Hơi ấm tình đồng hương nồng nàn

VH- Anh chàng Đan Mạch phụ trách xe bán đồ ăn nhanh cho một bà chủ gốc Việt ở quảng trường Ofelia bảo tôi: “Các món nem, bánh mì Việt, bún bò... đều rất ngon, hợp thời tiết Bắc Âu. Tiếc là chúng tôi chỉ bán rong như thế này được từ tháng Năm đến tháng Chín. Giữa mùa thu đã phải ngừng vì gió thổi lạnh lắm rồi”. Nhưng hình như càng đi sâu hơn về xứ lạnh, hơi ấm tình đồng hương càng nồng nàn.

Hơi ấm tình đồng hương nồng nàn - Anh 1

Xe bán đồ ăn nhanh của người Việt ở Copenhagen

Sống ở Tây Âu đã lâu, nhưng đây là lần đầu tôi tiến sâu hơn về Bắc Âu. Hồi hộp đi qua cây cầu Oresund nối thủ đô Copenhagen của Đan Mạch với thành phố Malmo của Thụy Điển. Ngỡ như mơ. Bởi nhiều người Âu châu cũng mong ước một lần được đặt chân lên cây cầu dây văng dài 8 cây số này. Oresund là một tạo tác về kiến trúc trông xa như một vòng cung lấp lánh chợt nổi lên trên biển xanh rồi đột ngột biến mất (vào đường ngầm dưới biển dài 4 cây số). Phải vài lần ngồi trong chuyến tàu độc đáo lướt nhẹ trên cầu Oresund ấy, mới quen với cảm giác ngoài kia đang nắng vàng hòa màu biển xanh ngắt, bỗng tối sầm cả lại. Đã sang lãnh thổ của Thụy Điển, chỉ trong 15 phút. Và cũng không ngờ, ở đất nước Bắc Âu xa lạ này, những người bạn Việt vốn chỉ mới kết nối được nhờ facebook nhưng lần đầu gặp trực tiếp đã cảm thấy như quen nhau lâu lắm rồi.

Yến mời ngay tôi về nhà cô, rồi nói: “Khách sạn ở Copenhagen thuộc loại đắt đỏ nhất châu Âu, đừng thuê. Đi tàu chỉ 15 phút đã sang Malmo, về nhà tớ ngủ cho vui. Tớ nấu sẵn phở gà chờ rồi đấy nhé”. Nhà của người gốc Việt, chung cư tính từng mét vuông diện tích ở nhưng lúc nào cũng sẵn chiếc đệm lớn, ngả ra phòng khách là thành giường. Nửa đêm tôi mới về đến nhà Yến, chăn gối trải sẵn ấm áp. Yến còn áy náy: “Phòng khách chưa có cửa, thông cảm nhé. Hi vọng các cậu ngủ ngon.” Ở những nơi xa xôi thếnày, cứ gặp được người Việt thì không lo đói. Những ngày ở thăm Bắc Âu, sáng tôi dậy muộn, tối thường về trễ. Phải tranh thủ đi. Còn Yến phải đi làm theo ca kíp, không đợi được nhau. Nhưng lúc nào cô cũng nhắn tin hoặc viết giấy dán trên tủ lạnh, bàn ăn rằng: “Cơm đã nấu sẵn trên bếp. Trong tủ lạnh có canh bí nấu sườn, ruốc nấm, thịt rán...”.

Người Bắc Âu, cụ thể là dân Thụy Điển chủ trương sống đơn giản, cái gì cũng vừa đủ, không cốquá. Không cần xe sang nhà đẹp, quan trọng là thoải mái và hạnh phúc. Lúc dạo loanh quanh trung tâm Malmo tôi cứ cứ băn khoăn các tiệm móng- một trong những nghề chính của người Việt tại hải ngoại có hoạt động mạnh như ở Mỹ, Úc và các nước Tây Âu không? Chợt thấy biển hiệu làm móng mang tên thuần Việt hiện ra bên kia bờ sông. Và cách đó không xa là một tiệm bánh mì Việt, lại ngửi được mùi nem rán, mì xào béo ngậy bay ra. Bỗng nôn nao nhớ nhà, nhớ không khí ấm áp của Tết cổ truyền quê hương quá đỗi.

Tôi mạnh dạn mở cửa vào tiệm móng bên sông. Thân quen làm sao những dáng người nho nhỏ cần mẫn đeo khẩu trang, cặm cụi bên bàn trắng. Họ tỉ mẩn chải chuốt từng móng tay cho những vị khách tóc vàng, thỉnh thoảng quay ra chuyện trò ríu rít với nhau: “Hồi này thấy cuối tuần anh T. hay xin về sớm vậy? Có mối nào khai mau”. “Ba má em xin được visa qua thăm rồi, mừng quá!”. “Hôm nay chị có mang chân gà luộc, nghỉ trưa vào bếp nhậu nha”... Cả đám chợt lao xao khi một người đàn ông tuổi chừng năm mươi, dựng xe đạp trước cửa, xách vào một túi nhựa lớn: “Cho tôi hỏi thăm chú T. Tôi mang hai cân bánh cuốn nhân tôm chú ấy đặt hàng đây”. “Nhà anh T. hôm nay có khách Việt sang chơi hả? Quý quá trời. Thôi, anh xong khách đó thì dừng tay, khách sau em làm thay. Mang bánh cuốn còn nóng về nhà đãi khách mau”.

 ​Chợt đụng vào chiếc túi vải nằng nặng vẫn đeo trên vai. Mấy lát bánh mì kẹp thịt nguội, quả chuối, trái táo sáng nay Yến cẩn thận gói sẵn cho tôi mang theo ăn đường vẫn còn đây, kèm theo lời dặn: “Đừng ăn ở quán, đắt đỏ và mất thời gian xếp hàng”. Vẫn nghe xứ Bắc Âu mười ngày lạnh lẽo âm u may ra có một ngày nắng quý. Đời sống bình an nhưng cơ bản là buồn tẻ. Thế mà chỉ vài ngày ở đây đã thấy biết bao niềm vui ấm áp lan tỏa từ tấm lòng đồng hương.

 

Phong Hào

 

Ý kiến bạn đọc