Trung Quốc: Người dân xếp hàng và không đốt vàng mã khi đi lễ chùa

VH- Từ lâu, việc đi chùa đầu năm ở Trung Quốc luôn gắn liền với cảnh chen lấn, xô đẩy nhưng năm nay, ở nhiều đền chùa nổi tiếng của Trung Quốc, dù biển người đến rất đông, nhưng mọi người đều đứng theo hàng lối chỉnh tề, đợi đến lượt mình vào lễ bái. Ngoài ra, năm 2018, người dân ở quốc gia này còn gây bất ngờ khi nói không với tục đốt vàng mã.

Trung Quốc: Người dân xếp hàng và không đốt vàng mã khi đi lễ chùa - Anh 1

 Hàng nghìn người xếp hàng đi chùa

 Xếp hàng ngay ngắn đi lễ chùa

Với người Trung Quốc, đầu năm mới là phải đi chùa cầu may. Với 1,3 tỷ dân số, lượt người đi chùa đầu năm ở Trung Quốc lớn nhất thế giới. Từ ngày 20.2 (mùng 5 Tết), hàng chục nghìn du khách trong và ngoài nước đã đổ xô đến tượng đại Phật ở khu thắng cảnh Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc để đi lễ đầu năm.

Lạc Sơn Đại Phật (còn gọi là Lăng Vân Đại Phật hay Gia Định Đại Phật), là tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới. Bức tượng Phật Di Lặc này được tạc vào vách đá Thê Loan của núi Lăng Vân, nằm ở chỗ hợp lưu của ba con sông là Dân Giang, Đại Độ và Thanh Y ở miền nam tỉnh Tứ Xuyên, cách Lạc Sơn khoảng 3 km về phía đông. Bức tượng đá đối mặt với núi Nga Mi và dòng sông chảy dưới chân của Phật.

Theo chính quyền thành phố Lạc Sơn, đến ngày 20.2, lượng khách đổ về đây hành hương đã lên đến gần 350.000 người. Tính riêng khu thắng cảnh Nga Mi, số lượng du khách đến vào khoảng 33.000 người, khu tượng phật Lạc Sơn đón 42.471 người.

Số lượng người đến tham quan quá đông, nhưng mọi người vẫn đứng xếp hàng ngay ngắn chờ đến lượt.

Nói không với tục đốt vàng mã

Đốt vàng mã từng là một tập tục phổ biến ở Trung Quốc để tỏ lòng thành kính của người còn sống đối với những người đã khuất. Tuy nhiên, năm nay, nhiều người Trung Quốc đã từ bỏ thói quen này bởi họ coi đó là tập tục lạc hậu, lãng phí, ảnh hưởng xấu đến xã hội và môi trường. Nhiều người Trung Quốc đi lễ chùa không dâng vàng mã, mà chỉ thắp những nén hương thơm với tấm lòng thành kính để cầu mong một năm mới dồi dào sức khỏe và an lành cho bản thân cũng như gia đình.

Ông Trần, một người dân Bắc Kinh đi lễ chùa cho biết, ông đi lễ chùa để bày tỏ lòng thành kính với Đức Phật và cầu bình an, may mắn cho bản thân và gia đình mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Ông cho rằng việc dâng và đốt vàng mã là một tập tục rất lạc hậu, vì vậy bản thân ông và những người trong gia đình đã bỏ thói quen này từ rất lâu.

Những năm gần đây, chính quyền nhiều thành phố tại Trung Quốc đã ban hành các quy định cấm đốt vàng mã tại nơi công cộng, khu dân cư, danh lam thắng cảnh; cấm sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển vàng mã và các đồ tế lễ mang tính mê tín; khuyến khích các hình thức tế lễ văn minh như sử dụng hoa tươi, tế lễ qua nhà tang lễ “ảo” trên các trang web; đồng thời xử phạt nghiêm những người vi phạm... Do đó, hiện nay, đốt vàng mã không chỉ vắng bóng ở những địa điểm thờ tự, mà còn ngày càng hiếm gặp tại nhiều khu dân cư ở các tỉnh, thành phố lớn của Trung Quốc.

Theo các quy định hạn chế đốt vàng mã của chính quyền thành phố Bắc Kinh, đã từ lâu, các khu chung cư nằm ở khu vực trung tâm thành phố, đã không còn thấy bóng dáng của những chiếc lò hóa vàng mã.

Bằng nhiều biện pháp tuyên truyền vận động và ban hành những quy định bắt buộc để hạn chế việc đốt vàng mã, Chính phủ Trung Quốc đã thành công trong việc khuyến khích người dân từ bỏ tập tục lâu đời này và hướng tới một cuộc sống văn minh nhưng vẫn duy trì bản sắc truyền thống và giữ gìn vệ sinh môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

CHI MAI

 

Ý kiến bạn đọc