Xây dựng các công trình văn hóa tầm cỡ: Dũng cảm đương đầu với dư luận

VHO- Trên thế giới, công trình văn hóa thì nhiều, nhưng những công trình tầm cỡ, sừng sững với thời gian, trở thành biểu tượng văn hóa quốc gia, là điểm đến không thể thiếu của du khách thì cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nhưng, để có được những công trình đó, chính quyền và tác giả của những kiệt tác đã phải dũng cảm như thế nào…

Xây dựng các công trình văn hóa tầm cỡ: Dũng cảm đương đầu với dư luận - Anh 1

 Australia sẽ ra sao nếu thiếu Nhà hát Con Sò?

Nhà hát Opera Sydney của Australia thường được người Việt gọi bằng tên dân dã là Nhà hát Con Sò vừa kỷ niệm 50 năm khánh thành vào ngày 20.10 vừa qua. Được thiết kế bởi kiến trúc sư Đan Mạch Jørn Utzon, tòa nhà được chính thức khai trương vào ngày 20.10.1973 sau 14 năm khi dự án bắt đầu từ thiết kế của Utzon - người chiến thắng cuộc thi thiết kế quốc tế năm 1957.

Nếu kể lể dài dòng về công trình có một không hai này cũng bằng thừa, chỉ biết rằng, đây là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu nhất thế kỷ XX và là một trong các địa điểm biểu diễn nghệ thuật nổi tiếng nhất thế giới, thu hút hàng triệu lượt du khách đến thăm hằng năm.

Công trình đúng là một biểu tượng. Chỉ cần nghe nhắc đến nó là người ta sẽ ngay lập tức nghĩ đến Australia và ngược lại. Thế nhưng, có ai hiểu cho rằng, để có được nó, chính quyền và kiến trúc sư đã phải đương đầu với dư luận như thế nào.

Trở lại 68 năm trước đây, ngày 13.9.1955, Chính phủ Australia tổ chức cuộc thi quốc tế để tìm kiến trúc phù hợp cho nhà hát, nơi được xác định sẽ diễn ra những vở nhạc kịch kinh điển thế giới. Hơn 1.000 kiến trúc sư tham gia cuộc thi nhưng chỉ 220 tác phẩm được chọn và thành công cuối cùng thuộc về kiến trúc sư người Đan Mạch Jørn Utzon.

Công trình bắt đầu được xây dựng vào năm 1957. Ý tưởng độc đáo, sáng tạo đã giúp Utzon chiến thắng trong cuộc thi nhưng giờ đây lại là rào cản cho ông. Bởi lẽ, việc đưa thiết kế mái hình cánh buồm bằng đá sa thạch khổng lồ vào thực tiễn làm sao để vừa bảo đảm vẻ đẹp hài hòa của bến cảng Circular, vừa phù hợp với hệ thống sân khấu bên trong, và chuỗi các quán bar, nhà hàng bên ngoài là điều chưa có tiền lệ. Sự phức tạp trong cấu trúc và công nghệ mới khiến chi phí và thời gian thi công nhà hát kéo dài như vô hạn. Chính điều này làm người dân Australia phẫn nộ, các cuộc diễu hành phản đối việc xây dựng nhà hát nổ ra. Người ta cho rằng, sự trừu tượng trong kiến trúc, phức tạp trong thi công đang hủy hoại vẻ đẹp của Vịnh Circular cũng như là gánh nặng cho nền kinh tế nước này.

Trước sự chỉ trích của người dân và mâu thuẫn không thể hòa giải với Chính phủ, năm 1966, kiến trúc sư Utzon quyết định rút khỏi dự án với “lời thề” không bao giờ trở lại xứ sở Chuột túi. Ông ra đi với đầy đủ cảm xúc của một người bị phản bội, quay lưng của cả đất nước, nơi từng tôn vinh kiến trúc kết tinh bằng tất cả tâm huyết, tri thức của người kiến trúc sư trẻ. Việc tiếp tục xây dựng tuyệt tác Opera House được để lại cho các kiến trúc sư Australia, những người đã thay đổi phần lớn các thiết kế bên trong nhà hát để đẩy nhanh quá trình xây dựng cũng như giảm bớt chi phí. Nhưng người ta có biết đâu rằng, đây chính là nguyên nhân dẫn đến hạn chế về mặt âm thanh cũng như nội thất trong nhà hát mà Chính phủ Australia đã và đang tìm cách khắc phục cho đến tận ngày nay. Không những thế, từ dự toán 15 triệu USD ban đầu, chi phí tăng vọt lên đến gần 87 triệu USD và còn bị trì hoãn thêm gần 10 năm nữa.

