Trí tuệ nhân tạo sáng tác truyện cổ tích

VH- Từ bao đời nay, truyện cổ tích đã trở nên không thể thiếu, đã trở thành một phần của cuộc đời con người. Nó là văn học và văn hoá, là đời sống tinh thần và giáo dục tính cách, thẩm mỹ của con người. Truyện cổ tích được con người sáng tác, sưu tầm và lưu truyền theo thời gian. Mới rồi, lần đầu tiên truyện cổ tích được sáng tác bởi trí tuệ nhân tạo.

Đã từ lâu rồi trên thế giới có những chương trình máy tính bắt chước các nhạc sỹ và hoạ sỹ để sáng tác nên những tác phẩm mới. Công nghệ càng phát triển thì chất lượng của những sản phẩm này càng cao. Truyện cổ tích có phần khác bởi cách hành văn, bởi ngôn từ được sử dụng và bởi cấu trúc câu chuyện. Nó theo khuôn mẫu và tiêu chí nhất định.

Mới đây, các nhà khoa học của hãng Botnik đã thử nghiệm việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để sáng tác truyện cổ tích. Họ sử dụng chủ yếu Truyện cổ Grimm. Từ 200 câu chuyện cổ tích trong đó, các nhà khoa học sàng lọc và đúc kết ra những đặc trưng nhất của Truyện cổ Grimm về nội dung, văn phong, ngôn từ và để cho trí tuệ nhân tạo nhào nặn thành truyện cổ tích mới. Kết quả đầu tiên là câu chuyện “Nàng công chúa và con cáo”. Theo đúng khuôn mẫu của Truyện cổ Grimm, câu chuyện này bắt đầu cũng bằng “Ngày xửa, ngày xưa....”. Cụ thể là: “Ngày xửa, ngày xưa, có một con ngựa vàng, đeo trên lưng một cái yếm vàng và ở bộ bờm vàng của nó cài một bông hoa mầu đỏ thắm...”.

Khác với những sản phẩm âm nhạc và hội hoạ mà chương trình máy tính nhả ra, việc để cho trí tuệ nhân tạo sáng tác truyện cổ tích, được các nhà khoa học tiến hành theo quy trình là có biên tập và chỉnh sửa nhất định sau khi trí tuệ nhân tạo đưa ra sản phẩm. Truyện cổ tích “Nàng công chúa và con cáo” hiện mới được phát hành ở dạng đọc truyện, tức là dạng audio, qua giọng đọc truyện của diễn viên Erik Braa. Cách đọc truyện của Braa được chủ ý như để ru ngủ con trẻ. Và câu chuyện đương nhiên kết thúc bằng “Và tất cả đều sống hạnh phúc đến cuối đời”. 

 HÀ AN

Ý kiến bạn đọc