Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông: Mở rộng vùng biển xanh

VHO- Trong hai ngày 25 - 26.10 tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 15 do Học viện Ngoại giao và các cơ quan đối tác phối hợp tổ chức. Với chủ đề “Thu hẹp vùng biển xám, mở rộng vùng biển xanh”, Hội thảo quy tụ hơn 200 đại biểu tham dự trực tiếp và gần 250 đại biểu đăng ký tham dự trực tuyến.

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông: Mở rộng vùng biển xanh - Anh 1

 Các học giả thảo luận tại Hội thảo

Trong diễn văn khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nhận định: 15 năm qua, chuỗi hội thảo về Biển Đông đã và đang tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn, hữu nghị cho các chuyên gia khu vực và quốc tế để tăng cường hiểu biết chung và thu hẹp khác biệt; kỳ vọng thời gian tới, đối thoại này sẽ tiếp tục trở thành một diễn đàn an ninh biển cấp độ khu vực quan trọng, rộng mở, bao trùm và sáng tạo.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho rằng, hiện nay trọng tâm toàn cầu đang tiếp tục chuyển dịch về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đã và đang trở thành “trung tâm” của tăng trưởng toàn cầu và là đầu tầu quan trọng cho phục hồi toàn cầu và thịnh vượng tương lai. Nhưng tương lai đó không thể được đảm bảo nếu thiếu đi hòa bình, ổn định bền vững nói chung và trên không gian biển khu vực nói riêng. Hiện nay, cạnh tranh chiến lược đang tạo ra những “chia rẽ lớn” và “rạn nứt lớn” theo như nhận định của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Guterres. Xung đột đang diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới; trên không gian biển tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, chắc chắn không tránh khỏi nguy cơ đối đầu và xung đột. Tình hình đó buộc chúng ta phải liên tục nhận diện những mối đe dọa tiềm tàng trên biển, rà soát những cơ chế hợp tác hiện hành để giải quyết những thách thức mới nổi và cùng nhau hành động ngăn chặn những mối đe dọa đó.

So với 15 năm trước, tình hình Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp hơn, nhiều “vùng xám” mới nảy sinh cần phải được làm sáng tỏ. Bên cạnh đó, Biển Đông vẫn là khu vực mang lại nhiều cơ hội hợp tác tiềm năng. Đáng chú ý, Hiệp định mới về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia là minh chứng cho thấy các nước có mối quan tâm chung đối với biển. Việt Nam tự hào là một trong những nước tham gia ký kết đầu tiên. Trong bối cảnh đó, Thứ trưởng đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề của Hội thảo; nhấn mạnh rằng chỉ thông qua hợp tác, chúng ta mới có thể giúp Biển Đông chuyển màu sắc từ “xám” sang “xanh”, hướng tới hòa bình và phát triển bền vững. Để làm được điều đó, điều quan trọng là phải tôn trọng và tuân thủ Luật Biển quốc tế, được thể hiện trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Trong thời gian qua, Việt Nam và các quốc gia ASEAN luôn nỗ lực hướng tới một trật tự khu vực, bao gồm không gian biển ổn định, dựa trên luật lệ. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc hiện thực hóa và triển khai hiệu quả Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Tầm nhìn Hợp tác biển vừa mới được ASEAN thông qua. Đồng thời, Việt Nam luôn luôn ủng hộ những sáng kiến mới vì mục tiêu chung, thông qua các cơ chế song phương, đa phương và mới.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Martin Thümmel, Ủy viên phụ trách Đông Á, Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Liên bang Đức đã bày tỏ quan ngại về tình trạng leo thang căng thẳng ở Biển Đông gần đây, đặc biệt vụ việc tàu cảnh sát biển và tàu dân quân biển Trung Quốc đâm va các tàu của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines ngày 22.10.2023. Ông Thümmel nhắc lại sự cần thiết của việc tuân thủ đầy đủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS về Vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc để bảo đảm sự thịnh vượng và định hình trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế cần đến sự hợp tác của các nước ở khu vực.

Các đại biểu cũng cho rằng, cách đây 15 năm không có nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, Biển Đông được cho là vấn đề tranh chấp song phương của các nước trong khu vực, và các nước không quan tâm nhiều đến các biện pháp quản lý xung đột. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vấn đề Biển Đông đã xuất hiện nhiều yếu tố, khía cạnh mới. Tranh chấp vẫn còn tiếp tục kéo dài căng thẳng do Trung Quốc không công nhận Phán quyết, tiếp tục thực thi yêu sách đường 9 đoạn và gần đây mới công bố thành đường đứt đoạn; có nhiều hoạt động “vùng xám” ở trên biển bao gồm sự tham gia chuẩn bị kỹ lưỡng của các bên, sử dụng các trang thiết bị tiên tiến như tàu thuyền hiện đại, vệ tinh, thiết bị bay không người lái để ghi hình và công bố các thông tin có lợi cho mình. Biển Đông hiện nay được đánh giá là vấn đề quốc tế, có nhiều rủi ro xung đột hơn và nếu có xảy ra xung đột sẽ dễ bị leo thang mở rộng. Đồng thời, các nước quan tâm hơn đến thúc đẩy các biện pháp quản lý tranh chấp như tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đang có một số tiến triển tích cực. Tuy nhiên, hiện nay còn tồn tại một số nội dung gây tranh cãi trong đàm phán COC như phạm vi áp dụng, hiệu lực pháp lý, cơ chế thực thi, vai trò của bên thứ ba... Những khía cạnh, yếu tố mới nói trên khiến vấn đề Biển Đông ngày càng nhận được sự quan tâm chú ý của cả cộng đồng quốc tế và khu vực, trong bối cảnh vai trò đó, vị trí của Biển Đông trong cuộc cạnh tranh kinh tế và chiến lược toàn cầu và ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng gia tăng. 

 THANH BÌNH

Ý kiến bạn đọc