Sau 14 năm, Nhà hát rồi cũng đã hoàn thành. Với thiết kế bay bổng hình cánh buồm trắng vươn ra biển khơi trên nền đá sa thạch đỏ khổng lồ, Nhà hát Con Sò được đánh giá là một trong những đỉnh cao kiến trúc xứng tầm thế kỷ. Giờ đây, bất kỳ du khách nào đến Sydney mà chưa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ vĩ, đầy sáng tạo của công trình nghệ thuật này giữa mênh mông sóng nước thì xem như chưa đến nước Australia. Bruce Barnett, hướng dẫn viên du lịch của Nhà hát Opera Sydney từng tự hào chia sẻ với đài CNN: “Tòa nhà này rất quan trọng và nó đã làm thay đổi một quốc gia. Kể từ ngày có rạp hát, bỗng nhiên Australia lại nổi tiếng trên bản đồ thế giới. Thế giới bắt đầu hiểu chúng tôi không chỉ ăn uống, tới các bãi biển và lướt sóng, uống bia - chúng tôi cũng có cả văn hóa”.

Và người đã góp phần thay đổi hình ảnh xứ sở Chuột túi, không ai khác là kiến trúc sư Utzon. Tuy nhiên, giữ đúng lời nguyền, một lần đi không quay trở lại. Mãi đến năm 1999, Nhà hát mới đưa ra lời xin lỗi kiến trúc sư tài ba này, một lời xin lỗi quá muộn màng khi ông bước vào tuổi 81 và vài năm sau ông mất!

Tháp Eiffel ở thủ đô Paris của Pháp cũng trong tình trạng tương tự. Khi thuyết phục xây một tháp thép cao 300m ở Paris, tác giả Gustave Eiffel đau đáu với công trình, khẳng định sẽ có rất nhiều du khách đến và Paris sẽ kiếm được bộn tiền. Thế nhưng những lời tâm huyết của ông bị dư luận bỏ ngoài tai. Công trình đã vấp phải những lời chỉ trích thậm tệ bởi dư luận cho rằng, tòa tháp xây dựng quá tốn kém và sẽ phá hủy vẻ đẹp thanh lịch phía dưới của thành phố. Tuy nhiên từ khi mở cửa, tháp Eiffel đã chứng minh ngược lại những lời chỉ trích thiếu căn cứ của dư luận. Không những thế, nó trở thành biểu tượng của Paris và nước Pháp, thu hút gần 250 triệu lượt khách tới thăm.

Hơn 10 triệu du khách đến Nhà hát Opera Sydney mỗi năm mang lại lợi nhuận khổng lồ cho ngành Du lịch Australia, cũng như bảy triệu du khách đến tháp Eiffel mỗi năm mang lại bộn tiền cho ngành Du lịch nước Pháp. Đây cũng là hai công trình kiến trúc trong số các công trình được chụp ảnh nhiều nhất thế giới. Thế nhưng, để có được quả ngọt như ngày hôm nay là biết bao số phận, bao nỗi niềm… Thử hỏi, nếu “đẽo cày giữa đường”, Australia sẽ ra sao nếu thiếu Nhà hát Con Sò? Hình ảnh nước Pháp có bị phôi phai khi trống vắng tháp Eiffel?

Xây dựng những công trình, thiết chế văn hóa tầm cỡ nói riêng, đầu tư cho văn hóa nói chung, ngoài rất nhiều yếu tố khác thì không thể không nói đến tiền, rất nhiều tiền! Điều này đòi hỏi cần có tầm nhìn và cần cả sự kiên định, dũng cảm. Số đông là sức mạnh, nhưng chưa hẳn đã là chân lý. Có những thứ mang lại vô giá, muôn đời, không thể đo đếm bằng tiền và chỉ có thời gian mới có thể trả lời đúng - sai. 

 TÙNG QUANG

Ý kiến bạn đọc