Trung Quốc: Loại bỏ những phong tục đám cưới không phù hợp

VHO- Hàng trăm người chặn xe của chú rể và chỉ cho anh ta vào làng đón cô dâu khi lì xì một số tiền lớn cho từng người. Cảnh tượng này đang làm dấy lên cuộc tranh luận về phong tục cưới hỏi ở Trung Quốc.

Trung Quốc: Loại bỏ những phong tục đám cưới không phù hợp - Anh 1

 Đám đông người lớn tuổi ngăn cản chú rể yêu cầu đưa tiền mặt và quà tặng Ảnh: SCMP

Fengqi Video đưa tin, các sự kiện ồn ào xảy ra trên đường tới đám cưới ở một ngôi làng ở Thái Châu, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc vào cuối tháng 10, khi đoàn xe của chú rể bị chặn lại bởi một đám đông chủ yếu là người già. Theo truyền thống, họ hàng của chú rể phải đưa cho những người này bất cứ thứ gì họ yêu cầu, có thể là đường, thuốc lá đến bao lì xì màu đỏ đựng tiền. Nếu đám đông không hài lòng với lễ vật, chú rể có thể không được gặp cô dâu hoặc việc đón dâu có thể bị chậm trễ, quá giờ lành đã định.

Nghi thức chặn đường chú rể được gọi là lan men (chặn cửa). Một số người thân, bạn bè của cô dâu thậm chí còn đặt ra những thử thách như bắt chú rể đoán câu đố, ngâm thơ hay thể hiện tài ca hát, nhảy múa. Theo một người tổ chức đám cưới ở Thái Châu, gia đình chú rể thường chuẩn bị nhiều quà và tiền để phân phát cho đám đông chặn xe chú rể.

Clip chặn cửa của đám cưới ở Thái Châu trên đã thu hút sự quan tâm lớn mạng xã hội ở Trung Quốc với 6.000 bình luận để lại trên Douyin, hầu hết đều lên án: “Thật là một phong tục xấu xa. Đây rõ ràng là một vụ cướp”, một người nói, một người khác viết “Phong tục này sẽ ngăn cản những người trẻ tuổi kết hôn”, tiếp đó là bình luận “Gia đình chú rể bỏ 10 nhân dân tệ vào mỗi bao lì xì. Với cả đám đông như thế kia thì tổng số tiền nhà trai phải bỏ ra cho họ là không nhỏ đâu”.

Bên cạnh nghi thức “chặn cửa” này, đám cưới ở Trung Quốc còn có tục “hun nao” hay gọi là “đám cưới nóng bỏng” cũng gây tranh cãi. Theo đó, phong tục này cho phép những người tham gia đám cưới chế nhạo chú rể, cô dâu và thậm chí cả phù dâu. Việc này đã dẫn đến bạo lực và quấy rối tình dục trong một số trường hợp.

Đầu năm nay, một đám cưới ở Sơn Đông với những hủ tục đã gây phẫn nộ trên mạng xã hội. Đoạn video ghi hình sự kiện cho thấy, một nhóm đàn ông lực lưỡng đè cô dâu mặc váy cưới truyền thống màu đỏ xuống đất. Đám cưới diễn ra trong một khu nhà ở nông thôn, sân trong trải thảm đỏ. Khách tập trung dưới sân để xem hủ tục kỳ lạ. Một vị khách đã cố gắng ngăn những người này lại, nhưng những người đàn ông chỉ cười phá lên trước nỗ lực đó. Nhóm đàn ông sau đó đã xịt bọt trắng lên đầu cô dâu và ngăn cản cô cố gắng thoát khỏi “thử thách”. Sau đó, một số người đàn ông đã dùng vũ lực giữ đầu cô dâu và chú rể, bắt họ phải chào nhau.

Video đăng trên Weibo đã được xem hơn 140 triệu lần, với hơn 13.000 bình luận, chủ yếu là những ý kiến bày tỏ nỗi bất bình. “Nhiều phong tục đám cưới như vậy vẫn diễn ra ở vùng nông thôn mà không cách nào cấm được”, một người nhận xét. “Làm sao chú rể lại chịu được cảnh này nhỉ? Hình ảnh phản cảm thực sự. Đến bao giờ những cảnh này mới chấm dứt đây”, một người khác cho hay.

Các đám cưới với những trò thử thách thô tục, thậm chí quấy rối tình dục xảy ra ở một số vùng của Trung Quốc đã không ít lần thu hút sự chú ý trên mạng xã hội. Năm 2020, cũng tại tỉnh Sơn Đông, một chú rể bị lôi khỏi ô tô đang trên đường đi đón dâu và bị bôi nước tương, giấm và trứng gà sống lên người rồi đẩy xuống mương nước ven đường. Một số khách dự đám cưới sau đó đã bị cảnh sát bắt.

Theo truyền thông Trung Quốc, trước sự bức xúc của dư luận, chính quyền địa phương đã liên hệ với các bô lão trong làng và hy vọng sẽ “thúc đẩy thay đổi, loại bỏ những phong tục đám cưới không phù hợp”. 

 THÁI AN

Ý kiến bạn đọc