm 2016, chỉ có 451 phòng khám trên toàn quốc cung cấp liệu pháp thụ tinh trong ống nghiệm được cấp phép bởi chính phủ, có nghĩa là trung bình với mỗi 10 triệu người ở Trung Quốc, chỉ có sự lựa chọn với 3,3 cơ sở y tế cho nhu cầu thụ tinh trong ống nghiệm theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Công nghiệp Qianzhan. Báo cáo ước tính, có tới 800.000 nam giới và phụ nữ Trung Quốc không có cơ hội được tiếp cận với những hình thức thụ tinh nhân tạo chất lượng.

Bên cạnh việc thụ tinh trong ống nghiệm, những cặp vợ chồng hiếm muộn tại Trung Quốc cũng nỗ lực tìm hiểu về các phương thuốc Đông Y vốn được coi là an toàn và để lại ít tác dụng không mong muốn. 

 NGỌC LAM

Ý kiến bạn đọc