Trung Quốc sẽ có quy định mới về tiền thách cưới

VHO- Tòa án tối cao Trung Quốc vừa ban hành dự thảo quy định về tranh chấp giá cô dâu, trong đó nêu rõ các trường hợp mà tiền thách cưới phải hoàn trả cho chú rể, cũng như các yếu tố quyết định số tiền sẽ hoàn lại.

Trung Quốc sẽ có quy định mới về tiền thách cưới - Anh 1

 Số tiền sính lễ chú rể phải nộp cho nhà gái tại một lễ cưới Ảnh: PAPER

Dự thảo này được đưa ra vào giữa tháng 12, sau hàng trăm nghìn vụ tranh chấp đòi lại tiền sính lễ diễn ra khắp đất nước trong hàng chục năm nay ở Trung Quốc. Dự thảo này ghi rõ, “nghiêm cấm mượn cớ hôn nhân để vòi vĩnh tài sản”, đồng thời cũng nêu “nếu một bên lấy tài sản thông qua hôn nhân với danh nghĩa sính lễ mà bên kia yêu cầu trả lại thì Tòa án nhân dân cần hỗ trợ”. Tinh thần cốt lõi của những vụ việc điển hình được nêu và dự thảo lấy ý kiến được đưa ra lần này có thể hiểu là: Có trả lại tiền sính lễ hay không còn tùy thuộc vào tác dụng của số tiền đó trong đời sống hôn nhân thực tế và có ảnh hưởng đến kết cục của hôn ước hay không.

Tiền thách cưới rất phổ biến ở Trung Quốc. Đó là những khoản tiền hoặc quà tặng bằng hiện vật như trang sức, xe, nhà mà chú rể phải đưa cho nhà gái trước khi rước dâu. Phong tục này đang trở nên biến tướng, khi “giá cô dâu” cao ngất ngưởng trong những năm gần đây. Thách cưới quá cao cũng là một trong những nguyên nhân gây xung đột, đổ vỡ hôn nhân, đặc biệt tại khu vực nông thôn.

Tòa án nhân dân cấp cao tỉnh Cát Lâm vừa công bố vụ án tranh chấp đòi sính lễ giữa anh Vương và chị Ân. Bản án thể hiện, sau gần một năm yêu nhau, tháng 12.2016, hai người quyết định tiến tới hôn nhân. Vương đưa nhà gái 100.000 nhân dân tệ (hơn 320 triệu đồng) để làm lễ nạp tài. Do Ân chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (20 tuổi), họ chỉ tổ chức đám cưới vào ngày 1.1.2017, chứ chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn. Ngày 26.5.2017, Ân sinh con trai. Họ chung sống với nhau đến đầu năm 2020, sau đó chia tay vì bất hòa tình cảm. Suốt 3 năm sống chung này, hai người vẫn chưa đăng ký kết hôn. Trong thời gian ly thân, cậu bé sống với cha. Tháng 10.2020, Vương đưa đơn ra tòa yêu cầu Ân trả lại món sính lễ 100.000 nhân dân tệ. Tòa sơ thẩm cho rằng sính lễ (một số nơi còn gọi là “giá cô dâu”) là tiền nhà trai trả nhà gái khi đính hôn, nhằm mục đích kết hôn. Khi hai bên chưa hoàn tất thủ tục đăng ký kết hôn, tòa cho rằng nên ủng hộ việc Vương đòi lại tiền sính lễ. Ân không đồng ý, kháng cáo lên tòa án cấp cao tỉnh Cát Lâm.

Cách đây không lâu, ở Sơn Tây cũng lan truyền thông tin nói về một người đàn ông sinh năm 1980 đã gặp cô bạn gái thông qua một cuộc hẹn hò làm quen, sau khi yêu nhau được 8 tháng, cả hai dự định kết hôn. Người đàn ông đã phải nộp cho gia đình cô gái số tiền sính lễ 188.000 nhân dân tệ (NDT) theo yêu cầu. Người đàn ông nói: “Món quà sính lễ 188.000 NDT là bình thường ở địa phương này. Chúng tôi gọi đó là “gói lớn”. Số tiền sính lễ 188.000 NDT ấy, bản thân tôi chỉ có 168.000 NDT tiết kiệm được và tôi đã vay thêm 20.000 NDT từ bạn bè”. Nào ngờ, trước khi hai người kết hôn, gia đình nhà gái lại đòi thêm 30.000 NDT nữa. Người đàn ông nói: “Tôi không có tiền đưa thêm nữa, tôi đã phải vay mượn tiền người khác”. Sau đó, hai người đã cãi nhau về vấn đề này và người đàn ông đã hủy bỏ hôn ước, đòi lại 188.000 NDT tiền sính lễ của mình. Sự việc này đã gây nên sự chú ý của dân chúng địa phương và nhiều cư dân mạng đã bày tỏ ủng hộ quyết định của người đàn ông.

Ye Mingyi, giáo sư tại Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải chuyên về luật gia đình, nói với Sixth Tone: “Cách giải thích tư pháp mới không chỉ linh hoạt hơn mà còn khoa học và phù hợp hơn”.

Theo tài liệu mới, tòa án Trung Quốc không nên chỉ tập trung vào việc liệu một cặp đôi đã kết hôn hợp pháp khi giải quyết tranh chấp, mà cần đánh giá toàn diện hơn về số tiền thách cưới, thời gian chung sống, cách sử dụng số tiền thách cưới và cả chuyện họ đã có con chưa. Hiện tại, tòa án sẽ hỗ trợ yêu cầu trả lại tiền thách cưới khi đáp ứng một trong 3 điều kiện: Chưa đăng ký kết hôn; đã đăng ký kết hôn nhưng không chung sống; hoặc khoản tiền thách cưới “gây khó khăn” cho cuộc sống của chú rể. Ông Ye Mingyi cho rằng, cách giải quyết của tòa án hiện nay quá đơn giản và bất hợp lý, vì các cặp đôi ngoài đời thực có thể sống với nhau nhiều năm mà không đăng ký kết hôn, trong khi nhiều cặp đã đăng ký lại chỉ sống với nhau trong một thời gian ngắn.

Một thách thức khác trong việc giải quyết những tranh chấp về giá cô dâu là các khu vực khác nhau có phong tục và tập quán riêng. Nghiên cứu về tranh chấp giá cô dâu vào năm 2022 cho thấy mức thách cưới ở Trung Quốc thường cao gấp 3-10 lần thu nhập hằng năm của người đưa sính lễ. Trên China Judgements Online - một cơ sở dữ liệu chính thức về các phán quyết của tòa án, có hơn 140.000 trường hợp liên quan đến tranh chấp về việc trả lại tiền thách cưới. 

 THÁI AN

 

Ý kiến bạn đọc