Tác dụng và phản tác dụng

VH- Chính phủ Nhật Bản vừa thông qua kế hoạch ngân sách cho năm tài khoá mới. Trong đó, phần dành cho ngân sách quân sự và quốc phòng được tăng lên mức kỷ lục mới là 35,76 tỉ USD.

Với ngân sách lớn chưa từng thấy này, chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe theo đuổi mục tiêu tăng cường đáng kể tiềm lực quân sự và quốc phòng, không chỉ với những hệ thống vũ khí hiện đại để phòng thủ mà còn cả những hệ thống tên lửa có khả năng tấn công ở tầm cho tới 900 km bất chấp hiến pháp hiện hành của đất nước này không cho phép mua sắm vũ khí để tấn công nước khác và tên lửa cũng chỉ với tầm bắn đến 300 km.

Ông Abe và chính phủ hiện tại ở Nhật Bản kỳ vọng vào tác dụng thực tế cũng như răn đe của việc tăng cường ngân sách quân sự và quốc phòng này. Mục tiêu là đối phó với thách thức an ninh từ phía Triều Tiên và Trung Quốc, cụ thể là mối đe doạ an ninh từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như từ việc Trung Quốc đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Nhưng mục tiêu của ông Abe cũng còn là sử dụng tiềm lực quân sự được tăng cường để đảm trách và được công nhận có vai trò chính trị an ninh ở châu lục và trên thế giới cũng như từng bước lách tránh những kiềm chế của hiến pháp hiện hành đối với phạm vi và bản chất hoạt động của quân đội Nhật Bản. Tăng mạnh mẽ ngân sách quốc phòng và quân sự như thế, ông Abe còn đáp ứng đòi hỏi của chính quyền mới ở Mỹ là Nhật Bản phải đóng góp tài chính nhiều hơn trước cho việc đảm bảo an ninh của chính mình chứ không được thuần tuý dựa cậy vào Mỹ nữa.

Tuy nhiên, như thế là tăng cường vũ trang và cái phản tác dụng của nó là thúc đẩy chạy đua vũ trang ở khu vực. Nghi kỵ và ngờ vực, đối phó và phòng ngừa nhau sẽ gia tăng, nguy cơ xung đột cũng gia tăng ở khu vực này và chạy đua vũ trang cứ hết vòng xoắn này đến vòng xoắn khác. Thách thức và đe doạ an ninh vì thế lại nghiêm trọng hơn. Và cái giá rồi sẽ phải trả cho cái phản tác dụng này chỉ có thể còn đắt nữa.

Luong San

Ý kiến bạn đọc