Phiên họp thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về Bảo vệ DSVHPVT

VH- Ngày 3.12, Phiên họp thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã khai mạc tại đảo Jeju, Hàn Quốc.

Phát biểu trước hơn 700 đại biểu của 113 quốc gia tại lễ khai mạc, ông Francesco Bandarin, Trợ lý Tổng Giám đốc về Văn hóa của UNESCO nhấn mạnh rằng Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã đạt được tốc độ phê chuẩn nhanh nhất so với bất kỳ Công ước về văn hóa khác “vì ngày nay chúng ta đã có tới 175 quốc gia thành viên”. Ông cũng khẳng định: “Đã có rất nhiều thỏa thuận đạt được theo Công ước 2003 kể từ khi Công ước có hiệu lực vào năm 2006. Điều quan trọng mà chúng ta cần nhớ là sự tồn tại của Công ước không bị ngăn trở. Ngược lại, đây là một Công ước phát triển không ngừng và nó liên tục thích nghi với những nhu cầu đang thay đổi của cộng đồng quốc tế. Và nhờ khả năng thích ứng này mà nó vẫn còn có liên quan đến ngày hôm nay”.
Cũng tại buổi lễ này, ông Byong-hyun Lee, Chủ tịch Ban chấp hành UNESCO, Chủ tọa Phiên họp lần thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 cho rằng: “Di sản văn hóa phi vật thể là một trong những biểu hiện quý giá nhất của con người, bởi nó thấm sâu vào trái tim qua cách con người hiểu về thế giới, qua cách chúng ta hiểu về nhau và về chính bản thân chúng ta… Di sản văn hóa phi vật thể cũng phải dựa vào con người, nó chỉ có thể được xác định và bảo vệ bởi các cộng đồng thực hành nó. Với cách nhìn nhận đó, Công ước 2003 đã được hình thành từ sự hiểu biết về di sản văn hóa phi vật thể như là một cái gì đó sống động, năng động và là nguồn tri thức không ngừng thay đổi, đồng thời có cả tính truyền thống và tính sáng tạo”.

Phiên họp thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về Bảo vệ DSVHPVT - Anh 1

Ông Byong hyun Lee, Chủ tọa phiên họp thứ 12


Khi nhắc đến những cam kết lâu dài của Hàn Quốc đối với Công ước 2003, ông Kim Jong-Jin, người đứng đầu Tổng Cục Di sản văn hóa Hàn Quốc nhấn mạnh: “Công ước 2003 đã chỉ ra rằng di sản văn hóa phi vật thể là một cây cầu liên kết giữa quá khứ và tương lai của chúng ta và nó tượng trưng cho bản sắc và lòng tự trọng của các cộng đồng liên quan”.
Trong 6 ngày sắp tới (từ ngày 4 - 9.12.2017), Ủy ban sẽ thảo luận một số vấn đề quan trọng đối với việc bảo vệ di sản sống trên thế giới. Các cuộc tranh luận có thể được theo dõi trực tuyến. Theo đó, Ủy ban sẽ xem xét các báo cáo định kỳ của 11 quốc gia thành viên về việc đưa ra các biện pháp, quy định pháp lý hoặc các biện pháp khác nhằm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ở quốc gia của mình. Các chủ đề khác cần thảo luận bao gồm: di sản văn hóa phi vật thể trong các trường hợp khẩn cấp, tác động của Công ước và phân bổ nguồn lực từ Quỹ Di sản văn hóa phi vật thể.
Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ xem xét 6 đề cử để đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần Bảo vệ khẩn cấp nhằm thiết lập sự hỗ trợ và hợp tác quốc tế đối với các biểu hiện văn hóa bị đe dọa; 34 đề cử cho việc ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 2 đề xuất cho Danh sách Các thực hành được bảo vệ tốt và 2 Yêu cầu hỗ trợ quốc tế cho các kế hoạch bảo vệ hoặc các cuộc kiểm kê.
Tính đến nay, 47 di sản đã được ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp ở 26 quốc gia. Trong khi đó, Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã có 365 di sản ở 108 quốc gia. Đối với Danh sách Các thực hành được bảo vệ tốt, 17 chương trình được ghi danh.

Huyền Trang (từ Jeju - Hàn Quốc)

Ý kiến bạn đọc