Cách mạng văn hoá ở xứ sa mạc

VH- Ở Ả rập Xê út, chính phủ vừa quyết định cho phép mở lại rạp chiếu phim và kinh doanh với rạp chiếu phim. Việc này đối với thế giới bên ngoài vương quốc ở nơi sa mạc vùng Tiểu Á vốn là chuyện hết sức bình thường, thậm chí còn đương nhiên, từ xa xưa nay rồi, nhưng đối với Ả rập Xê út là chuyện tày đình.

Sau 35 năm, ở đây mới lại có rạp chiếu phim hoạt động. Điều này còn đáng được chú ý đến hơn khi rạp chiếu phim thì bị cấm nhưng làm phim thì lại được cho phép ở Ả rập Xê út. Ở đây trong suốt nhiều thập kỷ qua, phim ảnh được sản xuất, nhưng trình chiếu thì lại chỉ ở nước ngoài.

Như thế chẳng phải đấy giống như một cuộc cách mạng văn hoá hay sao? Nó có tác động mạnh mẽ và tầm ảnh hưởng to lớn như quyết định của chính phủ cho phép phụ nữ lái xe ô tô và ra sân vận động xem thi đấu thể thao.

Chính quyền Ả rập Xê út quyết định tự do và mở cửa đất nước về văn hoá không phải trước hết nhằm đáp ứng nhu cầu văn hoá của người dân mà vì nhằm tranh thủ sự ủng hộ của người dân cho dự án đầy tham vọng về hiện đại hoá đất nước hướng tới thời kỳ không còn có thể giàu sang được thêm nữa bằng dầu lửa. Kinh doanh rạp chiếu phim đúng là có thêm nguồn thu nhập mới. Nhưng điều quan trọng và quyết định hơn cả với cuộc cách mạng văn hoá bất ngờ này là tạo hình ảnh mới cho vương quốc và hoàng gia. Không còn già nua, cổ hủ, bảo thủ và giáo điều như trước nữa mà hiện đại và cởi mở, tân tiến và hợp thời, không còn hà khắc về tôn giáo nữa mà ôn hoà. Có thế thì mới có thể nói vương triều nơi sa mạc này giữa thế giới hiện đại không như ốc đảo giữa sa mạc mà hội nhập hài hoà. Có thể thì du khách và nhà đầu tư nước ngoài mới đến. Có thế thì thần dân mới để cho hoàng gia yên ổn tiếp tục cầm quyền. Nhưng dù sao thì đấy cũng là chuyển biến tích cực về văn hoá.

Hà An

Ý kiến bạn đọc